Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến số lượng tàu cá nằm bờ ngày càng nhiều và các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV Đoàn TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.
Nhiều nơi đang vào mùa đánh bắt nhưng vì sao bà con ngư dân ở các địa phương vẫn để tàu nằm bờ, chưa muốn ra khơi, thưa ông?
-Theo ghi nhận của Hội Nghề cá Việt Nam, hiện số lượng tàu cá nằm bờ ngày càng nhiều, nhiều bà con ngư dân chán nản không muốn ra khơi vì nhiều lý do.
Thứ nhất, do nguồn lợi đánh bắt cả gần bờ và xa bờ đều đã cạn kiệt. Khoảng năm 2000 vùng biển gần bờ từ 30m nước trở vào các cửa sông, ven biển, nguồn cá đã bị khai thác dẫn đến cạn kiệt, bà con ngư dân lại đổ xô ra đánh bắt xa bờ quá mức làm cho nguồn lợi ở đây cạn dần.
Đến năm 2015, trong bản đồ đánh cá ở biển Đông của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc) đã chuyển sang màu đỏ (màu sắc thể hiện sự cạn kiệt nguồn lợi đánh bắt) chiếm 2/3 biển Đông. Theo đó, niềm hy vọng đánh bắt xa bờ thu nhiều nguồn lợi hơn so với gần bờ của ngư dân cũng không đạt được.
Thêm nữa là các ngư dân còn bị mắc kẹt ở chính sách "tàu cá 67" (Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản), khi các tàu có công suất lớn tiêu tốn chi phí (xăng dầu) lớn gần như gấp đôi so với tàu gỗ.
Trong thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 các tàu phải nằm bờ gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến khi được ra khơi đánh bắt thì cũng khổ vì chi phí nhiên liệu tăng cao.
Trong khi đó, nguồn lợi đánh bắt không có, dự báo ngư trường cũng không trúng, ngư dân có đánh bắt được sản phẩm đưa vào bờ tiêu thụ cũng khó khăn, giá thấp... Chi phí đầu vào lớn hơn đầu ra, thành ra khó càng thêm khó, càng ra khơi càng thua lỗ nên bà con đánh phải để tàu nằm bờ.
Gác tàu lên bờ, nhiều người lại tiếp tục trở thành con nợ. Hiện, tình trạng ngư dân nợ nần nhiều, nhiều người còn vỡ nợ, không có khả năng trả.
Trước tình trạng tàu cá nằm bờ ngày càng nhiều, theo ông cần có giải pháp nào để tháo gỡ được vấn đề này?
-Vừa qua, nắm được thông tin, Bộ Công Thương đã bàn với Bộ NNPTNT làm văn bản trình Chính phủ hỗ trợ an sinh cho 91.716 tàu, trong đó có hơn 3.000 tàu cá từ 15m trở lên, nhiều ngư dân cũng cảm thấy được động viên nhưng theo tôi đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt.
Để giải quyết căn cơ vấn đề, theo tôi cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất là các ngân hàng cần hỗ trợ khoanh, giãn nợ và đưa ra chính sách đặc thù cho ngư dân, có thể cho bà con ngư dân vay vốn ưu đãi để mua nguyên liệu (dầu) đưa tàu cá vươn khơi bám biển.
Thứ 2, chúng ta phải tăng nuôi biển, việc đẩy mạnh nghề nuôi biển sẽ giúp giảm áp lực khai thác, chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và nguồn lợi hiện có, góp phần phát triển thủy sản bền vững.
Vừa qua, Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị phải tăng cường nuôi biển hơn nữa vừa để bà con ngư dân ra biển bảo vệ chủ quyền thay người đánh cá xa bờ, vừa là để giải phóng các tuyến nuôi ở cửa sông, ven biển có tiềm năng cho du lịch phát triển để giúp phục hồi nền kinh tế.
Nếu bà con vẫn triển khai nuôi thủy sản ở cửa sông, ven biển thì chúng tôi cũng đề nghị phải nuôi sạch, bảo đảm môi trường để phát triển du lịch.
Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp, ngư dân vươn ra ngoài khơi cách bờ từ 2 đến 6 hải lý và xa hơn tùy thuộc vào công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề này nói với nhau thì dễ nhưng khi triển khai rất khó khăn, nhất là việc đầu tư về công nghệ để nuôi biển rất tốn kém và vướng mắc về chính sách.
Vừa qua, Khánh Hòa được Quốc hội giao cho cơ chế đặc thù, trong đó khuyến khích nuôi biển nhưng trong quá trình triển khai cũng khó khăn, may ra đến cuối năm nay (2022) mới đưa ra được các công việc cụ thể để làm, chưa nói đến triển khai trên thực tiễn.
Trong nghề nuôi biển, nếu nuôi ở cửa sông, ven biển rất dễ, nhất là nuôi ở vùng nước lợ nhưng khi tiến hành nuôi thủy sản trên biển đòi hỏi toàn bộ bằng công nghệ cao mới nuôi được.
Vừa qua, chúng tôi cũng kêu gọi được một số đơn vị, có doanh nghiệp ở Khánh Hòa tiên phong đầu tư 50 tỷ đồng thành lập Trung tâm nuôi biển công nghệ cao nhưng lại vướng các chính sách, quy định pháp luật và các chế tài trong Nghị định 11 (Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển) nên chưa triển khai được.
Theo đó, tôi mong các bộ ngành liên quan như Bộ NNPTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ngồi lại với nhau để sửa và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và các chế tài cần thiết để kiểm soát và định hướng tốt hơn về phát triển bền vững đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác, sử dụng khu vực biển đó. Qua đó, tạo động lực cho các doanh nghiệp, ngư dân tăng cường phát triển nuôi biển hiệu quả.
Trước tình trạng giá xăng dầu tăng cao, Hội Nghề cá Việt Nam cũng khuyến khích các tập đoàn, hội nghề cá các tỉnh vận động ngư dân tổ chức lại sản xuất chuyên nghiệp, khoa học và hợp lý hơn.
Nếu như trước đây, bà con đưa thuyền đi khắp các ngư trường để tìm nguồn cá thì hiện tại các cơ quan cũng phải đưa ra các dự báo ngư trường sát, chuẩn hơn để bà con đến đánh bắt sớm và hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn.
Xin cảm ơn ông!
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cho biết thêm, để bà con yên tâm vươn khơi, bám biển cũng cần phải có sự đồng hành của lực lượng cảnh sát biển và các tập đoàn đánh cá lớn trong việc hỗ trợ bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân trước các rủi ro về thời tiết bất lợi, thiên tai...