Giá xăng dầu giảm, các ngư dân ở Thanh Hóa vẫn "hờ hững", vì sao?

Hữu Dụng - Hoài Thu Thứ bảy, ngày 02/07/2022 12:22 PM (GMT+7)
Dù giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh chiều ngày 1/7 có giảm 100 - 400 đồng/lít nhưng theo chia sẻ của các ngư dân ở Thanh Hóa, những người cả tháng nay phải neo tàu nằm bờ thì chẳng bõ bèn gì.
Bình luận 0

Neo thuyền ở bờ chờ ngày giá xăng dầu giảm sâu

Ghi nhận của phóng viên báo Dân Việt những ngày qua, dọc cảng Lạch Hới (phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), hàng trăm con tàu lớn nhỏ nằm phơi mình bên bờ biển không biết bao giờ mới được vươn khơi.

Do giá xăng dầu tăng cao, thu nhập từ mỗi chuyến tàu ra khơi chỉ đủ chi phí tiền dầu, thậm chí phải bù lỗ khiến các chủ tàu ngán ngẩm, phải chịu cảnh để tàu nằm bờ, chờ giá dầu bình ổn trở lại mới có kế hoạch vươn khơi, bám biển.    

Các chủ tàu ở đây cho biết, mặc dù tàu nằm bờ, nhưng mọi chi phí về nhân công, lãi ngân hàng, bảo dưỡng tàu… vẫn phải chi trả thường xuyên, nên đây được xem là thời điểm hết sức khó khăn của ngư dân.

Thanh Hóa: Giá xăng dầu tăng kỷ lục, ngư dân ngậm ngùi để tàu nằm bờ - Ảnh 1.

Dọc cảng Lạch Hới (phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), hàng trăm con tàu nằm bờ do giá xăng dầu "phi mã". Ảnh: HT

Sống nhờ biển hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Hữu Hải (SN 1980, ngư dân phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn) là chủ tàu TH 93777 TS chưa bao giờ phải chịu cảnh tàu nằm bờ lâu như thời gian này. Đã hơn một tháng nay, ông Hải không ra khơi vì giá xăng, dầu tăng mạnh.

Những ngày này, ông Hải đang phải cho thợ sửa sang lại nhiều chi tiết máy móc đã bị hoen gỉ do tàu lâu ngày không hoạt động để chờ ngày ra khơi.

Ông Hải cho biết, tàu của ông có công suất 1.000CV. Trước đây khi giá xăng dầu bình ổn, mỗi chuyến vươn khơi chi phí tiền dầu rơi vào khoảng 100 – 120 triệu đồng, tuy nhiên đến nay, chi phí tiền dầu đã tăng lên hơn gấp rưỡi.

Trong khi đó, sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, do hải sản trên ngư trường ngày càng khan hiếm, giá nhân công và mọi chi phí tăng cao nên chủ tàu đành ngậm ngùi để khối tài sản hàng chục tỷ đồng nằm phơi mình bên bờ biển chờ ngày giá dầu "hạ nhiệt".

Thanh Hóa: Giá xăng dầu tăng kỷ lục, ngư dân ngậm ngùi để tàu nằm bờ - Ảnh 2.

Tàu nằm bờ chủ yếu là tàu công suất lớn. Ảnh: HT

"Tàu nhà tôi mỗi chuyến ra khơi phải cần khoảng 15 lao động. Chỉ tính tiền trả công cho lao động đã ngót 100 triệu, chưa tính đến các loại chi phí khác. Với giá dầu tăng cao như bây giờ chưa đi là đã biết lỗ. Hơn một tháng nay không đi biển, các bạn tàu cũng đi làm việc khác, sợ sau này giá dầu có giảm cũng khó tìm được lao động", ông Hải buồn rầu nói.

Giá xăng dầu tăng mạnh mà giảm không đáng thấm gì

Còn ông Nguyễn Văn Thảo (SN 1975, ngư dân phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn) trước đây có cả đội tàu gần 10 chiếc tàu lớn, công suất từ 400 – 1.000CV. Thời điểm này những năm trước, ông Thảo đã đi được hàng chục chuyến biển. Thế nhưng vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với giá xăng dầu hiện tại tăng cao khiến ông phải bán đi một nửa số tàu của mình.

Thanh Hóa: Giá xăng dầu tăng kỷ lục, ngư dân ngậm ngùi để tàu nằm bờ - Ảnh 3.

Một số chủ tàu kiểm tra, bảo dưỡng các chi tiết máy móc trong khi chờ giá xăng dầu hạ nhiệt. Ảnh: HT

Để giữ bạn nghề, cách đây 1 tuần ông Thảo vẫn phải để chuyến tàu TH 93678 TS ra khơi, số còn lại vẫn nằm bờ chưa biết đến khi nào mới được hoạt động trở lại.

"Trước chuyến đi tàu phải đổ 12.000 lít dầu, cộng với tiền nhân công, tiền đá, chi phí sinh hoạt chuyến này tôi phải bỏ ra cả 500 triệu đồng mà chưa biết thu lại được bao nhiêu.

"Mặc dù xăng, dầu giảm nhưng giảm vài trăm đồng thì không có thấm thía gì so với những lần giá dầu tăng cao kỷ lục như vậy", ông Thảo ngậm ngùi.

Thanh Hóa: Giá xăng dầu tăng kỷ lục, ngư dân ngậm ngùi để tàu nằm bờ - Ảnh 4.

Thợ đóng tàu sửa chữa lại bộ tời đã bị hoen gỉ sau thời gian dài tàu không ra khơi. Ảnh: HT

Cần trợ lực mạnh mẽ để bám biển

Cũng theo ông Thảo, con tàu ra khơi lần này của ông được đóng mới năm 2015 theo Nghị định 67 của Chính phủ. Mỗi chuyến vươn khơi, tàu được hỗ trợ một phần nhưng theo ông với giá dầu tăng cao như hiện tại, mức hỗ trợ ấy cũng không đáng là bao.

Thời điểm đóng tàu 67, ông được nhà nước hỗ trợ cho vay 10 tỷ đồng, đến hiện tại chỉ tính riêng vốn vay đóng con tàu này ông Thảo vẫn còn nợ tận hơn 5 tỷ đồng.

"Với tình hình thế này có muốn bán tàu cũng không ai mua. Ngư dân chúng tôi vươn khơi không chỉ để đánh bắt hải sản mà còn có nhiệm vụ bám biển, bảo vệ ngư trường. Chúng tôi làm giàu từ biển, bây giờ cũng có thể mất hết cũng vì biển. Rất mong Nhà nước có chính sách nào đấy giúp bình ổn giá xăng dầu để ngư dân chúng tôi ổn định sản xuất", ông Thảo bày tỏ.

Thanh Hóa: Giá xăng dầu tăng kỷ lục, ngư dân ngậm ngùi để tàu nằm bờ - Ảnh 5.

Không dám ra khơi vì sợ lỗ, ngư dân tranh thủ sửa chữa ngư lưới cụ. Ảnh: HT

Thực trạng này không chỉ xuất hiện ở Sầm Sơn mà dọc các cảng cá lớn của Thanh Hóa như Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn), Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) cũng rơi vào cảnh tượng tương tự.

Ông Triệu Văn Quân (SN 1970, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vốn đã quen với cuộc sống vươn khơi bám biển. Thế nhưng, hơn một tháng qua, gia đình ông cũng đành ngậm ngùi nhìn tàu nằm bờ vì cơn khủng hoảng giá xăng, dầu.

Thanh Hóa: Giá xăng dầu tăng kỷ lục, ngư dân ngậm ngùi để tàu nằm bờ - Ảnh 6.

Tình trạng tàu nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao tại cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: HT

Theo ông Quân, những năm trước đây khi giá xăng dầu ổn định, những chuyến đi biển của gia đình ông và các thuyền viên thường kéo dài từ 10 - 15 ngày. Thu nhập mỗi chuyến đi biển xa như thế dao động từ 70 - 100 triệu đồng.

"Với giá xăng, dầu có giảm nhưng chẳng đáng kể gì so với chiều hướng tăng như hiện nay thì càng ra khơi càng lỗ. Giờ chúng tôi đành tạm nghỉ, đợi giá xăng, dầu giảm xuống và sản phẩm được giá rồi mới tính đi tiếp", ông Quân nói.

Ông Lê Văn Thăng - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hoà Lộc (huyện Hậu Lộc), Phụ trách Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới (TP. Sầm Sơn) cho biết, tình trạng tàu cá của địa phương nằm bờ diễn ra đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiện nay, có khoảng 30% số tàu (công suất từ 250CV trở lên) của các địa phương ra khơi. Số còn lại, các tàu cá neo đậu lâu dài ở các âu tránh trú, chờ xăng dầu giảm giá. Đặc biệt các tàu lớn (tàu đóng theo Nghị định 67) với công suất trên 800CV phần lớn là nằm bờ vì chi phí dầu quá cao, các chủ tàu không thể bù lỗ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem