Để bác sỹ không còn bị người nhà bệnh nhân đe doạ tính mạng

Bác sỹ Nguyễn Văn Thái - Khoa cấp cứu bệnh viện Đa khoa Thống nhất, Đồng Nai Thứ bảy, ngày 30/07/2022 09:36 AM (GMT+7)
Trong đêm 27/7, tại khoa cấp cứu bệnh viện Gia định- TP HCM, trong khi chờ đợi con gái được gắp xương cá từ cổ họng do hóc xương, người cha của bệnh nhân đã xông vào bóp cổ bác sỹ trực kèm theo những lời lẽ lăng mạ và đe doạ toàn bộ kíp trực.
Bình luận 0

Đây không phải lần đầu tính mạng của nhân viên y tế bị đe doạ bởi chính người nhà bệnh nhân

Nhân viên y tế đã từng làm việc ở khoa cấp cứu các bệnh viện đều ít nhiều trải qua hoặc chứng kiến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân to tiếng, xúc phạm hay hành hung nhân viên y tế. 

Là một bác sỹ làm việc ở bệnh viện tuyến tỉnh, tôi đã từng bị người nhà bệnh nhân to tiếng, nói những lời xúc phạm. Bệnh nhân đi nhậu, bị tai nạn giao thông được bạn nhậu đưa tới viện; bệnh khoa cấp cứu đông mấy ông bạn nhậu phừng phừng muốn bạn mình được cấp cứu sớm nên to tiếng, quát nạt nhân viên y tế... Khi tôi thăm khám, sơ cứu cho bệnh nhân và giải thích cho họ thì mọi chuyện ổn. Nhưng đồng nghiệp của tôi, một người nhã nhặn, đã có lần bị người nhà bệnh nhân rượt đánh, phải chạy vào phòng và chốt chặt cửa để tránh người nhà hành hung. 

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) từ năm 2010 đến hết 2017, cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc bác sỹ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung; đặc biệt năm 2011 bác sỹ Phạm Văn Giầu công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư/Thái Bình bị người nhà bệnh nhân đâm chết. 

Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sỹ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sỹ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân. 

Nguyên nhân của tình trạng gia tăng các vụ bạo lực vào nhân viên y tế: Tình trạng quá tải thiếu nhân viên ở các bệnh viện, bệnh nhân phải đợi lâu để được thăm khám và điều trị, nhân viên y tế ít có thời gian trao đổi giải thích bệnh nên dễ gây bức xúc; sự thiếu tin tưởng vào nhân viên y tế hoặc hệ thống chăm sóc sức khỏe, không hài lòng với việc điều trị và chăm sóc; những kỳ vọng không thực tế của bệnh nhân và người nhà về thành công của điều trị... 

Để bác sỹ không còn bị người nhà bệnh nhân de doạ tính mạng - Ảnh 2.

Hình ảnh đối tượng lao vào hành hung bác sỹ ở Bệnh viện Gia Định đêm 28/7

Còn nữa, các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin về các trường hợp sơ suất nghiêm trọng có thể xảy ra và mô tả chúng như là đại diện cho hoạt động "bình thường" trong bệnh viện làm cho tình hình thêm căng thẳng.

Vậy có thể làm gì để giảm tình trạng bạo lực gia tăng với nhân viên y tế? 

Luật cần có qui định nghiêm khắc hơn với những hành vi bạo lực với nhân viên y tế. Dự thảo sửa đổi luật Khám chữa bệnh 2009, cần qui định hành vi hành hung, quấy rối nhân viên y tế tại các cơ sở y tế phải được qui định là hành vi chống người thi hành công vụ và có chế tài cụ thể đủ sức răn đe xử phạt. 

Cần tăng cường các biện pháp an ninh (thêm nhân viên bảo vệ, gắn camera, hệ thống báo động) ở những nơi có nguy cơ cao xẩy ra bạo hành với nhân viên y tế như khoa cấp cứu, khoa điều trị cho bệnh nhân tâm thần hay bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi rượu và ma túy. 

Cần phải bổ sung thêm bác sỹ, nhân viên y tế để tránh tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế, bệnh nhân ít phải chờ đợi, bác sĩ bệnh nhân có nhiều thời gian trao đổi để giải quyết các các khúc mắc; cần giải thích kịp thời về việc chậm trễ cung cấp dịch vụ cho người bệnh và thân nhân của họ khi thời gian chờ đợi kéo dài vì một số trường hợp bệnh nhân được ưu tiên. 

Các tổ chức y tế cần đào tạo để cải thiện khả năng giao tiếp của nhân viên, bớt đi những kì vọng không thực tế trong quá trình điều trị và những hiểu lầm của bệnh nhân, người nhà; nâng cao sự hài lòng trong công việc của nhân viên y tế. 

Cần tổ chức các khóa học cho nhân viên y tế để học cách nhận biết các dấu hiệu ban đầu cho thấy ai đó có thể trở nên bạo lực, cách xử lý các tình huống nguy hiểm và cách tự bảo vệ mình. Nhân viên y tế tố cáo bất kỳ hành vi bạo lực nào bằng lời nói hoặc thể chất, hỗ trợ báo cáo một cách đầy đủ về thực trạng bạo lực với nhân viên y tế để có những giải pháp phù hợp. 

Cuối cùng, các phương tiện truyền thông nên ngừng góp phần làm cho công chúng mất lòng tin đối với nhân viên y tế và các tổ chức. Nhiều bệnh nhân báo cáo những trải nghiệm tiêu cực của họ về chăm sóc y tế cho các cơ quan truyền thông hoặc báo chí, những người rất quan tâm đến những câu chuyện này và rất thường không kiểm tra thông tin trước khi công bố. Các báo cáo thiên lệch này có thể làm căng thẳng thêm trầm trọng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem