Hải Phòng: Nuôi ngao cho thu nhập 1.000 tỉ đồng/năm, TP vẫn muốn dẹp
Hải Phòng: Nghề nuôi ngao mang lại thu nhập 1.000 tỉ đồng/năm, nhưng thành phố vẫn muốn... dẹp để khai thác cát (Bài 10)
Minh Ngọc
Thứ ba, ngày 10/05/2022 13:04 PM (GMT+7)
Từ năm 2003, bãi nuôi thả ngao đã được hình thành tại bãi triều cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Đến nay, nghề nuôi ngao đã giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, giá trị kinh tế mỗi năm đạt 600 - 1.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động.
Thế nhưng, để phục vụ cho 9 doanh nghiệp khai thác cát, thành phố Hải Phòng đang quyết "dẹp" bỏ các khu nuôi ngao mà TP cho là tự phát để khai thác cát.
Con ngao trắng mang lại giá trị kinh tế 600 - 1.000 tỷ đồng/năm
Ngày 9/5, tại xã Đại Hợp (huyện Kiến Thuỵ), Hội nuôi ngao Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn 2016 - 2021 và triển khai phương hướng hoạt động giai đoạn 2021 - 2026.
Ông Vũ Trí Tuân - Chủ tịch Hội nuôi ngao Hải Phòng cho biết, trước năm 2003, bà con ngư dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt tự nhiên nên hiệu quả không cao. Trong khi đó, tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt, khai thác ngày một khó khăn và không bền vững.
Cùng lúc đó, Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách hỗ trợ bà con chuyển đổi từ việc chỉ khai thác tự nhiên sang kết hợp nuôi trồng thủy, hải sản. Năm 2003, bãi nuôi thả ngao đã được hình thành tại bãi triều của cửa sông Văn Úc.
Trong suốt những năm đầu, do chưa nắm bắt được khoa học kỹ thuật nên bà con gặp phải không ít khó khăn. Đặc biệt, là vấn đề con giống trong nuôi thả ngao.
Nhưng đúng vào thời điểm khó khăn nhất, thì bà con được cán bộ khuyến ngư giúp đỡ kỹ thuật và công nghệ làm giống ngao. Từ đó, kỹ thuật nuôi ngao của bà con đã được nâng lên và chính thức có những bước phát triển mạnh mẽ.
Cụ thể, giai đoạn 2003 - 2009 diện tích nuôi ngao chỉ vào khoảng trăm ha, nhưng đến nay đã phát triển và mở rộng diện tích lên trên 6.000ha, trải dài từ bãi biển Đồ Sơn đến tận vùng sông Hóa tiếp giáp với tỉnh Thái Bình.
Cũng theo ông Tuân, giai đoạn 2009 - 2018, để muốn được hợp lý hóa việc nuôi thả ngao, bà con ngư dân đã gửi đơn kèm tờ trình đến chính quyền xã Đại Hợp, Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy), phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn) và đã được các cấp chính quyền xác nhận.
Năm 2018, phòng NNPTNT huyện Kiến Thụy đã mời đơn vị đo đạc của Viện Nghiên cứu môi trường và Thích ứng biến đổi khí hậu và Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam về đo đạc hiện trạng bãi nuôi thả ngao. Đồng thời tư vấn quy hoạch giúp bà con phát triển nghề nuôi ngao.
"Trong suốt những năm đó, bà con đã làm ăn đạt hiệu quả cao, phát triển được toàn bộ diện tích khu vực mà có thể phát triển được. Nhờ đó, các thành viên của Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tham gia các hoạt động xã hội và luôn tuân thủ pháp luật", ông Tuân nói tại Hội nghị tổng kết.
Hiện, tổng sản lượng ngao của các thành viên trong Hội nuôi ngao Kiến Thụy ước đạt khoảng 45.000 tấn/năm, giá trị từ 600 - 1.000 tỷ đồng/năm. Nghề nuôi ngao đã tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động, với thu nhập thường xuyên khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Sinh kế của người dân bị đe dọa bởi nạn "cát tặc" và quy hoạch kiểu "thụt lùi"?
Bên cạnh những thành công đã đạt được, ông Tuân cũng cho rằng, vài năm trở lại đây bà con nuôi ngao ở TP Hải Phòng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết, cửa khẩu đóng cửa và đặc biệt là môi trường không tốt.
Theo ông Tuân, nguyên nhân dẫn đến "môi trường không tốt", làm ngao không phát triển được, bị chết là do nạn "cát tặc" diễn ra tại cửa sông Văn Úc.
Các hộ nuôi ngao ở huyện Kiến Thụy cho biết, họ đang rất lo lắng trước viễn cảnh sinh kế của hàng nghìn hộ nuôi ngao sẽ bị đóng lại bởi "Quy hoạch thụt lụt" của chính quyền địa phương. Theo đó, 2018 UBND huyện Kiến Thụy ra quyết định quy hoạch vùng nuôi ngao, từ chỗ có 3.000ha nuôi ngao, UBND huyện Kiến Thụy "quy hoạch" giảm xuống còn... 750ha.
Điều đáng nói là trong 750ha này, có 500ha là vùng đất bùn lầy, lòng sông - nơi con ngao không thể phát triển. Vì thế, theo người dân việc quy hoạch này chẳng khác nào dồn người nuôi ngao vào đường cùng, triệt đường làm ăn, sinh sống của bà con nông dân, mà không chịu xét đến yếu tố, hiện trạng thực tế.
Đứng trước những khó khăn như vậy, nhưng hội viên của Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy vẫn ngày đêm bám biển, tìm kiếm những hướng đi để duy trì và phát triển nghề nuôi ngao. Trong đó, bà con luôn giúp đỡ nhau trong sản xuất cũng như kết hợp với lực lượng biên phòng để giữ gìn an ninh biển.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Vũ Văn Hằng (73 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) cho biết, với 15 năm công tác trải qua các chức vụ từ Phó Chủ tịch cho đến Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã, ông đã chứng kiến sự đổi thay từng ngày của bộ mặt nông thôn, cũng như đời sống của người dân xã nhà.
"Từ nghề nuôi thả ngao, người dân xã Đại Hợp và các xã ven biển của huyện Kiến Thụy đã vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế một cách bền vững. Nhiều hộ có của ăn, của để, xây nhà lầu, mua xe hơi, con cái được học hành đầy đủ cũng là nhờ nghề nuôi thả ngao".
Xung quanh vấn đề có một số doanh nghiệp hút cát đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi ngao ở cửa sông Văn Úc. Ông Hằng cho rằng, nếu còn tiếp tục hút cát thì "vĩnh viễn ngao không còn" và sinh kế, cuộc sống của bà con 2 xã Đoàn Xá và Đại Hợp sẽ bị đe dọa, bởi người dân chủ yếu sống với nghề nuôi ngao.
Hoạt động nuôi ngao tại thành phố hải Phòng có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với đời sống của người dân nơi đây. Với sự khuyến khích của Nhà nước trong các chính sách về nuôi trồng thủy, hải sản, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, vươn khơi bám biển. Nhờ có bàn tay con người, khu vực cửa sông Văn Úc đã trở thành một mảnh đất đầy tiềm năng để khai thác. Với nguồn lợi lớn đã đem lại, nghề nuôi ngao đã đóng góp không nhỏ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên hiện nay hoạt động nuôi ngao của bà con chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ tối đa; các chính sách, cơ sở pháp lý dành cho hoạt động này còn hạn chế và nhiều bất cập. Hơn nữa, trong nhiều năm trở lại đây, người dân đang phải đối diện với nạn cát tặc tại khu vực nuôi ngao. Các vấn đề tồn tại trên đã gây khó khăn cho bà con trong quá trình khai thác thủy hải sản, dẫn đến nguy cơ mất trắng công sức, tài sản, vốn liếng đã đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.