Hiến kế thúc đẩy mối liên kết phát triển vùng cây ăn quả lớn nhất phía Bắc

Tuệ Linh Thứ tư, ngày 03/08/2022 16:17 PM (GMT+7)
Sáng nay (3/8), tại thành phố Sơn La, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Sơn La tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc”.
Bình luận 0

Clip: Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Tham gia Diễn đàn có 200 đại biểu đến từ Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Cục Trồng trọt; Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Viện Nghiên cứu rau quả; Viện Bảo vệ thực vật; đại diện lãnh đạo Sở NNPTNT và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Sơn La, Hoà Bình, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Giang; đại diện một số doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và nông dân trồng cây ăn quả.

Hiến kế thúc đẩy mối liên kết phát triển vùng cây ăn quả lớn nhất phía Bắc

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: "Giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc" được tổ chức với mong muốn cùng nhau trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp phát triển bền vững mối liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả. Đồng thời kết nối sự tham gia của chính quyền, các HTX, người dân và doanh nghiệp trong việc chỉ đạo điều hành, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. 

Bàn giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 2.

Tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc” có 200 đại biểu. Ảnh: Tuệ Linh.

Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp, chủ trang trại và nông dân trao đổi, thảo luận các giải pháp phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả bền vững và hiệu quả.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn cùng trao đổi, thảo luận tập trung vào một số nhóm vấn đề, như: Quy hoạch, xây dựng và phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh vùng miền núi phía Bắc.

Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Giải pháp khoa học công nghệ để phát triển bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả. Trong đó tập trung vào giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến.

Bàn giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 3.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Tuệ Linh.

Vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ; Tiêu chuẩn chất lượng nông sản cho doanh nghiệp, nhà máy chế biến phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia trong liên kết sản xuất; vấn đề mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm...

Ông Hồng cũng cho biết, tính đến hết năm 2021, tổng diện tích cây ăn quả vùng trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) đạt khoảng 266.700 ha, sản lượng quả đạt 1,978 triệu tấn. Vùng TDMNPB là vùng cây ăn quả chủ lực, chiếm 59,9% diện tích cây ăn quả toàn miền Bắc và là vùng cây ăn quả lớn thứ hai cả nước về diện tích và sản lượng, chỉ đứng sau vùng ĐBSCL.

Bàn giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 4.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Tuệ Linh.

Những năm vừa qua, việc phát triển cây ăn quả trong vùng đã góp phần khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn.

Nhờ đó, diện tích cây ăn quả ở một số tỉnh đã liên tục tăng. Hiện nay đã hình thành các vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn ở Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang… Thị trường tiêu thụ trái cây của vùng TDMNPB thời gian qua được mở rộng rất nhanh, có nhiều thuận lợi ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Số lượng, chủng loại, kim ngạch xuất khẩu trái cây hàng năm đều tăng.

Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng giá trị xuất khẩu rau quả 2021 vẫn tăng cao, đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020. 10 loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam: Thanh long, xoài, chuối, mít, dừa, sầu riêng, chanh, dưa hấu, vải, chanh leo. Trong đó, vùng TDMNPB tham gia xuất khẩu chủ yếu các loại quả vải, nhãn, xoài, chuối, mận…

Sơn La đã được cấp 241 mã số vùng trồng 

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, thực hiện chính sách phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, những năm qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển cây ăn quả trên đất dốc.

Bàn giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 5.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Diễn đàn. Ảnh: Tuệ Linh.

Trong giai đoạn 2015 - 2021, tỉnh Sơn La đã chuyển đổi được trên 60.000 ha cây trồng khác sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là trồng xoài, nhãn, mận, chanh leo, mang lại giá trị kinh tế cao trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Qua đó, nâng tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra trên địa bàn tỉnh Sơn La đến hết tháng 6/2022 ước đạt 82.815 ha.

Trong đó, diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất VietGAP hoặc GAP khác đạt trên 1.500ha. Toàn tỉnh đã được cấp 241 mã số vùng trồng để phục vụ công tác xuất khẩu, với diện tích 3.865,45 ha; phát triển được 339 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cây ăn quả với diện tích 8.635 ha.

Toàn tỉnh Sơn La hiện đang duy trì và phát triển 242 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, trong đó có 156 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, cam, bưởi, dâu tây, thanh long,...) với diện tích 3.449 ha, sản lượng 40.599 tấn/năm.

Bàn giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 6.

Trước đó, ngày 2/8, đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng các đại biểu đã đến thăm mô hình trồng cây ăn quả tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Tuệ Linh.

Thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La được mở rộng đến các siêu thị lớn, trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu sang Trung Quốc, Úc, các nước EU, Mỹ. Năm 2018, tỉnh xuất khẩu được 17.501 tấn quả các loại. Năm 2021, xuất khẩu được 23.488,63 tấn (trong đó nhãn: 3.861,63 tấn; xoài: 14.308 tấn; chanh leo: 214 tấn; chuối: 5.075 tấn; mận hậu: 20 tấn; thanh long: 10 tấn).

Hiện, tỉnh Sơn La đã có hàng trăm cơ sở chế biến cây ăn quả và 4 nhà máy chế biến rau, quả quy mô công nghiệp. 

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng đánh giá rất cao chủ trương, chính sách phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La và nhấn mạnh: Sơn La là hiện tượng kinh tế nông nghiệp của cả nước.

Vùng TDMNPB có trên 4.900 HTX nông nghiệp

Tính đến năm 2021, vùng TDMNPB có 4.910 HTX nông nghiệp (chiếm 27%) và 21 Liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 27% tổng số Liên hiệp HTX nông nghiệp toàn quốc.

Các HTX nông nghiệp của MNPB tập trung nhiều ở 2 lĩnh vực: trồng trọt (lúa, cây ăn quả) là 1.673 HTX, chiếm 34% tổng số HTX Nông nghiệp của vùng; dịch vụ tổng hợp (rau, chăn nuôi, cây ăn quả...) là 2.071 HTX, chiếm 42% tổng số HTX nông nghiệp của vùng.

Đây là vùng có số lượng HTX nông nghiệp bình quân/tỉnh cao thứ 3 trong các vùng kinh tế của cả nước.

Kết quả, sau gần 4 năm thực hiện chính sách hợp tác, liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay trên địa bàn các tỉnh TDMNPB đã có 152.135 nông dân tham gia vào các mô hình liên kết. 759 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với 322 doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Về phát triển chuỗi cây ăn quả, các tỉnh miền núi phía Bắc đã phát triển được 206 chuỗi liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; diện tích 6.101 ha, sản lượng 100.125 tấn và tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt 23%.

Điển hình như mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong trồng cây ăn quả tại xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu; Mô hình HTX nông nghiệp sinh thái Nà Sản liên kết chuỗi cây ăn quả (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La); Mô hình liên kết sản xuất Dứa: Xã Chiềng Ơn, xã Mường Sại, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời, đề ra các giải pháp phát triển mối liên kết bền vững trong thời gian tới.

Diễn đàn giúp nông dân hiểu ra nhiều vấn đề

Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Việc phát triển cây ăn quả vùng TDMNPB đã giúp nông dân và địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu.

Đặc biệt, bà con nông dân ngày càng chú trọng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất trên quy mô lớn như: Giống mới, rải vụ, cơ giới hoá, áp dụng quy trình thâm canh, VietGAP, hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ…

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, thông qua Diễn đàn đã giúp cho người nông dân hiểu rõ nhiều vấn đề như: Các yếu tố kỹ thuật cần tác động, các biện pháp tổ chức sản xuất quy mô hàng hoá, đạt chất lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Các chính sách của Nhà nước, địa phương để phát triển sản xuất. Tiêu chuẩn chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các thị trường nhập khẩu. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi, quy hoạch sản xuất, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm…

Bên cạnh đó, thông qua Diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh vùng TDMNPB tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả.

Các doanh nghiệp đề xuất đặt hàng các nội dung liên kết hợp tác với hệ thống khuyến nông, HTX, người nông dân để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả tại các địa phương. HTX, người nông dân căn cứ vào thông tin tại diễn đàn để tổ chức sản xuất một cách có hiệu quả, đồng thời liên hệ với các doanh nghiệp để liên kết, tiêu thụ sản phẩm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem