Theo thống kê gần đây của tổ chức WHO: “Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí”.
Như vậy có thể thấy ô nhiễm không khí đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta bởi các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm sẽ thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp…cho người tiếp xúc.
Đó chính là lý do chúng ta rất nên có cho bản thân và gia đình không nhiều thì một vài cây cảnh trong nhà để vừa giúp lọc không khí, vừa tạo cảnh quan đẹp lại mang đến những lợi ích không nhỏ về mặt phong thủy.
Thế nhưng nên trồng cây cảnh gì trong nhà cho phù hợp cũng là một bài bài toán mà nhiều người chưa giải đáp được.
Sau đây là một gợi ý cực kỳ hay ho cho bạn về 2 loại cây cảnh vừa “đẹp người” lại “đẹp nết” phù hợp với mọi lứa tuổi và tính cách, nhà nào cũng trồng được, người lười đến đâu cũng không sao.
Lưỡi hổ được xem là loại cây cảnh được gọi là cây cảnh "quốc dân", không những được yêu thích nhờ khả năng lọc không khí tốt và mang lại nhiều may mắn cho gia đình mà còn trồng chỗ nào cũng được, giá lại rẻ như cho. Đồng thời, cây cảnh này cực kỳ dễ trồng, dễ chăm nhưng không vì thế mà kém đi những giá trị vật chất và tinh thần mà loại cây cảnh này mang lại.
Cây cảnh lưỡi hổ còn có tên gọi khác là hổ thiệt, hổ vĩ, lưỡi cọp và có rất nhiều loại với ngoại hình bắt mắt như: Lưỡi Hổ Laurentii, Lưỡi Hổ Futura Superba, Lưỡi Hổ Dwarf Laurentii, Lưỡi Hổ Futura Robusta, Lưỡi Hổ Whitney hay Black Robusta, Lưỡi Hổ Golden Hahnii, Lưỡi Hổ Gold Flame, Lưỡi Hổ Cylindrica hoặc Cylindrical, Lưỡi Hổ Silver Queen hoặc Moonshine…
Cây cảnh lưỡi hổ cũng được đặt trước cửa nhà, tòa nhà, cao ốc và trong các không gian công cộng… để thanh lọc không khí, khử khuẩn góp phần không nhỏ trong việc giảm hiệu ứng nhà kính.
Một tác dụng tuyệt vời hoàn toàn khác biệt không thể không kể đến của loại cây cảnh này chính là “tác dụng trong phòng ngủ”.
Khác với những loại cây cảnh khác thường nhả khí CO2 vào ban đêm, cây cảnh lưỡi hổ ban đêm vẫn hấp thụ độc tố qua lá và nhả ra oxy tinh khiết tạo môi trường trong lành cho chủ nhân có giấc ngủ ngon hơn.
Về phong thủy, cây cảnh lưỡi hổ có ý nghĩa tượng trưng của người quân tử, khí phách kiên cường, có chí hướng vươn lên trong cuộc sống. Dáng vẻ uy nghi từ thân đến ngọn của cây lưỡi hổ là biểu tượng của sự uy quyền, danh gia vọng tộc, phú quý và may mắn.
Có lẽ vì vậy mà người ta trồng loại cây cảnh này trong nhà như một cây quý giá có ý nghĩa phong thủy hưng thịnh, vì theo như tín ngưỡng của người Trung Hoa “tám vị thần sẽ ban tặng 8 đức tính quý giá của họ cho người sở hữu cây lưỡi hổ đó là: Thịnh vượng, sắc đẹp, sống lâu, thông minh, sức khỏe, nghệ thuật, sức mạnh và thơ ca”. Đặc biệt, cây cảnh lưỡi hổ rất hợp với người mệnh Kim, Thủy, Hỏa và Mộc.
Phải công nhận một điều là cây cảnh lưỡi hổ là loài cây dễ trồng nhất trong tất cả các loại cây cảnh, vứt góc nào cũng sống, phòng khách, phòng ngủ, ban công cũng chơi, gầm cầu thang hay xó cửa cũng chẳng nề hà,...
Tưới nước cũng được mà quên tưới một tí cũng chẳng hề hấn gì, bón phân thì càng tốt mà chẳng bón phân vẫn sống ngon lành. Dễ tính là vậy, thế nhưng mấy ai biết được rằng, loại cây cảnh này lại cực kỳ khó nở hoa.
Cây cảnh kim tiền (tên khoa học là Zamioculcas zamifolia) còn có cách gọi khác là cây cảnh kim phát tài là loại cây rễ chùm, sống lâu năm, thân vươn cao, lá xanh hướng lên trên ý nghĩa như bàn tay hứng lộc trời cho, tức là tiến lên, đi lên, tiền bạc lúc nào cũng nhiều.
Chính vì vậy nên người ta tin rằng những ai sở hữu loại cây cảnh này sẽ có được sự thịnh vượng, may mắn và tiền tài. Cũng bởi thế mà cây cảnh kim tiền luôn là lựa chọn số một cho các phòng khách, phòng hội họp, văn phòng công sở, nhà hàng, khách sạn, hoặc dùng làm quà tặng trong những dịp mừng lễ, tết, thăng chức, khai trương…Đặc biệt là những công ty hoạt động về lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng thì hầu như không thể thiếu loại cây này trong văn phòng của họ.
Cây cảnh kim tiền thuộc Mộc mà mộc sinh Hỏa nên 2 bản mệnh hợp nhất là mệnh Hỏa và mệnh Mộc. Tương tự như cây cảnh lưỡi hổ, nếu bạn mệnh khác có thể lựa chọn màu chậu cây cảnh và sỏi trang trí cho phù hợp.
Cây cảnh kim tiền rất thích hợp đặt ở phòng khách, bệ cửa sổ, ban công hoặc trên bàn làm việc bởi dáng vẻ mọng nước, xanh mướt mát, cứng cáp và căng tràn sức sống sẽ giúp dịu mắt, giảm stress, tạo động lực mà còn làm đẹp cho không gian sống của gia chủ.
Cách chăm sóc cả 2 loại cây cảnh kim tiền và lưỡi hổ:
Đặc điểm chung của cả 2 loại cây cảnh kể trên là không đòi hỏi chăm sóc công phu tốn kém.
Để cây cảnh lưỡi hổ và kim tiền luôn được xanh tốt, các bạn chỉ cần tưới nước khoảng 2-3 lần/tuần. Một vài tháng nếu cây cảnh của bạn thiếu sáng (thể hiện là lá cây nhạt màu hoặc chuyển vàng) thì bạn có thể để cây ở nơi sáng 1 vài ngày cho cây xanh lại là được.
Khi cây cảnh đẻ nhánh quá nhiều làm chật chậu bạn có thể tách cây con sang chậu khác và, tất nhiên, bạn có thêm chiếc “máy lọc không khí tự nhiên” hoàn toàn thân thiện với môi trường rồi!
Đọc đến đây có bạn nào đã nóng lòng muốn có ngay 1 cây cảnh lưỡi hổ hoặc kim tiền cho bản thân mình chưa?