Clip: Bà Nguyễn Thị Duyên, nông dân bản Co Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) chia sẻ về quá trình trồng giống nhãn đặc sản Miền Thiết trên đất đồi hoang....
Những ngày tháng 8, chúng tôi có dịp quay lại Lóng Phiêng, một trong những xã biên giới của huyện Yên Châu (Sơn La). Những năm gần đây, nông dân xã biên giới này tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, biến vùng đồi hoang thành những vườn cây sai trĩu quả.
Nhờ phát triển cây ăn quả, cuộc sống của người dân vùng biên viễn này khấm khá hơn, có của ăn của để. Thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình từ 200 – 300 triệu đồng/năm, thậm chí có nhà thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.
Theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện Yên Châu (Sơn La), chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Duyên, bản Co Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La). Bà Duyên đang sở hữu vườn nhãn rộng 10 ha trên những sườn đồi Co Cúng. Vườn nhãn của gia đình bà Duyên được biết đến là vườn cây ăn quả có diện tích lớn nhất vùng biên giới Phiêng Khoài, mỗi năm cho thu cả tỷ đồng. Để có kết quả như ngày hôm nay, bà Duyên cùng gia đình đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách để tìm hướng làm giàu.
"Năm 1993, sau khi lập gia đình, tôi và chồng con từ quê nhà Khoái Châu (Hưng Yên) lên vùng đất Lóng Phiêng khai hoang lập nghiệp. Thời điểm đó vùng đồi Co Cúng này chỉ toàn những cây dại và cỏ lau. Gia đình tôi quyết định khai hoang vùng đất cằn cỗi này để phát triển kinh tế. Những ngày đầu gia đình tôi cũng đã bắt đầu trồng nhãn, tuy nhiên chỉ là những giống nhãn địa phương nên hiệu quả kinh tế không cao, thời điểm đó gia đình rất khó khăn", chị Duyên kể.
Năm 2003, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, bà Duyên đã mạnh dạn đưa giống nhãn nhãn Miền Thiết thay thế giống nhãn địa phương. Đây là giống nhãn cho quả ngọt, trái sai, vỏ mỏng, cùi dày, chỉ sau 3 năm, gia đình bà đã có thể thu hoạch và thu lời liên tiếp trong nhiều năm tiếp theo.
Để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, gia đình bà Duyên tiến hành thâm canh, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong ghép mắt, cải tạo giống, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, dùng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, NPK, bón cho cây trồng. Nhờ vậy, mà vườn nhãn của gia đình bà từ khi ghép mắt đến hiện tại đều xanh mơn mởn và cho qua đầy cành.
Theo kinh nghiệm của bà Duyên, nhãn Miền Thiết ghép lên nhãn địa phương rất dễ chăm sóc. Từ lúc ghép mắt, ra hoa đậu quả chỉ khoảng 3 năm là cho thu hoạch. Nhãn Miền Thiết có đặc điểm quả to, cùi dày, hạt nhỏ, ăn vào dịu ngọt, thanh mát, được thị trường trong và ngoài tỉnh Sơn La ưa chuộng.
Cũng theo bà Duyên, để tạo điều kiện thuận lợi cho vườn nhãn phát triển tốt, gia đình bà đã đầu tư vốn lắp đặt hệ thống ống dẫn nước tời tự động. với phương pháp này sẽ tiết kiệm nước, chống đất bị xói mòn điều đặc biệt là tiết kiệm được thời gian để thực hiện các công việc khác.
"Hiện tại, gia đình tôi trồng được trên 10 ha cây nhãn. Thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn nhãn gia đinh cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn và xuất bán vào các siêu thị, của hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trung bình gia đình tôi thu từ 100 - 120 tấn nhãn/vụ. Trừ tất cả chi phí, gia đình tôi đã có lợi nhuận 1,6 tỷ đồng/năm", bà Duyên nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Là huyện có diện tích nhãn đứng thứ 3 toàn tỉnh với trên 2.100 ha nhãn, sản lượng đạt trên 15.000 tấn, các xã Lóng Phiêng, Tú Nang, Chiềng Hặc, Yên Sơn, Chiềng Pằn, Phiêng Khoài và Chiềng Đông.
Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều hộ dân trong xã không chỉ thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm giảm từ 3% – 5%. Trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú từ trồng cây ăn nhãn.
Để cây nhãn thực sự đem lại hiệu quả cho người nông dân, huyện Yên Châu (Sơn La) đã vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là áp dụng quy trình trồng an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và tăng giá trị nông sản, nhất là quả nhãn.
"Cây nhãn đang trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, do đó huyện tiếp tục tập trung vào các khâu cải tạo giống, phổ biến quy trình tưới ẩm để nâng cao năng suất của cây nhãn. Đồng thời, huyện tìm kiếm và phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con, giúp người trồng nhãn có đầu ra ổn định" ông Dũng nói.