Cây cảnh 10 năm mới ra hoa 1 lần, sống cả trăm năm, từ rễ đến lá đều dùng làm thuốc chữa bệnh

S.E.N Thứ sáu, ngày 08/04/2022 16:50 PM (GMT+7)
Cây cảnh vạn tuế là loại cây thường được trồng trong nhà, giúp tô điểm, làm đẹp không gian sống. Nhưng liệu bạn có biết, ngoài giá trị thẩm mỹ, đây còn là loại cây cảnh mang đến nhiều lợi ích như từ rễ đến lá đều dùng làm thuốc chữa bệnh và có giá trị phong thủy vô cùng đặc biệt?
Bình luận 0

Nhiều người thường trồng cây cảnh vạn tuế trong gia đình để mang lại sự may mắn. Nhưng không mấy ai hiểu hết được ý nghĩa của loại cây cảnh này. Thậm chí, cũng có nhiều người không hề biết vạn tuế có ra hoa hay ra quả được không, bởi lẽ, không nhiều người nhìn thấy cây cảnh vạn tuế ra hoa hay ra quả. 

Với bài viết sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tất tần tật thông tin về loại cây cảnh này nhé!

1. Cây cảnh vạn tuế là cây gì?

Cây cảnh vạn tuế hay còn gọi là cây chuối lửa, có nguồn gốc từ phía Nam của Nhật Bản. Cây cảnh này có tên khoa học là Cycas revoluta thuộc họ Cycadaceae – Thiên Tuế. 

Nó thuộc loại cây cảnh chịu hạn tốt và thường được trồng trong vườn nhà. Vòng đời của vạn tuế lên đến hàng trăm năm.

Cây cảnh 10 năm mới ra hoa 1 lần, sống cả trăm năm, từ rễ đến lá đều dùng làm thuốc chữa bệnh - Ảnh 1.

Vòng đời của một cây cảnh vạn tuế lên đến hàng trăm năm.

Thân cây cảnh vạn tuế có hình trụ vàng, sần sùi và thường cao khoảng 2 - 4m. Lá cây mọc đối xứng. Phiến lá nhẵn có màu xanh đậm, cứng, cây vạn tuế thường sinh trưởng chậm, tuổi thọ cao. Với tên gọi và những đặc tính trên, cây cảnh vạn tuế thường được trồng với mong muốn mang đến ý nghĩa tốt cho gia đình. 

Cây cảnh vạn tuế được biết đến là một loài cây cảnh có phần tán lá xoè rộng, thường được trồng để trang trí. Không phải ai cũng biết rằng, loài cây cảnh này có thể ra hoa, thậm chí kết quả. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều về quả của loài cây cảnh này.

Cây cảnh 10 năm mới ra hoa 1 lần, sống cả trăm năm, từ rễ đến lá đều dùng làm thuốc chữa bệnh - Ảnh 2.

Hoa của cây cảnh vạn tuế có 2 loại hoa đực và hoa cái.

Việc một cây cảnh vạn tuế ra hoa, kết quả là khá hiếm, tuy nhiên cũng không phải là không có. Đa số các trường hợp trồng vạn tuế khoảng 10 - 15 năm mới cho ra hoa. Vì rất ít khi ra hoa, nên việc ra hoa của cây cảnh vạn tuế được cho là mang lại nhiều may mắn nên thường được hỏi mua với giá rất cao. Một số nghệ nhân trồng cây cảnh lý giải rằng, trong điều kiện thích hợp về thời tiết, đất đai, loài cây cảnh này có thể ra hoa và kết quả.

Cây cảnh 10 năm mới ra hoa 1 lần, sống cả trăm năm, từ rễ đến lá đều dùng làm thuốc chữa bệnh - Ảnh 3.

Hoa đực của cây cảnh vạn tuế gần giống như trái ngô lớn dẹp và dài hơn hoa cái, còn bông hoa cái có kích thước lớn hơn, bên ngoài phủ lớp lông màu trắng hơi vàng nhìn giống với hình bán cầu. Trong hình là những bông hoa vạn tuế đực.

Nói về quả của cây vạn tuế, tuỳ từng giống cây và độ chín sẽ có màu xanh, vàng hoặc đỏ. Nhiều người truyền tai nhau rằng quả của cây có độc và không thể ăn được, tuy nhiên vẫn có người ăn thử mà không hề hấn gì. Phần thịt bên trong quả cây vạn tuế có màu trắng, ăn bùi ngậy như hạt dẻ, hạt mít... Thế nhưng đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào khẳng định việc có ăn được quả của loài cây cảnh này hay không và liệu rằng quả của nó độc hay không có độc.

2. Trồng cây cảnh vạn tuế và những lợi ích mà nó mang lại

Cây cảnh vạn tuế có "vẻ ngoài" bắt mắt nên thường được sử dụng khá phổ biến trong phần trang trí của các lễ hội hay bữa tiệc quan trọng, thường là cắm hoa. 

Bên cạnh đó, vạn tuế còn là một loại cây rất quan trọng đối với Đông y. Trong Đông y cây vạn tuế được coi như là một bài thuốc có thể điều trị được một số bệnh. Lá của cây sao khô có thể giải độc, hoa có tác dụng bổ tinh ích thận. Trong khi đó hạt vạn tuế có tác dụng bình can và giảm huyết áp. Có thể nói toàn bộ bộ phận của cây vạn tuế đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.

Cây cảnh 10 năm mới ra hoa 1 lần, sống cả trăm năm, từ rễ đến lá đều dùng làm thuốc chữa bệnh - Ảnh 4.

Cây cảnh vạn tuế nên đặt ở những vị trí thông thoáng, rộng rãi và nên tránh xa tầm với của trẻ nhỏ bởi cây có lá nhọn và chứa các độc tố gây tổn thương đến trẻ nhỏ.

Không chỉ có giá trị thẩm mỹ và giá trị về y học mà cây cảnh này còn có giá trị giúp thanh lọc bầu không khí trong nhà. Điều này giúp mang đến sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái cho gia chủ. 

Ngoài làm tốt chức năng của một loại cây cảnh, mang lại giá trị mỹ quan và làm sạch bầu không khí, cây vạn tuế còn có nhiều tầng ý nghĩa dưới góc nhìn phong thủy.

3. Ý nghĩa phong thủy của cây cảnh vạn tuế

Cây cảnh vạn tuế phong thủy được xếp vào bộ tam cây phong thủy: phúc (cây sanh), lộc (lộc vừng), thọ (vạn tuế), chủ ý mang lại sức khỏe và sự bình an cho gia chủ. Theo quan niệm, cây cảnh vạn tuế càng to lớn thì càng may mắn, hưng thịnh.

Hình thái uy nghi cùng với sức sống mãnh liệt của loại cây cảnh này biểu tượng cho sự kiên trì, sự bất khuất, luôn cố gắng vươn lên để đạt được sự thành công trong cuộc sống.

Cây cảnh vạn tuế cũng là biểu tượng cho sự trường thọ, sự vĩnh hằng của cuộc sống. Vì vậy, những cây cảnh vạn tuế mini thường được chọn làm quà tặng cho người lớn tuổi, trong các buổi lễ mừng thọ,...

Cây cảnh 10 năm mới ra hoa 1 lần, sống cả trăm năm, từ rễ đến lá đều dùng làm thuốc chữa bệnh - Ảnh 5.

Cây cảnh vạn tuế còn tượng trưng cho sự trường thọ, vĩnh cửu, bởi cây có tuổi thọ rất cao. Cây vạn tuế thường được sử dụng để tặng cho người thân với mong muốn người thân được sống lâu, đắc đại thọ.

Ngoài ra, thông qua tên gọi, loài cây cảnh này thể hiện sự sang trọng, cân bằng âm dương, xua đuổi tà mà và những điềm xấu. Nhờ đó, gia chủ sẽ có cuộc sống bình yên, nhận vận may về tài lộc và thăng tiến trên con đường công danh, sự nghiệp.

Đặc biệt, cây cảnh vạn tuế phong thủy không hề kén chọn, kiêng kỵ với bất kỳ tuổi hay bản mệnh nào. Ai cũng có thể lựa chọn loài cây này để cải thiện nguồn năng lượng, mang lại điều may mắn cho mình. Kích thước cây cảnh vạn tuế phù hợp để trồng trước nhà hoặc trong khuôn viên sân vườn.

4. Trồng và chăm sóc cây cảnh vạn tuế thế nào mới là đúng cách?
Trồng cây cảnh vạn tuế ở đâu?

Với nhiều ý nghĩa và tác dụng được nêu bên trên, cùng với khả năng thích nghi, dễ sống khỏe trong nhiều điều kiện trồng khác nhau nên các cây cảnh vạn tuế mini được nhiều người lựa chọn trồng trong nhà. 

Tốt nhất nên đặt cây cảnh ở những nơi thoáng mát, không khí lưu thông tốt, diện tích rộng rãi và đặc biệt tránh xa tầm tay trẻ em vì cây có chứa độc tố, gây nguy hiểm nếu nuốt phải. Những vị trí như phòng khách, đại sảnh, hành lang, cầu thang hay trước nhà là những vị trí tốt để trồng loại cây này vì khá thoáng, mát, rộng rãi và ít ánh sáng.

Cây cảnh 10 năm mới ra hoa 1 lần, sống cả trăm năm, từ rễ đến lá đều dùng làm thuốc chữa bệnh - Ảnh 6.

Không nên đặt cây cảnh vạn tuế ở các ô cửa vì lá của chúng sẽ lan rộng, thu hẹp lối đi và cũng không phù hợp về mặt phong thủy.

Bạn không nên trồng cây cảnh này ở những nơi kín gió như phòng kín, phòng ngủ…. Cũng không nên đặt cây cảnh ở các ô cửa vì lá của chúng sẽ lan rộng, thu hẹp lối đi và cũng không phù hợp về mặt phong thủy.

Cây cảnh vạn tuế sẽ khỏe mạnh khi được đặt ở nơi có nắng, gió và đầy đủ ánh sáng, nhưng không thích hợp với những nơi quá nắng. Ánh nắng mặt trời dễ làm chúng cháy xém và héo lá, dễ dẫn đến chết cây. Khả năng chịu lạnh của cây cũng được đánh giá là khá thấp.

Lựa chọn loại đất như thế nào để trồng cây? 

Cây cảnh vạn tuế không kén đất nhưng để cây có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt thì bạn cần chọn loại đất là đất thịt, trộn với phân chuồng ủ hoai mục, tro trấu, xỉ than.

Tùy theo kích thước cây cảnh mà bạn chọn loại chậu có kích thước phù hợp. Nhưng nên là những chậu có lỗ thoát nước dưới đáy để đảm bảo cây cảnh không bị úng. Để cây phát triển tốt, khi chọn giống bạn nên chọn những cây khỏe mạnh, đủ rễ, đủ lá, cành và quan trọng nhất là không sâu bệnh.

Cây cảnh 10 năm mới ra hoa 1 lần, sống cả trăm năm, từ rễ đến lá đều dùng làm thuốc chữa bệnh - Ảnh 7.

Định kì tưới cho cây cảnh vạn tuế 2-3 ngày 1 lần.

Tiến hành trồng cây cảnh

Bạn đặt gốc cây cảnh vào chậu hoặc hố đã chuẩn bị sẵn sau đó lấp đất vào sao cho đất chỉ chạm vào phần gốc phồng lên của thân cây. Không nên trồng cây quá sâu hoặc quá nông vì như vậy sẽ không tốt cho sự phát triển của cây cảnh. Sau khi trồng, bạn đừng quên tưới nước để đảm bảo độ ẩm cho cây.

Thời điểm lý tưởng nhất để trồng loại cây cảnh này là vào tháng 3, 4 hoặc 9, đây là lúc thời tiết dễ chịu, tạo điều kiện thuận lợi cho cây cảnh ra rễ và phát triển.

Một số lưu ý khi chăm sóc cây vạn tuế

Cây cảnh 10 năm mới ra hoa 1 lần, sống cả trăm năm, từ rễ đến lá đều dùng làm thuốc chữa bệnh - Ảnh 8.

Cây cảnh vạn tuế có thể được nhân giống bằng nhiều cách khác nhau, như gieo hạt, giâm củ, chồi hút,...

Mặc dù loại cây cảnh này có khả năng chịu hạn tốt nhưng bạn không nên để đất quá khô, nên tưới nước vừa đủ. Nếu cây cảnh trồng trong nhà thì hãy tưới nước cho cây 1-2 lần / tuần. Trong mùa mưa, bạn cũng cần phải chống úng cho cây cảnh, vì nếu ngập úng cây rất dễ chết.

Cây cảnh vạn tuế cần ánh sáng để phát triển nhưng không nên trồng ở nơi nắng quá gắt. Nếu bạn trồng trong nhà thì nên đưa cây ra ngoài trời 2 lần/tuần vào buổi sáng từ 6h đến 9h. Đây là nhằm giúp cây cảnh hấp thụ ánh sáng và phát triển khỏe mạnh.

Bạn nên bón phân định kỳ cho cây cảnh khoảng 4 – 6 tháng/lần. Đồng thời, thu dọn cỏ dại xung quanh gốc cây, cắt tỉa lá héo, khô để phòng trừ sâu bệnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem