Dân Việt

Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Nên mở rộng quyền lợi, tăng mức đóng và không "cào bằng"

Diệu Linh 06/06/2022 06:05 GMT+7
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, Luật Bảo hiểm y tế nên sửa đổi theo hướng mở rộng quyền lợi cho người tham gia, tăng mức đóng, tuy nhiên không nên cào bằng.

Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới so với Luật hiện hành đang được Bộ Y tế lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

PV: Theo ông Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ bổ sung 1 số đối tượng "chưa từng có" trong Luật để đảm bảo mọi người dân đều được hưởng đúng quyền lợi. Theo ông đó là nhóm đối tượng nào?

Ông Phạm Lương Sơn: Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó, bổ sung thêm các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội...

Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Nên mở rộng quyền lợi, tăng mức đóng và không "cào bằng" - Ảnh 1.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn

Tuy nhiên, sẽ còn những nhóm đối tượng có thể trong quá trình liệt kê, thống kê, xây dựng nhóm đối tượng tiềm năng chưa bao quát hết, kể cả những nhóm đối tượng yếu thế và những người có công.

Đơn cử như thanh niên xung phong, vì trong Pháp lệnh Người có công với cách mạng chỉ nói đến bộ đội chứ không nói đến thanh niên xung phong. Bây giờ chúng ta cần sửa và để đảm bảo quyền lợi cho họ…

Hay như trong Luật quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho người lao động, tuy nhiên, bản thân người sử dụng lao động thì chúng ta lại không coi họ là đối tượng.

Họ lo cho hàng nghìn công nhân của mình nhưng bản thân họ lại bị "bỏ quên". Do vậy, giờ đây khi thiết kế chính sách phải đưa chủ sử dụng lao động vào là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

PV: Nhiều góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm y tế cho rằng cần mở rộng thêm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, ông nhận định sao về điều này?

Ông Phạm Lương Sơn: Muốn chính sách bảo hiểm y tế hấp dẫn thì phải mở rộng quyền lợi. Muốn mở rộng quyền lợi thì phải có nguồn lực để đảm bảo quyền lợi đó, phải tăng mức đóng.

Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Nên mở rộng quyền lợi, tăng mức đóng và không "cào bằng" - Ảnh 2.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn: "Cần phải tăng mức đóng bảo hiểm y tế nhưng không nên cào bằng" (Lấy số khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM. Ảnh BVCC)

Nhưng nếu cào bằng việc tăng mức đóng thì rất không nên, vì hiện nay có hiện tượng, đối tượng đóng nhiều lại đang hưởng ít, đối tượng đóng ít thì hưởng nhiều.

Mức trần đóng bảo hiểm y tế chỉ nên quy định tối đa bằng 6% lương hằng tháng của người lao động, mức đóng của doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức 4,5% là hợp lý.

Nhưng với người tham gia đối tượng hộ gia đình cần tăng kịch trần lên 6%, còn trường hợp nào không chịu được mức đóng này sẽ thực hiện cơ chế hỗ trợ của các nhà tài trợ. Có như vậy mới giải quyết được bài toán là tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm y tế.

PV: Thời gian qua Quỹ Bảo hiểm y tế đã có hiện tượng chi nhiều hơn thu. Liệu mở rộng quyền lợi có khiến Quỹ Bảo hiểm y tế bị bội chi không thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Mở rộng quyền lợi là mong muốn của Bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, đúng là mở rộng quyền lợi mà không kèm theo đảm bảo nguồn lực - một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo nguồn lực là tăng mức đóng - thì sẽ tạo nên khó khăn.

Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: Nên mở rộng quyền lợi, tăng mức đóng và không "cào bằng" - Ảnh 3.

Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đề xuất tăng quyền lợi đồng thời cũng tăng mức đóng bảo hiểm y tế. (Khám bệnh tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

Tôi ủng hộ phương án của Bộ Y tế đang đề xuất, điều chỉnh tăng mức đóng bảo hiểm y tế lên 6% mức lương cơ sở, nhưng không điều chỉnh tăng cào bằng như tôi đã phân tích ở trên.

PV: Đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình lên mức 6% mức lương cơ sở như ông chia sẻ khiến nhiều người dân đang kêu khó khăn. Vậy liệu tăng mức đóng có làm giảm số người tham gia bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân không thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, bởi người ta đang quen đóng mức thấp, nay bắt đóng mức cao hơn mà nói không ảnh hưởng thì không đúng.

Nhưng chúng ta phải chấp nhận một phần giảm đi, để rồi tăng bền vững về sau, khi người ta thực sự cần. Dần dần, chúng ta phải triệt bỏ cái tư duy bao cấp ngay cả trong việc đóng, tham gia bảo hiểm y tế. Còn có thể là trong 100 người, chấp nhận 20 người bỏ, đừng run.

Hiện nay, chúng ta đã đạt được hơn 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế rồi, chỉ còn chưa đến 10% người dân chưa tham gia. Tuy nhiên, chúng ta cần thay đổi tư duy bảo hiểm toàn dân là phải 100% người dân tham gia.

Vì trong số gần 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế là "bất khả kháng" như người đi tù, người tâm thần, lang thang… Đối với nhiều nước, chỉ cần 70-80% dân số tham gia bảo hiểm y tế là đã "toàn dân" rồi.

Ý kiến được Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn chia sẻ tại Hội nghị tập huấn kiến thức bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho phóng viên tại Quảng Bình vào cuối tháng 5/2022.

Từ ngày 1/6/2022, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã nhận Quyết định nghỉ hưu theo chế độ BHXH.