Giá xăng dầu hôm nay 28/6: Dầu thô quay đầu tăng mạnh, dự báo mới "rất nóng"

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 28/06/2022 09:23 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 28/6: Giá dầu thô tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng nay nhờ triển vọng nguồn cung ngày càng thắt chặt...
Bình luận 0

Lo ngại nguồn cung bị thắt chặt hơn nữa và đồng USD mất giá đã hỗ hỗ trợ giá dầu hôm nay quay đầu tăng mạnh.

Giá xăng dầu hôm nay 28/6: Dầu thô quay đầu tăng mạnh, hơn 4 USD/thùng 

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 28/6, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 110,64 USD/thùng, tăng 1,10 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 27/6, giá dầu WTI giao tháng 8/2022 đã tăng tới 4,1 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 116,32 USD/thùng, tăng 1,23 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 4,26 USD so với cùng thời điểm ngày 27/6.

Giá xăng dầu hôm nay 28/6: Dầu thô quay đầu tăng mạnh, dự báo mới "rất nóng" - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 28/6: Dầu thô quay đầu tăng mạnh, hơn 4 USD/thùng. Ảnh: MXV

Giá xăng dầu hôm nay 28/6: Dầu thô quay đầu tăng mạnh, dự báo mới "rất nóng" - Ảnh 2.

Giá xăng dầu hôm nay 28/6: Dầu thô quay đầu tăng mạnh, hơn 4 USD/thùng

Giá xăng dầu hôm nay 28/6: Dầu thô quay đầu tăng mạnh, dự báo mới "rất nóng" - Ảnh 3.

Giá xăng dầu hôm nay 28/6: Dầu thô quay đầu tăng mạnh, hơn 4 USD/thùng

Giá dầu ngày 28/6 tăng vọt khi thị trường lại “nóng” lên chuyện nguồn cung bị thắt chặt hơn nữa trong bối cảnh các nước G7 đang xem xét việc áp trần giá năng lượng của Nga như một biện pháp hạ nhiệt giá năng lượng.

Theo các nhà phân tích, quyết định trên của G7 nếu được áp dụng sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô và các sản phẩm tinh chế toàn cầu.

Động thái này của G7 nếu được áp dụng sẽ buộc nhiều nước phải tìm kiếm các nguồn cung dầu thô mới. Tuy nhiên, trong khi các nước OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng thì việc bổ sung thêm nguồn cung dầu từ Iran, Venezuela cần phải có các cuộc đàm phán bởi cả 2 quốc gia này đều đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Libya ngày 27/6 đã thông báo về việc nước này sẽ phải tạm dừng xuất khẩu ở khu vực Sirte trong bối cảnh sản lượng tại khu vực này bị hạn chế bởi tình trạng bất ổn.

Ở chiều hướng khác, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu, trong đó có dầu thô, được kỳ vọng sẽ tăng mạnh khi mùa hè khắc nghiệt và mùa du lịch đã bắt đầu tại nhiều quốc gia.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do đồng USD suy yếu khi giới đầu tư đánh giá lại các triển vọng về chính sách tiền tệ của Fed.

Mặc dù giá dầu thế giới tăng mạnh trở lại song theo dự báo mới nhất của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá dầu khả năng cao sẽ duy trì đà giảm khi thị trường chờ đợi một loạt số liệu kinh tế quan trọng.

Theo quan sát của tờ Wall Street Journal mà Sở này dẫn nguồn, tại vùng giá 5 USD/gallon, đã có các dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang giảm chi tiêu cho nhiên liệu. Trong cả tuần đầu tiên của tháng 6, doanh số bán xăng tại Mỹ đã giảm khoảng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái - tuần thứ 14 liên tiếp doanh số bán hàng đã thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu tương đối xấu, cho thấy người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm về giá cả, trong khi lạm phát chung vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ số giá tiêu dùng PCE (chỉ số giá cả của chi phí tiêu dùng cá nhân) tại Mỹ trong tháng 5 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng 4,8%, và tăng thêm rủi ro cho nền kinh tế.

Theo khảo sát của Đại học Michigan (Mỹ), kỳ vọng tiêu dùng trong tháng 6 ở mức 47,5 điểm, thấp hơn mốc 50, dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang có phần bi quan hơn về chi tiêu trong thời gian tới. Đây là dấu hiệu tiêu cực cho thị trường dầu, khi một trong những khoản cắt giảm chi tiêu đầu tiên là khoản chi cho giao thông. Sự sụt giảm trong tiêu thụ sẽ không quá mạnh ngay lập tức, mà sẽ diễn ra dần dần, thông qua việc giảm số chuyến đi, tăng tần suất sử dụng phương tiện công cộng hay đi chung. Do đó, việc xác định xu hướng của nền kinh tế nói chung và xu hướng tiêu thụ xăng dầu là rất quan trọng. Một loạt các dữ liệu quan trọng trong tuần này mà các nhà đầu tư chú ý, như số GDP quý II,  PCE tháng 5, cùng với báo cáo tuần mà EIA đã bỏ lỡ tuần trước, cũng như các thông tin xoay quanh cuộc họp về thị trường giữa Chính phủ Mỹ và các công ty năng lượng lớn...

