Sở Y tế TP HCM vừa triển khai chương trình "cấp cứu trầm cảm" vào cuối tháng 7.
Chỉ sau 1 tuần chính thức triển khai "cấp cứu trầm cảm", Bệnh viện Tâm thần và trung tâm cấp cứu 115 đã tiếp nhận 4 cuộc gọi từ người dân. Đây là căn bệnh mọi người thường cố giấu nên cuộc gọi đến 115 chiếm tỷ lệ rất ít so với thực tế. Việc Sở Y tế TP.HCM cho ra đời "cấp cứu trầm cảm" sau Covid - 19 chứng tỏ họ đã nhìn thấy sức khỏe tình thần của xã hội đang có vấn đề.
Khi nhiều người trong xã hội không ổn về sức khỏe, tâm lý – thầy thuốc sẽ là nơi gánh chịu hậu quả nhiều nhất.
Một bác sĩ ngoại giỏi ở một bệnh viện tuyến tỉnh nói, nỗi khổ tâm lớn nhất trong mấy tháng gần đây là thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc do "chệch choạc" trong việc đấu thầu.
Thầy thuốc mà thiếu thuốc, thiếu thiết bị để hành nghề còn khổ hơn lính đánh trận mà không có súng đạn. Cái cảm giác bất lực khi đứng trước yêu cầu chữa trị cấp bách của người bệnh là lý do dễ khiến nguời thầy thuốc thấy mình mất tinh thần và dễ bị trầm cảm hơn cả mọi lý do khác như thu nhập thấp hoặc vất vả kéo dài.
Chuyện không có gì mới, đa số đều biết: Nhân viên ngành y kiệt sức sau hai năm dịch Covid, sau những biến động, xáo trộn gắn với câu chuyện về những đại án. Chuyện không mới, chỉ có con số là mới. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tại TP.HCM có 891 nhân viên cơ sở y tế công xin nghỉ việc. Điều đáng nói, khi một nhân viên ngành y lành nghề rời vị trí, không dễ có người thay thế…
Chỉ trong hơn 1 tuần, tại bệnh viện Gia Định (TP.HCM) có đến hai vụ hành hung bác sĩ mà lý do thì đơn giản đến phi lý. Đọc kỹ tường trình của đối tượng hành hung, dễ dàng nhận ra, sự căng thẳng đã có sẵn, không gian bệnh viện, tâm lý khi có người nhà bị bệnh, cảm giác khó chịu khi thầy thuốc không làm theo ý mình… chỉ là cái cớ, là thời điểm bùng nổ cho hành động bất thường.
Sau dịch Covid - 19, đặc biệt ở TP.HCM rất nhiều đối tượng bị tổn thương tâm lý. Người thân mất, thu nhập giảm sút, mất công việc hoặc là nghiêm trọng hơn, doanh nghiệp bị phá sản, vỡ nợ và hội chứng sức khỏe giảm sút… rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm cho nhiều tầng lớp của xã hội.
Bệnh viện và thầy thuốc như là nơi cuối cùng, chịu đựng và phải gồng mình lên đối phó để vượt qua cơn bệnh nặng của xã hội...
Rất nhiều bức bối, tâm tư, đề nghị của những người ngành y đã được giãi bày cùng người đứng đầu TP.HCM hôm 5/8 vừa rồi. Khoảng thời gian đó tất nhiên không đủ để có thể nói và nghe hết những điều cần phải nói và nghe.
Nhưng, ít nhất, trong buổi đối thoại đó, những chiến sĩ áo trắng đã có thể cho phép mình khóc. Khóc vì bản thân mỗi người họ không khoẻ, nhiều thầy thuốc không khoẻ, vì biết không ít người trong xã hội đã biết đến rằng: Các bác sĩ đang không khỏe.
Vâng, không phải bây giờ họ mới "không khỏe" – chỉ là lâu nay bản thân họ và xã hội vẫn nghĩ sự chịu đựng của họ là vô cùng hoặc là thầy thuốc thì hiển nhiên phải "khỏe".
Nhưng sau đại dịch, sự "không khỏe" này như chất chồng thêm lên nhiều lần.
"Người dân bệnh, bác sĩ lo. Bác sĩ không khỏe, ai lo" - câu hỏi này của người đứng đầu TP.HCM không chỉ là câu hỏi của một lãnh đạo mà là nỗi lo, tình cảm của tất cả người dân, nguời bệnh đối với ngành y trong những ngày tháng này.
Sau Covid - 19 là cúm A, là đậu mùa khỉ, là trầm cảm... Xã hội mong manh căng thẳng và yếu ớt hơn, trông chờ phó thác cho bác sĩ nhiều hơn
Còn nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ tiếp tục bị hành hung, xin nghỉ việc, hoặc tiếp tục khám chữa bệnh trong lo âu, mệt mỏi nhiều hơn nữa
Đến lúc mà chỉ lời thề Hippocrates và câu khẩu hiệu "Thầy thuốc như mẹ hiền" không đủ đề các bác sĩ và ngành y chống chọi với cơn "trầm cảm xã hội", cần những quyết sách mạnh mẽ và nhân ái hơn từ trên cùng lúc với sự bình tĩnh và hiểu biết hơn từ người bệnh và người nhà của họ. Các thầy thuốc đang "không khoẻ" chỉ mong chờ có vậy.