Theo đó, Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã tiếp 5 công dân, là các ông, bà: Trương Công Thành, Vũ Thị Sen, Phạm Thị Mai Thanh (Thái Bình); Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Trường (Hải Phòng) đại diện cho 500 hộ dân.
Tại buổi làm việc, các hộ dân đã nêu ra 3 đề nghị với UBND TP Hải Phòng, đó là: Tiếp tục thực hiện các nội dung tại văn bản 1651 ngày 28/6/2022 của Ban Tiếp dân Trung ương; Đề nghị tạm dừng cưỡng chế và thả phao để đối thoại, giải quyết dứt điểm vụ việc; Đề nghị lãnh đạo TP Hải Phòng tổ chức đối thoại để giải quyết dứt điểm vụ việc với sự tham dự của đại diện một số cơ quan Trung ương.
Trước các đề nghị trên của công dân, Ban Tiếp công dân Trung ương đã chuyển đơn của công dân đến Chủ tịch UBND TP Hải Phòng để chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cho công dân, đồng thời thông báo kết quả xử lý vụ việc về Ban Tiếp công dân Trung ương.
Việc có tới 500 hộ dân làm nghề nuôi ngao ở Hải Phòng cùng có đơn khiếu nại, kiến nghị xuất phát từ việc UBND TP Hải Phòng có chủ trương cấp phép cho 9 doanh nghiệp khai thác cát tại cửa sông Văn Úc thuộc địa phận quận Hải An và huyện Kiến Thụy.
Đây vốn là khu vực nuôi ngao lâu dài của người dân đã được hình thành cách đây gần 30 năm, góp phần đem lại thu nhập, sinh kế cho hàng nghìn hộ dân với trên 10.000 lao động.
Theo đó, năm 2018, UBND huyện Kiến Thụy đã có quyết định số 635 về phê duyệt quy hoạch vùng nuôi ngao ven biển Kiến Thụy. Theo quyết định này, diện tích nuôi ngao ven biển Kiến Thụy sẽ giảm từ hơn 3.000ha hiện hữu xuống còn 750ha và phải di dời vào vị trí không thuận lợi cho nghề nuôi ngao.
Trong khi đó, thành phố Hải Phòng đã thừa nhận cấp phép cho 9 doanh nghiệp được phép khai thác các mỏ cát tại khu vực này. Không đồng tình với chủ trương đó, các hộ dân đã nhiều lần bày tỏ mong muốn được tiếp tục làm nghề nuôi ngao và có đơn khiếu nại gửi lên Thanh tra Chính phủ. Sau đó, Thanh tra Chính phủ (Ban Tiếp công dân) đã tiếp nhận và chuyển đơn của các hộ nuôi ngao đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng xem xét, giải quyết.
Ngày 20/6, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã chủ trì buổi đối thoại với các hộ nuôi ngao. Thành phần dự họp sẽ có Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, cùng một số lãnh đạo trong Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, gồm có: Ban Nội chính, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo; các Sở có: NNPTNT, Tài nguyên- Môi trường, Tư pháp, Thanh tra, Công an, Bộ đội biên phòng Hải Phòng, Chủ tịch UBND quận Hải An, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy.
Về phía các hộ dân, theo giấy mời họp này sẽ có 10 hộ nuôi ngao được mời dự buổi làm việc do Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chủ trì. Đây là lần đầu tiên những người nuôi ngao được trực tiếp gặp gỡ và đối thoại với Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng về các vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, buổi đối thoại đã không thu được kết quả gì, người dân cũng không đồng ý với việc cưỡng chế, thả phao của TP Hải Phòng nên 500 hộ dân tiếp tục có đơn thư khiếu nại gửi Thanh tra Chính phủ.
Nghề nuôi ngao ven biển Kiến Thụy (đoạn cửa sông Văn Úc) được hình thành từ năm 1990 dựa vào lợi thế là các bãi triều ven biển, cùng với công sức cải tạo của người dân đã giúp hàng nghìn hộ dân ở đây đảm bảo sinh kế ổn định, lâu dài. Việc nuôi ngao ven biển cũng được chính quyền các địa phương ký hợp đồng cho thuê, giao đất mặt nước cho các hộ dân một cách hợp pháp.
Tuy nhiên, hiện thành phố Hải Phòng coi đây là khu vực nuôi ngao tự phát và cưỡng chế, thả phao để phục vụ việc khai thác cát tại khu vực này.