Làm gì để "người giàu cũng thích bảo hiểm y tế"?

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 24/10/2021 06:09 AM (GMT+7)
Mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay khiến không ít người có thu nhập cao không mặn mà. Mở thêm các gói BHYT phù hợp với nhu cầu là hướng mà BHXH Việt Nam và ngành y tế đang nhắm đến.
Bình luận 0

Chưa mặn mà vì mức hưởng bảo hiểm y tế "cào bằng"

Chị Nguyễn Thị M (Giám đốc một Công ty) cho biết, chị có tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc ở tại Công ty. Bên cạnh đó, chị cũng tham gia một gói bảo hiểm sức khỏe của Công ty Bảo hiểm thương mại trị giá hơn 100 triệu đồng cho cả gia đình. Chị không mua BHYT cho bố mẹ mà khi bố mẹ ốm, chị cho đi khám theo gói bảo hiểm sức khỏe này để được phục vụ và hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất.

"Tôi biết bảo hiểm y tế là chính sách an sinh tốt cho nhiều người nhưng tôi muốn đi khám không phải xếp hàng, muốn được phục vụ tốt, ở phòng bệnh tiện nghi, thuốc tốt nhất. Trong khi mức hưởng của BHYT hiện nay không được là bao", chị M chia sẻ.

Về việc không ít người giàu chưa mặn mà với BHYT, tại buổi thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 22/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhiều người giàu không mặn mà với bảo hiểm y tế mà tham gia bảo hiểm thương mại thông qua công ty bảo hiểm.

Làm gì để "người giàu cũng thích bảo hiểm y tế"? - Ảnh 1.

BHYT là cứu cánh cho rất nhiều bệnh nhân có thu nhập thấp và trung bình. (Đăng ký khám bệnh BHYT tại Bệnh viện đa khoa Hải Hậu (Nam ĐỊnh). Ảnh Diệu Linh

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, số người tham gia bảo hiểm y tế trên cả nước tính đến 31/12/2020 là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Trong đó, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT cho trên 51 triệu người, chiếm 58% số đối tượng.

Như vậy, số người tham gia BHYT năm 2020 tăng 2,35% so với năm 2019; tỷ lệ bao phủ BHYT đã vượt 0,15% so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tại phiên họp lần thứ 2 khi thẩm tra tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 ngày 1/10, đại điện Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng lưu ý, tỷ lệ tham gia BHYT chưa bền vững.

Số đối tượng ở nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng BHYT giảm do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19; Các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chưa đồng đều, nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Hiện còn khoảng gần 10% dân số chưa tham gia BHYT chủ yếu ở vào nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhóm ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng và một phần của nhóm do người lao động, người sử dụng lao động đóng. Trong số 10% người dân chưa tham gia BHYT, cũng có không ít người có thu nhập cao, chưa mặn mà với BHYT.

Làm gì để "người giàu cũng thích bảo hiểm y tế"? - Ảnh 2.

Điều trị tật khúc xạ về mắt là dịch vụ chưa được BHYT chi trả. (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thăm khám cho bà con xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh BVCC)

Nhận định về điều này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng từng phân tích, thực tế hiện nay nhiều người đã mua bảo hiểm y tế nhưng có nguyện vọng tham gia các dịch vụ y tế cao hơn như: giường bệnh theo yêu cầu, bác sĩ theo yêu cầu, các dịch vụ y tế khác theo yêu cầu.

Tuy nhiên, gói dịch vụ y tế cơ bản của BHYT hiện chưa có quy định chi trả các dịch y tế theo yêu cầu. Trong khi với các gói dịch vụ đa dạng khác nhau, BHYT thương mại đã thực hiện được việc kết nối quyền lợi của người tham gia với mức đóng và hưởng tương xứng.

"Về cơ bản, người tham gia BHYT thương mại đóng 1 triệu đồng, sẽ có quyền lợi tương ứng tối đa với 1 triệu đồng. Nhưng với bảo hiểm y tế, người bệnh đóng 100.000 đồng nhưng mức hưởng lại tùy thuộc tình trạng bệnh...", ông Sơn nêu rõ.

Nhiều dịch vụ còn nằm ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cũng cho biết, quy định khám chữa bệnh BHYT hiện nay đang có những ảnh hưởng, ràng buộc không nhỏ đối với người có thu nhập cao, muốn khám chữa bệnh theo yêu cầu với chất lượng và dịch vụ y tế cao nhất.

Người bệnh đi khám bảo hiểm y tế phải đúng tuyến mới được BHYT chi trả đủ theo mức hưởng, chỉ được dùng 1 số kỹ thuật, vật tư, thuốc nằm trong danh mục đã được quy định "cứng". Nếu người bệnh dùng các kỹ thuật cao hơn, thuốc đắt hơn, phòng bệnh tốt hơn thì phải chi trả chênh lệch.

Ngoài ra, danh mục dịch vụ y tế được bảo hiểm y tế chi trả cũng còn nhiều dịch vụ y tế chưa có như khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, dịch vụ y tế dự phòng; sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sức khỏe sinh sản; điều trị tật khúc xạ, sử dụng kính mắt, răng giả…

Do đó, không ít người có thu nhập cao thấy dịch vụ y tế do BHYT chi trả còn quá thấp do với yêu cầu của họ.

Hiện nay, với mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương hoặc mức lương cơ sở (theo mức lương hiện nay là hơn 800.000 đồng/người/năm). Mức đóng này đã áp dụng từ 10 năm nay và không có thay đổi, mặc dù theo Luật BHYT mức đóng BHYT tối đa bằng 6% mức lương hoặc mức lương cơ sở.

Với mức đóng thấp như hiện nay, số lượt khám chữa bệnh tăng theo hàng năm, giá viện phí tăng gấp nhiều lần so với 10 năm trước, Quỹ bảo hiểm y tế đang phải "lựa cơm gắp mắm" mới cân đối quỹ. Do đó, việc hạn chế dịch vụ kỹ thuật, thuốc... được bảo hiểm y tế chi trả là không tránh khỏi.

Làm gì để "người giàu cũng thích bảo hiểm y tế"? - Ảnh 3.

Nếu đa dạng các gói BHYT thì người dân có sự lựa chọn theo nhu cầu mà không phải bỏ tiền túi quá nhiều khi đi khám chữa bệnh (Theo dõi 1 ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BVCC)

Nghiên cứu chính sách bảo hiểm y tế để thu hút người giàu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu cơ chế khuyến khích nhóm dân số giàu tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời đổi mới dịch vụ BHYT tốt hơn để phục vụ người dân tốt nhất.

Trước đó, về việc xây dựng các gói bảo hiểm y tế đa dạng, phù hợp với túi tiền của từng nhóm người, ông Lê Văn Khảm cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tham gia BHYT xã hội, cung cấp các sản phẩm ngoài phạm vi quyền lợi của bảo hiểm y tế.

Doanh nghiệp BHYT thương mại có thể triển khai các gói sản phẩm như: chi trả bảo hiểm cho danh mục thuốc, vật tư ngoài chi trả BHYT; thiết kế gói quyền lợi bổ sung cho chi phí cùng chi trả, phần chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu.

"Khi có hai nguồn BHYT nhà nước và bảo hiểm y tế thương mại sẽ tạo nguồn tài chính bền vững và ổn định cho người tham gia. Điều kiện hoạt động của bệnh viện cũng sẽ đáp ứng tốt hơn. Hiện nay trên thế giới, nhiều tổ chức BHYT tư nhân, thương mại triển khai các gói y tế bổ sung", ông Khảm cho biết.

Tiến tới "tất cả mọi người phải được tiếp cận bảo hiểm y tế"

"BHXH, BHYT là những trụ cột an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân. BHYT giúp tất cả người dân, đặc biệt người nghèo được hưởng các dịch vụ y tế và đảm bảo cơ chế tài chính cho khám chữa bệnh.

Nhóm dân số yếu thế trong xã hội rất quan tâm đến vấn đề này bởi khi đi khám chữa bệnh, các dịch vụ được BHYT chi trả. Chúng ta thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ rủi ro thì phải có nhiều người tham gia. Khi phủ được toàn bộ dân số thì việc chia sẻ rủi ro sẽ đỡ gánh nặng.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ sửa quy định theo hướng tất cả người dân phải được tiếp cận BHYT, thay vì "chỉ khi ốm đau mới đóng hoặc năm đóng, năm không".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem