Chúng tôi có mặt tại nhà anh Triệu Văn Nam, thôn Nà Lồm, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đúng ngày gia đình tổ chức lễ Cấp sắc cho con trai là Triệu Tuấn Ninh.
Lúc này, trong sân, ngoài ngõ đã chật kín xe, tiếng nói cười rôm rả vọng lan trong sương núi, quyện cùng tiếng trống, tiếng chiêng và lời khấn của thầy lễ Bàn Đức Doanh (thôn Vằng Bó, xã Đôn Phong), có thể nói đây là một buổi thực hành nghệ thuật đúng nghĩa của người Dao Tiền nơi đây.
Trong nhà, lúc này thầy lễ chính Bàn Đức Doanh cùng con trai anh Nam đang thực hành các bước cho bài lễ Cấp sắc. Những người phụ lễ quây quần xung quanh kẻ chiêng, người trống tạo nhịp điệu rộn ràng cho những bài khấn lễ của thầy.
Vợ chồng anh Nam hôm nay rất vui vì đã tổ chức được cho con trai lễ cấp sắc, đặt tên âm. Từ nay con trai anh Nam đã có tên trong những lần khấn báo đường âm, con trai anh đã được xác nhận sự trưởng thành, xác nhận trở thành một người đàn ông Dao Tiền thực thụ.
Đến chung vui với gia đình vợ chồng anh Nam hôm nay chủ yếu là họ hàng nội tộc. Mỗi người một tay xắn vào giúp từ sắm đồ lễ, mổ gà, thịt lợn, giúp tiếp những vị khách đường xa. Lễ Cấp sắc hôm nay là lễ cấp sắc 3 đèn, anh Nam cho biết, lễ Cấp sắc sẽ được tổ chức trong 2 đêm 3 ngày, và mổ đến 3 con lợn béo.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Bàn Tiến Minh, Chủ tịch Hội Nông dân thôn Nà Lồm, người từng đi cấp sắc xác nhận sự trưởng thành ở nhiều thôn cho biết, Cấp sắc là lễ đặt tên âm cho người, sau khi được đặt tên âm, người được cấp sắc mới thực sự được công nhân là người trưởng thành. Với người Dao Tiền chúng tôi, thường người đủ tuổi để làm lễ Cấp sắc sẽ là từ 11 tuổi trở lên.
Còn ông Bàn Phú Xuân, trưởng thôn Nà Lồm, xã Đôn Phong cho biết, lễ cấp sắc được tiến hành tuần tự theo 10 nghi lễ nhỏ, bao gồm lễ ban mũ, lễ trình diện, lễ lên đèn, lễ đặt tên, lễ qua cầu, lễ trình diện Ngọc Hoàng, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình, lễ trả ơn Bàn Vương.
Theo ông Xuân, trong đó nghi lễ quan trọng nhất là lễ lên đèn, người được cấp sắc ngồi trên chiếc ghế nhỏ đặt trước bàn thờ tổ tiên và hai đàn cúng. Hai tay giữ cây đèn được làm bằng thân cây tre hoặc nứa gắn trên các giá đỡ, thầy cả và thầy hai bắt đầu làm phép rồi đặt một đèn lên đỉnh đầu, đèn hai, đèn ba đặt lên vai.
"Trẻ em được cấp sắc còn được gọi là "con hương". Con hương sẽ được thầy đọc cho: mười độ, mười điều kiêng cấm, mười lời nguyện, mười lời thề, có ý nghĩa giáo dục, hướng người đó làm điều hay lẽ phải, ngay thẳng, dũng cảm, không mê sắc, không vụ lợi, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Sau lễ lên đèn là lễ đặt tên. Nghi lễ này được xem như lễ khai sinh để con hương nhận lấy tên do thần thánh ban định, nó là điều kiện để người đó được nói chuyện với thần thánh, được đứng vào hàng ngũ những người quan trọng trong họ tộc, có trách nhiệm trong việc thờ cúng tổ tiên", ông Xuân cho biết thêm.
Lễ Cấp sắc mang tính nhân văn sâu sắc, không chỉ thể hiện sự quan tâm của cả gia đình, thôn bản với đối tượng là trẻ em trong gia đình mà còn thông qua những điều răn, lời thề được linh thiêng hóa, hướng con cháu mình tới những giá trị đạo đức mà con người phải gìn giữ, phấn đấu.
Người Dao Tiền xã Đôn Phong khẳng định, đó là sự kính trọng tổ tiên, thần thánh, biết ơn ông bà, cha mẹ, sống chân thành, dũng cảm, biết trọng nghĩa, biết chấp hành luật lệ của thôn làng, luật pháp của Nhà nước.
Sang đêm thứ hai, nhịp trống, nhịp chiêng cùng lời khấn bái cũng chừng rộn ràng hơn. Nửa đêm về sáng, những bài lượn đối đáp cảm ơn và chúc mừng cho người được cấp sắc bắt đầu lan vọng ngoài sân, được các đồng nam, đồng nữ cất lên mềm mượt.
Theo cụ Lý Tiến An, thôn Vằng Bó, xã Đôn Phong cho biết, tuy từng họ mà có hát lượn trong nhà hay ngoài sân. Có họ không cần phải thông thiên nhưng với họ Triệu hôm nay, phải tháo một tấm pro-ximăng để thông thiên trong suốt quá trình hát lượn đối đáp của các đồng nam, đồng nữ bất kể trời mưa gió.
"Người họ Triệu trước lễ cấp sắc 7 ngày phải kiêng việc vợ chồng, kiêng gần chó. Về thầy thực hành lễ có 15 thầy luân phiên hỗ trợ nhau trong suốt quá trình thực hành lễ Cấp sắc, trong đó có 3 thầy lễ chính", Cụ An cho biết thêm
Trong suốt 3 ngày, các thầy lễ không ngừng tiến hành các nghi lễ nhỏ, Triệu Tuấn Ninh (người được cấp sắc) sau hai đêm cũng đã chừng mệt mỏi, những nghi lễ cuối cùng cũng đã dần đến hồi kết, niềm hân hoan trên gương mặt gia chủ cũng tỏa rạng hơn.
Lợn 3 con đã mổ, lễ ba ngày đã xong, tiếng cười nói cũng đang dần xuôi theo dốc núi, con trai anh Nam được các thầy lễ làm "phép" ban tên, binh mã.
Sau khi hoàn tất các thủ tục của lễ Cấp sắc, gia đình anh Nam có niềm tin rằng, con trai nhỏ của mình đã được thần linh, ông bà tổ tiên công nhận, bảo vệ. Từ nay sẽ có một cuộc sống tốt đẹp, bình an, có ích cho gia đình, xã hội hơn.
Trên đỉnh non lúc này chỉ còn lại những tiếng xe máy đanh gằn phả khói rồi trôi tuột vào sương. Người Dao Tiền ở Nà Lồm tiễn những vị khách cuối cùng xuống núi kèm lời nhắn, khi nào bản có người được cấp sắc lại lên chung vui cùng nhé…
Đầu tháng 6/2022, Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là tập quán xã hội tốt đẹp của người Dao Tiền, xác nhận sự trưởng thành của một người đàn ông trong gia đình. Lễ cấp sắc của người Dao Tiền xã Đôn Phong mang tải nhiều giá trị văn hóa, có tính nhân văn sâu sắc và rất cần được bảo tồn, phát huy.
(Ông Phạm Văn Hòa, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn)