Xăng dầu tăng giá, tàu cá nằm bờ: Nghệ An chi 13 tỷ đồng hỗ trợ chủ tàu cá vượt khó (Bài 4)

Cảnh Thắng Thứ sáu, ngày 01/07/2022 06:24 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu tăng phi mã, kéo nhiều dịch vụ khác cũng tăng theo, chi phí trung bình mỗi chuyến ra khơi đánh bắt cá tăng lên từ 40-60 triệu đồng so với năm 2021. Trước tình hình đó, tỉnh Nghệ An đã lập tức có chính sách hỗ trợ các chủ tàu cá.
Bình luận 0

Không dám bám biển

Giá xăng dầu liên tục tăng cao trong đó giá dầu tăng khoảng 60% so với thời điểm ngày 31/12/2021 kéo các dịch vụ khác tăng theo; chi phí trung bình mỗi chuyến biển (bao gồm dầu diesel, đá, lương thuyền viên, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ) tăng lên từ 40-60 triệu đồng so với năm 2021 khiến nhiều chủ tàu cá ở Nghệ An đành cho tàu cá nằm bờ.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thủy sản Nghệ An, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng cao khiến cho gần 1.500 tàu đánh cá trên địa bàn tỉnh phải nằm bờ.

Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, trú tại phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) chia sẻ với phóng viên Dân Việt: "2 tháng trở lại đây, giá dầu tăng mạnh khiến cho chủ tàu như chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Giá dầu tăng, kéo theo nhiều dịch vụ khác tăng theo khiến mỗi chuyến tàu đi không có lãi, giỏi lắm là hòa vốn chứ đừng nói đến chuyện lãi. Những ngày gần đây, tôi không ra khơi nữa, các bạn tàu tôi cho nghỉ, chờ khi nào giá xăng dầu giảm mới dám ra khơi".

Mỗi chuyến tàu tăng 40 -60 triệu đồng, ngư dân kêu cứu - Ảnh 2.

Nhiều tàu thuyền Nghệ An nằm bờ vì giá xăng dầu tăng chóng mặt. Ảnh: Cảnh Thắng

Ngư dân Nguyễn Kim Cương (xã Nghi Thiết) cho hay: "Giá xăng dầu tăng cao như vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá dầu cho bà con trong quá trình đánh bắt. Đối với tàu đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP cần có phương án gia hạn nợ cho ngư dân".

Giá xăng dầu tăng, cần trợ giá cho ngư dân

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay: "Từ trước đến nay, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản, tuy nhiên từ đầu năm 2022 đến nay giá nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân. Ngoài ra, còn một số vấn đề còn bất cập ở cảng cá, tỷ lệ tàu 67 hoạt động kém hiệu quả cao, gây áp lực cho chủ tàu".

Từ thực tế này, ông Hiếu yêu cầu, Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An phối hợp với chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền pháp luật đến bà con ngư dân thực hiện một cách nghiêm túc Luật Thủy sản 2017. 

Chủ trì làm việc với các ngân hàng thương mại làm việc với các chủ tàu để phân loại, có hướng giải quyết cụ thể đối với tàu 67. Xây dựng lộ trình để điều chỉnh đội tàu khai thác hợp lý trên biển và có chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản. 

Mỗi chuyến tàu tăng 40 -60 triệu đồng, ngư dân kêu cứu - Ảnh 4.

Tàu thuyền ra khơi nhưng chỉ đánh bắt được những loại cá nhỏ, không có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Cảnh Thắng

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở NNPTNT hỗ trợ ngư dân là chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên, có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản còn hạn theo quy định, với định mức hỗ trợ 20.000 đồng/CV, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng. 

"Số tiền hỗ trợ đó chúng tôi đang yêu cầu Sở NNPTNT tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính để tính toán nâng mức hỗ trợ cho ngư dân một cách hợp lý hơn; theo đó có thể hỗ trợ phí qua cảng, hỗ trợ 100% phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình" - ông Hiếu nói.

Theo Sở NMPTNT Nghệ An, toàn tỉnh có 3.422 tàu (có 1.170 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên), trong đó nghề lưới rê 1.621 tàu, nghề lưới chụp 589 tàu, nghề lưới vây, nghề lưới kéo 704 tàu, nghề khác 348 tàu...Nghề đánh bắt cá thu hút khoảng 17.014 lao động trực tiếp trên tàu.

Tổng sản lượng khai thác hải sản ước tính 6 tháng đầu năm 2022 của Nghệ An đạt gần 101.000 tấn, bằng 55% so với kế hoạch năm, bằng 105,36% so với cùng kỳ năm trước; tổng giá trị ước đạt 2.000 tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem