Đằng sau sự ồn ào về cái tên Nanogen trên mạng xã hội
Đằng sau sự ồn ào về cái tên Nanogen trên mạng xã hội
Nguyễn An Thanh
Thứ tư, ngày 23/03/2022 08:57 AM (GMT+7)
Đến giờ, vaccine Nanocovax vẫn chưa được cấp phép nhưng tác giả Hồ Nhân, nguyên Tổng giám đốc Công ty Nanogen, lại làm dậy sóng MXH bởi những việc chả liên quan đến công tác chuyên môn.
Tối 19/3, những tấm ảnh "nhạy cảm" liên quan tới nữ ca sĩ Hiền Hồ và CEO Hồ Nhân được tung lên mạng. Hiền Hồ từng có những bê bối tình cảm gây chấn động showbiz, nhưng lần này MXH ồn ào vì chuyện của cô liên quan đến người được biết đến với tư cách là nhà nghiên cứu Nanocovax, loại vaccine ngừa Covid-19 vẫn đang được thử nghiệm ở Việt Nam.
Cái đáng suy nghĩ không phải là Hiền Hồ nổi vì liên quan đến người của Nagogen, mà vì Nanogen và vaccine của Nanogen lại nổi vì liên quan đến Hiền Hồ và những nghi vấn về các mối quan hệ phức tạp, chứ không phải về chuyên môn, về khả năng vaccine của Nanogen được ra thị trường như lẽ ra cần phải thế.
Nanogen là một trong ba đơn vị đang nghiên cứu vaccine Covid-19 của Việt Nam. Nanogen được chú ý khi là ứng viên sáng giá nhất để hiện thực hóa giấc mơ vaccine Covid-19 của Việt Nam. Trước đó, Nanogen đã được biết tới là một doanh nghiệp sản xuất dược phẩm với các dòng sản phẩm thuốc, chế phẩm sinh học đặc trị được thành lập từ 1997.
Những dư chấn từ bài học chậm trễ vaccine ở Việt Nam và thế giới vẫn còn đó, và sự cần thiết, công dụng của vaccine đã được chứng minh, nhất là khi Hà Nội đã trải qua đỉnh dịch với 30 nghìn người thành F0 mỗi ngày nhưng vẫn không xảy ra thảm hoạ, nên những hy vọng về khả năng tự chủ vaccine khiến người ta mong mỏi "ứng viên sáng giá" sẽ sớm thành công - đấy mới là cách Nanogen nên nổi tiếng.
Dù sao qua vụ này mới vỡ lẽ chuyện ông Hồ Nhân đã không còn là CEO của Nanogen. Ông Hồ Nhân, người được giới thiệu là tiến sĩ công nghệ sinh học tại Đại học Arizona (Mỹ), chính là nhà sáng lập và đứng đầu doanh nghiệp này từ ngày thành lập lớn lên ở New York.
Ông Việt kiều này đã có 20 năm nghiên cứu công nghệ sinh học ở nước ngoài trước khi về Việt Nam lập công ty sản xuất thuốc sinh học trị liệu. Từ năm 2008, ông con rể của Sơn Kim Group về định cư hẳn ở Việt Nam để chuyên tâm nghiên cứu và kinh doanh. Một con đường xán lạn đang mở ra trước mắt với biết bao dự định khi được sự hậu thuẫn của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Những dấu mốc của Nanogen dường như đã rất suôn sẻ. Tháng 3/2020, Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ tìm, phân công doanh nghiệp đủ tiềm lực để nghiên cứu bào chế vắc xin ngừa Covid-19. Không lâu sau, vào ngày 15/5/2020, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 1256/QĐ-BKHCN chính thức đặt hàng Công ty Nanogen làm vaccine phòng Covid-19.
Tại thời điểm ấy và ngay cả hiện tại cũng không ít công ty được Chính phủ tin tưởng đặt hàng như Nanogen. Tiếp đó, ngày 9/12/2020, Hội đồng Đạo đức y sinh của Bộ Y tế đã họp lần cuối để xem xét, phê duyệt thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người ở Việt Nam của Nanogen. Vaccine Nanocovax được sản xuất dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp được cho là phù hợp với tình hình cụ thể của Việt Nam.
Qua 3 giai đoạn thử nghiệm bắt đầu từ 18/12/2020 đến 11/6/2021, tháng 6/2021, Nanogen có công văn gửi Thủ tướng, xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện vaccine Nanocovax, với giá bán phi lợi nhuận khoảng 120.000 đồng/liều. Chính điều này làm người ta càng kỳ vọng vào công ty Nanogen và cá nhân tiến sĩ Hồ Nhân.
Nhưng khá bất ngờ khi Nanogen thông báo ông Hồ Nhân không còn giữ vị trí tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này từ ngày 29/12/2021. Theo đó, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, vợ ông Hồ Nhân, trở thành người đảm nhận vị trí này. Cuộc chuyển giao không quá ồn ào nhưng cũng để những người trong nghề đặt dấu hỏi lớn. Ông Nhân đã không còn tham gia điều hành dự án này, còn Nanocovax cũng chưa thể có giấy phép lưu hành, xuất xưởng sản phẩm vào cuối năm 2021 như dự kiến trước đó.
Vaccine là sản phẩm đặc biệt, không chỉ có tác động tới một người mà cả cộng đồng, chính vì vậy cần xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng, đặc biệt có sự tham vấn của các nhà khoa học uy tín, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC)… Tiến độ cấp phép lưu hành cần có những bước đi cẩn trọng từng bước để có thể đánh giá về tính an toàn (ngắn hạn và dài hạn), sự ổn định và sự bền vững của tính sinh miễn dịch, đặc biệt là hiệu quả bảo vệ sức khỏe của người dân. Sự thận trọng của Hội đồng Đạo đức y sinh là có lý do, dù nhu cầu sử dụng vaccine của Việt Nam rất lớn.
Ngày 18/3/2022 mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 1685/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về kết quả xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành vaccine Nanocovax.
Theo kiến nghị của Nanogen mà người đứng đầu lúc này là CEO Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo văn bản số 1027/VPCP-KGVX ngày 17/2/2022 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi trường hợp theo quy định của pháp luật.
Đối với nhiều người, người ta không quá quan tâm đến những ồn ào trên MXH, không cần sự việc có đúng như vị đại gia nhiều lần khẳng định, với Hiền Hồ, hai người là "anh em họ của nhau", "anh em nương tựa nhau, giúp đỡ nhau" hay không.
Điều mong muốn, mong muốn khẩn thiết, là sau những ồn ào liên quan đến kit test của Việt Á, những khẳng định của Bộ Y tế Nanocovax sẽ là vaccine Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất thử nghiệm trên người bao giờ sẽ thành hiện thực? Những quảng cáo, hệ thống nhà xưởng sẵn có của Nanogen có thể sản xuất ngay 50.000 - 100.000 liều/mẻ (20-30 triệu liều/năm) và tăng dần lên tới 100 triệu liều/năm để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu liệu có khả thi hay không?
Cho dù đã có ý kiến ủng hộ của Phó Thủ tướng, song liệu sự thận trọng của Hội đồng Đạo đức y sinh, hay gần dây là việc thay đổi CEO hay những ồn ào liên quan đến cô ca sĩ... tất cả có ảnh hưởng đến tiến độ đăng ký lưu hành vaccine Nanocovax hay không?
Nếu Nanocovax được cấp phép lưu hành sẽ là cơ sở quan trọng của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030". Bộ Y tế phấn đấu 100% vaccine trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vaccine khác; từng bước đưa vaccine Việt Nam tham gia thị trường quốc tế.
Mục tiêu tự chủ vaccine khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành, một vaccine hiệu quả, chất lượng, khi con virus vẫn tiếp tục có những biến thiên muôn hình vạn trạng, đấy mới là điều cần đặt câu hỏi sau những ồn ào không đáng có trên MXH tuần qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.