Thái Nguyên: Ông thầy cúng bảo tồn nghi lễ dân tộc Dao, mở lớp dạy chữ Nôm-Dao

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 19/12/2021 06:27 AM (GMT+7)
Ông Triệu Văn Thuận là thầy cúng có tiếng ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, ông còn được biết tới là người mở các lớp dạy chữ Nôm Dao (chữ Nôm của dân tộc Dao) với mong muốn bảo tồn và gìn giữ chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình.
Bình luận 0

Clip: Ông Triệu Văn Thuận (xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), người gìn giữ, bảo tồn chữ Nôm-Dao và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Dao.

Xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 70% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Ngoài những nghi lễ tín ngưỡng được lưu truyền từ xa xưa, bà con dân tộc Dao nơi đây vẫn còn giữ gìn một số nét văn hóa đặc sắc như hát đối, hát ví, hát giao duyên…

Kỳ công học chữ Nôm-Dao

Tuy nhiên hiện nay, một số những phong tục tập quán và chữ Nôm-Dao đang có nguy cơ mai một theo thời gian.

Đứng trước nguy cơ đó, ông Triệu Văn Thuận (47 tuổi, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) - thành viên Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi đã quyết tâm gìn giữ và bảo tồn chữ Nôm-Dao, cũng như những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Ông Thuận cho biết, năm 1990, ông theo học và tìm hiểu ngôn ngữ, chữ viết của người Dao. Đến năm 1999, ông tiếp tục theo học lớp bảo tồn các nghi lễ.

Chữ Nôm Dao là loại chữ viết của người Dao, dựa trên cơ sở chữ Hán và được "Dao hóa". Ban đầu khi mới tiếp cận, ông gặp rất nhiều khó khăn để làm quen với chữ Nôm-Dao. Để học thuộc hết 214 bộ thủ, phải mất ít nhất 3 tháng.

Thái Nguyên: Người giữ hồn thổi lửa cho đồng bào dân tộc Dao tại Hợp Tiến  - Ảnh 2.

Một giờ lên lớp dạy chữ Nôm-Dao của ông Triệu Văn Thuận. (Ảnh: Hà Thanh)

Để bảo tồn và gìn giữ chữ viết, tiếng nói của dân tộc, ông Thuận đã mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho các học viên. Thời gian học thường bắt đầu từ mùng 2/2 âm lịch cho đến 9/9 âm lịch.

Theo quan niệm trước kia của người Dao, phụ nữ không được vào lớp học vì liên quan đến việc thờ Khổng Tử tại lớp học. Đến nay, quan niệm đó đã thay đổi, dù trai hay gái, nếu ai có nhu cầu học thì đều có thể theo học.

Những người theo học phải làm lễ bái sư trước khi vào lớp, và làm lễ tạ thầy khi kết thúc khóa học.

Ông Thuận cho biết, từ năm 2018 đến nay, tại xã Hợp Tiến đã có hơn 70 học viên theo học các lớp dạy chữ Nôm Dao của ông.

Ngoài dạy chữ Nôm Dao, ông Thuận còn làm thầy cúng thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng của người Dao như: Lễ cấp sắc, lễ tơ hồng, lễ cầu mùa, lễ xua đuổi tà ma…

Bảo tồn các nghi lễ truyền thống của dân tộc Dao

Theo ông Thuận, muốn bảo tồn được ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào dân tộc Dao, trước tiên phải bảo tồn được thầy cúng và thầy nghi lễ. Chẳng hạn như trong lễ cấp sắc, có sử dụng thánh ca và sư ca, đều liên quan mật thiết đến ngôn ngữ và chữ viết.

Sư ca được dùng trong lễ cấp sắc và được đọc trong tiết mục khai đàn, thượng quang, quàng đèn, cấp đèn (tức là quàng 3 ngọn đèn và cấp 7 ngọn đèn).

Còn thánh ca gồm 24 đoạn ca từ và 7 đoạn ca khúc hoặc 36 ca từ và 7 đoạn ca khúc, được dùng để đọc trong nghi lễ cấp sắc cúng Bàn Vương.

Ngoài ra, khi thực hiện các nghi lễ, thầy cúng còn phải viết được hai loại sớ gồm sớ cầu chiêu binh mãi mã và sớ cầu ngũ cốc, lương thực, mưa thuận gió hòa cho người được cấp sắc.

Do đó, thầy cúng bắt buộc phải đọc và viết được chữ Nôm-Dao.

Thái Nguyên: Người giữ hồn thổi lửa cho đồng bào dân tộc Dao tại Hợp Tiến  - Ảnh 4.

Lễ tơ hồng của đồng bào dân tộc Dao ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Ông Thuận cho biết, việc tổ chức các lớp dạy chữ Nôm-Dao của ông rất được chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện.

Cùng với đó, việc dạy chữ Nôm Dao cũng được người dân ở tất cả các lứa tuổi hưởng ứng theo học. Hiện nay, ông Thuận đang có 2 lớp, gồm 1 lớp chuyên sâu để bảo tồn nghi lễ tín ngưỡng và 1 lớp đang học các bộ thủ, chữ cái.

Thái Nguyên: Người giữ hồn thổi lửa cho đồng bào dân tộc Dao tại Hợp Tiến  - Ảnh 5.

Một trang sách viết bằng chữ Nôm-Dao trong cuốn sách hỏi đáp về nghi lễ cấp sắc của người Dao. (Ảnh: Hà Thanh)

Tuy nhiên, do sự phát triển chung của xã hội nên dù nhiều người trẻ muốn theo học chữ Nôm-Dao nhưng không có thời gian theo học.

Ngoài ra, do điều kiện về trường lớp đều phải tự túc nên quy mô, điều kiện cơ sở vật chất lớp học chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học.

Trước những trở ngại và khó khăn, ông Thuận vẫn không ngừng nỗ lực để thực hiện được mong ước gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Dao cho các thế hệ con cháu mai sau.

Đây không chỉ là mong ước của riêng bản thân ông mà còn là mong ước của các thế hệ đi trước vùng đồng bào dân tộc Dao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem