Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay sau khi giảm mạnh 3% vào phiên trước.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,73% lên 106,53 USD/thùng vào lúc 7h34 (giờ Việt Nam) ngày 1/7. Giá dầu thô Brent giao tháng 9 cũng tăng 0,66% lên 109,94 USD/thùng.
Sau cú trượt giá tới gần 2% vào phiên giao dịch ngày 29/6, giá dầu tiếp tục đà lao dốc, trượt dài thêm khoảng 3% kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6.
Giá dầu ngày 30/6 lao dốc khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) xác nhận sẽ chỉ tăng sản lượng trong tháng 8 như đã thông báo trước đó là 648.000 thùng/ngày bất chấp nguồn cung trên thế giới đang ngày một eo hẹp. Quyết định này của OPEC+ khiến thị trường băn khoăn về sản lượng trong tương lai của tổ chức này nói riêng và của thế giới nói chung.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 30/6, giá dầu thô Brent giao tháng 9 đã giảm 3,42 USD, tương đương 3%, xuống còn 109,03 USD/thùng. Hợp đồng tháng 8, đã hết hạn vào ngày 30/6, giảm 1,45 USD, tương đương 1,25%, xuống còn 114,81 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 4,02 USD, tương đương 3,7%, xuống 105,76 USD/thùng.
Nhận định của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá dầu nhiều khả năng sẽ giằng co mạnh giữa nguồn cung thu hẹp và nhu cầu suy yếu tại Mỹ.
Cuộc họp của OPEC+ diễn ra ngày thứ 2 liên tiếp mà không có nhiều triển vọng cho thấy nhóm có khả năng để gia tăng thêm sản lượng. Theo như tình hình hiện tại, kế hoạch cắt giảm sản lượng sẽ kết thúc vào tháng 8, và vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào từ các thành viên về dự định của nhóm kể từ tháng 9.
Về lý thuyết, khi thỏa thuận hiện tại kết thúc, các thành viên sẽ được phép tự do sản xuất theo năng lực, và có thể gia tăng nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, thời gian dài cắt giảm đầu tư kể từ dịch Covid-19 khiến cho năng lực của nhiều thành viên bị hạn chế, thậm chí cả 2 thành viên là Saudi Arabia và UAE cũng được cho là đang gần cạn năng lực dự phòng.
Mới đây, theo nguồn tin của Reuters, Saudi Arabia có thể sẽ tăng giá bán hợp đồng dầu giao tháng 8 cho khách hàng châu Á thêm 2.4 USD/thùng so với tháng 7. Điều này thể hiện quan điểm tích cực của Saudi Arabia với thị trường, dù giá có tăng các khách hàng cũng sẽ mua để phục vụ nhu cầu đi lại. Đây là thông tin hỗ trợ chính cho giá trong sáng nay.
Mặt khác, giá gặp áp lực bởi số liệu của EIA cho thấy liên tục 3 tuần gần đây nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của Mỹ thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp tháng 7 năm ngoái Mỹ đón nhận đợt tái phát dịch Covid-19.
Trong nước, theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, hôm nay (ngày 1/7), liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu.
Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 28/6 cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng giảm nhẹ trong kỳ điều hành từ ngày 21/6. Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 bình quân trên thị trường Singapore là 148,57 USD/thùng và giá xăng RON 95 là hơn 155,79 USD/thùng. Cùng giảm khoảng 5 USD/thùng.
Tương tự, các mặt hàng dầu cũng có xu hướng giảm khoảng 9-11 USD/thùng.
Với diễn biến như trên, trao đổi với báo chí, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, trong kỳ điều hành ngày 1/7, nếu cơ quan điều hành không thay đổi mức chi, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) và các loại thuế, phí khác thì giá xăng có thể giảm từ 100-300 đồng/lít tuỳ loại.
Giá dầu trong kỳ điều hành ngày 1/7 cũng có thể được điều chỉnh giảm nhẹ.
Trước đó, giá xăng đã tăng lên gần 33.000 đồng/lít từ 15h hôm 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng). RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.
Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hoả là 28.780 đồng/lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng/kg, tăng 380 đồng.
Như vậy, đây là đợt tăng giá lần thứ 7 từ 21/4 đến nay. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.
Hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại phần lớn doanh nghiệp đầu mối chính đều đang âm. Chẳng hạn, PVOil đến 13/6 âm hơn 1.032 tỷ đồng; Petrolimex âm 49 tỷ đồng...
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Giá xăng dầu thành phẩm (nhất là dầu diesel, dầu hoả) vẫn tăng do nguồn cung bị hạn chế vì cấm vận dầu Nga của EU, trong khi cầu của các nước vẫn cao.
Bình quân 10 ngày (trước kỳ điều chỉnh ngày 21/6), giá dầu hoả tăng gần 4%, lên 169,25 USD/thùng; dầu diesel tăng thêm 3,6% so với kỳ ngày 13/6, lên 172,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá thành phẩm các mặt hàng xăng trên thị trường thế giới tăng nhẹ, 0,21-0,95%.
Do Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang ở mức khá thấp, tại kỳ điều hành hôm 21/6, liên Bộ tiếp tục không trích lập 300 đồng/lít vào Quỹ bình ổn với xăng, dầu diesel và dầu hoả. Riêng dầu mazut vẫn trích 300 đồng/kg vào Quỹ bình ổn.
Cùng đó, nhà điều hành tiếp tục chi sử dụng quỹ với dầu diesel, dầu hoả lần lượt ở mức 400 đồng và 300 đồng/lít.
Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 1/7 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 31.302 đồng/lít; giá xăng RON95 không cao hơn 32.873 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 30.019 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 28.785 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.735 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, có thể cân nhắc giảm thuế, phí, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… để giảm giá xăng dầu. Trước mắt có thể giảm thuế trong một khoảng thời gian cố định như 1 tháng, 3 tháng.
Trong tình hình thế giới bất định hiện nay, nguy cơ giá xăng dầu neo ở mức cao, tiếp tục tăng vẫn còn. Áp lực lạm phát của Việt Nam còn lớn. Chúng ta cần hạ nhiệt giá xăng dầu và tình toán việc cân đối ngân sách, tác động lạm phát để có mức giảm phù hợp.
Trước đó, trong văn bản góp ý với Bộ Tài Chính ngày 21/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá ưu điểm của việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7 do thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan này đặt câu hỏi vì sao Bộ Tài chính không chọn phương án giảm thuế nhập khẩu bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7.
Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá xăng dầu trong nước ngày hôm nay có thể hạ nhiệt sau một thời gian dài tăng liên tiếp. Mức giảm còn tùy thuộc vào việc điều hành quỹ, song cơ bản sẽ không lớn.
Giá dầu thô thế giới vừa qua có giảm nhưng gần đây lại bật tăng trở lại do những lo lắng về nguồn cung thắt chặt.
Cụ thể, các loại dầu đều tăng hơn 2% vào ngày 28/6 do lo ngại về nguồn cung thắt chặt vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Giá dầu tăng khi các nước G7 đồng ý tìm kiếm các lựa chọn để áp đặt giới hạn giá đối với dầu xuất khẩu của Nga.
Như vậy, nếu dự báo chính xác, giá xăng dầu trong nước sẽ bước vào lần giảm đầu tiên sau 7 lần tăng liên tiếp. Hiện giá mặt hàng này vẫn đang ở mức cao. Giá xăng dầu tăng cao thời gian qua đã gây áp lực lên lạm phát.
Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của CPI tháng 6 được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 2016-2022.
Theo cơ quan này, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6 tăng.
Giá xăng dầu tăng gây áp lực giá lên nhiều mặt hàng - VTV24