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Trong nước, giá xăng đã tăng lên gần 33.000 đồng/lít từ 15h hôm 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít.

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng). RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.

Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hoả là 28.780 đồng/lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng/kg, tăng 380 đồng.

Như vậy, đây là đợt tăng giá lần thứ 7 từ 21/4 đến nay. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.

Hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại phần lớn doanh nghiệp đầu mối chính đều đang âm. Chẳng hạn, PVOil đến 13/6 âm hơn 1.032 tỷ đồng; Petrolimex âm 49 tỷ đồng...

Giá xăng dầu hôm nay 28/6: Dầu thô quay đầu tăng mạnh, dự báo mới "rất nóng" - Ảnh 4.

Trong nước, giá xăng đã tăng lên gần 33.000 đồng/lít từ 15h hôm 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít. Ảnh: CTV

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Giá xăng dầu thành phẩm (nhất là dầu diesel, dầu hoả) vẫn tăng do nguồn cung bị hạn chế vì cấm vận dầu Nga của EU, trong khi cầu của các nước vẫn cao.

Bình quân 10 ngày (trước kỳ điều chỉnh ngày 21/6), giá dầu hoả tăng gần 4%, lên 169,25 USD/thùng; dầu diesel tăng thêm 3,6% so với kỳ ngày 13/6, lên 172,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá thành phẩm các mặt hàng xăng trên thị trường thế giới tăng nhẹ, 0,21-0,95%.

Do Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang ở mức khá thấp, tại kỳ điều hành hôm 21/6, liên Bộ tiếp tục không trích lập 300 đồng/lít vào Quỹ bình ổn với xăng, dầu diesel và dầu hoả. Riêng dầu mazut vẫn trích 300 đồng/kg vào Quỹ bình ổn.

Cùng đó, nhà điều hành tiếp tục chi sử dụng quỹ với dầu diesel, dầu hoả lần lượt ở mức 400 đồng và 300 đồng/lít. 

Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 28/6 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 31.302 đồng/lít; giá xăng RON95 không cao hơn 32.873 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 30.019 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 28.785 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.735 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, có thể cân nhắc giảm thuế, phí, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… để giảm giá xăng dầu. Trước mắt có thể giảm thuế trong một khoảng thời gian cố định như 1 tháng, 3 tháng.

Trong tình hình thế giới bất định hiện nay, nguy cơ giá xăng dầu neo ở mức cao, tiếp tục tăng vẫn còn. Áp lực lạm phát của Việt Nam còn lớn. Chúng ta cần hạ nhiệt giá xăng dầu và tình toán việc cân đối ngân sách, tác động lạm phát để có mức giảm phù hợp.

Trước đó, trong văn bản góp ý với Bộ Tài Chính ngày 21/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá ưu điểm của việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7 do thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan này đặt câu hỏi vì sao Bộ Tài chính không chọn phương án giảm thuế nhập khẩu bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7.

Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam mới đây, nói về việc giảm thuế với xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi nếu giá tiếp tục tăng sẽ báo cáo Chính phủ báo cáo trình Quốc hội ban hành nghị quyết giảm thuế phù hợp. Trước mắt là tiếp tục xin ý kiến giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Bộ này cũng có ý kiến về việc không giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Theo quy định, thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với xăng là 10%, xăng E5 RON 92 là 8% và xăng E10 là 7%.

Theo Bộ Tài chính, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính cho biết thêm, tại Việt Nam, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.

Vì vậy, trước mắt, Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện điều chỉnh giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã thông báo kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì tuần trước. Lãnh đạo Chính phủ nhận định, áp lực lạm phát có xu hướng tăng. Các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, vận tải... biến động mạnh, đặt ra nhiều thách thức trong điều hành giá từ nay tới cuối năm.

Riêng với xăng dầu, các đợt tăng giá từ đầu năm khiến giá bán lẻ trong nước liên tiếp lập đỉnh và đang gần sát 33.000 đồng một lít RON 95-III. Đây là mặt hàng tác động tới mặt bằng giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác.

Vì thế, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động điều hành, đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu, để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung quý III và cuối năm 2022.

Bộ này cũng cần có phương án điều hành giá trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Giá xăng dầu tăng gây áp lực giá lên nhiều mặt hàng - VTV24


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem