Giá xăng dầu hôm nay 27/6: Lo ngại suy thoái kinh tế sớm hơn dự báo, giá dầu giảm mạnh
Giá xăng dầu hôm nay 27/6: Lo ngại suy thoái kinh tế sớm hơn dự báo, giá dầu giảm mạnh
Nguyễn Phương
Thứ hai, ngày 27/06/2022 07:46 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 27/6: Giá dầu thô lao dốc hơn 1% vì lo ngại về khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ sớm hơn dự báo cộng với thông tin dự trữ dầu thô Mỹ tăng...
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 27/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 106,59 USD/thùng, giảm 1,03 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 112,06 USD/thùng, giảm 1,06 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 27/6 giảm mạnh chủ yếu do lo ngại tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, thậm chí rơi vào trạng thái suy thoái sớm hơn dự kiến sẽ làm giảm các nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô.
Ở diễn biến mới nhất, theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu IHS Markit, Chỉ số sản xuất (PMI), chỉ số đo lường “sức khoẻ” của nền kinh tế Mỹ trong tháng 6/2022 đã giảm xuống 52,4, mức thấp nhất trong 23 tháng trở lại đây.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ đã đề cập đến khả năng tăng lãi suất thêm 100 điểm phần trăm trong kỳ họp chính sách tới nhằm duy trì lạm phát ở mức đỉnh hiện tại.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô còn đến từ thông tin dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần trước đã tăng mạnh. Cụ thể, theo dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng tới 5,6 triệu thùng và dự trữ xăng tăng 1,2 triệu thùng vào tuần trước.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do thông tin Libya đã tăng sản lượng khai thác được lên 700.000 thùng/ngày và châu Âu có vẻ như đang “bất lực” trong việc cấm vận dầu thô Nga.
Trong nước, giá xăng đã tăng lên gần 33.000 đồng/lít từ 15h hôm 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng). RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.
Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hoả là 28.780 đồng/lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng/kg, tăng 380 đồng.
Như vậy, đây là đợt tăng giá lần thứ 7 từ 21/4 đến nay. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.
Hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại phần lớn doanh nghiệp đầu mối chính đều đang âm. Chẳng hạn, PVOil đến 13/6 âm hơn 1.032 tỷ đồng; Petrolimex âm 49 tỷ đồng...
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Giá xăng dầu thành phẩm (nhất là dầu diesel, dầu hoả) vẫn tăng do nguồn cung bị hạn chế vì cấm vận dầu Nga của EU, trong khi cầu của các nước vẫn cao.
Bình quân 10 ngày (trước kỳ điều chỉnh ngày 21/6), giá dầu hoả tăng gần 4%, lên 169,25 USD/thùng; dầu diesel tăng thêm 3,6% so với kỳ ngày 13/6, lên 172,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá thành phẩm các mặt hàng xăng trên thị trường thế giới tăng nhẹ, 0,21-0,95%.
Do Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang ở mức khá thấp, tại kỳ điều hành hôm 21/6, liên Bộ tiếp tục không trích lập 300 đồng/lít vào Quỹ bình ổn với xăng, dầu diesel và dầu hoả. Riêng dầu mazut vẫn trích 300 đồng/kg vào Quỹ bình ổn.
Cùng đó, nhà điều hành tiếp tục chi sử dụng quỹ với dầu diesel, dầu hoả lần lượt ở mức 400 đồng và 300 đồng/lít.
Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 27/6 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 31.302 đồng/lít; giá xăng RON95 không cao hơn 32.873 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 30.019 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 28.785 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.735 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, có thể cân nhắc giảm thuế, phí, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… để giảm giá xăng dầu. Trước mắt có thể giảm thuế trong một khoảng thời gian cố định như 1 tháng, 3 tháng.
Trong tình hình thế giới bất định hiện nay, nguy cơ giá xăng dầu neo ở mức cao, tiếp tục tăng vẫn còn. Áp lực lạm phát của Việt Nam còn lớn. Chúng ta cần hạ nhiệt giá xăng dầu và tình toán việc cân đối ngân sách, tác động lạm phát để có mức giảm phù hợp.
Trước đó, trong văn bản góp ý với Bộ Tài Chính ngày 21/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá ưu điểm của việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7 do thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan này đặt câu hỏi vì sao Bộ Tài chính không chọn phương án giảm thuế nhập khẩu bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7.
Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam mới đây, nói về việc giảm thuế với xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi nếu giá tiếp tục tăng sẽ báo cáo Chính phủ báo cáo trình Quốc hội ban hành nghị quyết giảm thuế phù hợp. Trước mắt là tiếp tục xin ý kiến giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Bộ Tài chính nêu dẫn chứng, hầu hết nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, ví dụ Pháp (0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng); Hà Lan (0,81314 EUR/lít); Italy (0,7284 EUR/lít); Anh (0,5795 Bảng/lít); Hàn Quốc (311 Won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%); Trung Quốc (1,52 Nhân dân tệ/lít); Campuchia (thuế suất 25%); Singapore (0,41 Đô la Singapore/lít); Lào (thuế suất 39%)…
Nếu so sánh, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu thống kê, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 là khoảng 6.503 tỷ đồng.
Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm bình quân khoảng 110 USD/thùng thì số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng 7 tháng cuối năm ước khoảng 9.614 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cả năm dự kiến khoảng 16.117 tỷ đồng.
Bộ này cũng có ý kiến về việc không giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Theo quy định, thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với xăng là 10%, xăng E5 RON 92 là 8% và xăng E10 là 7%.
Theo Bộ Tài chính, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cho biết thêm, tại Việt Nam, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.
Vì vậy, trước mắt, Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện điều chỉnh giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
Giá xăng dầu tăng gây áp lực giá lên nhiều mặt hàng - VTV24
Vui lòng nhập nội dung bình luận.