Những bài học mùa thi

Mai Trần Thứ năm, ngày 04/08/2022 15:44 PM (GMT+7)
Thêm một trường hợp hy hữu đau lòng trong kỳ thi quốc gia 2022: Một thí sinh ngủ quên trong môn thi cuối, không chép đáp án đã nháp vào giấy thi, nhận điểm liệt trong khi môn Ngoại ngữ chính là môn chuyên của em, và em đã đủ tiêu chuẩn xét tuyển thẳng Đại học, chỉ còn chờ kết quả tốt nghiệp như điều kiện đủ.
Bình luận 0

Là một giảng viên Đại học gần 30 năm nay, năm nào tôi cũng đi làm giám thị kỳ thi quốc gia. Tôi chỉ nghỉ vào năm sinh con, và năm đưa chính con mình đi thi. Cả một hành trình đi qua các mùa thi, nhìn lại cũng thấy nhiều tình huống, nhiều sự kiện, cả những thân phận buồn vui, những bài học cần chia sẻ với thí sinh, phụ huynh, thầy cô giám thị

Công việc của một giám thị thì không có gì quá phức tạp, nhưng ở vị trí đó, cũng thấy cảm giác quan trọng, vì sự đông đúc và căng thẳng chung, vì các nguyên tắc nghiêm ngặt, đồng bộ, không được phép sai sót trên toàn quốc, và vì sự chú ý cao của cả xã hội vào một kỳ thi. 

Công việc đó cũng không nhàn nhã, nhàm chán, buồn ngủ như nhiều người nghĩ, vì có rất nhiều đầu việc mà một giám thị phải hoàn thành trong thời gian tổ chức một môn thi.  

Một điều nữa, là luôn luôn có "chuyện gì đó xảy ra", cho dù kỳ thi đã được qui trình hóa chặt chẽ đến đâu đi nữa, thì vẫn là một sự kiện có tính đại chúng, rất đông người tham gia, rất nhiều tình huống mà các qui định không bao phủ hết được. 

Và các thí sinh, thực ra cũng vẫn là những đứa trẻ vừa mới đến tuổi trưởng thành, luôn luôn xảy ra những sai sót không ngờ tới: Nhầm giờ thi, đi lạc đường, thậm chí viết nhầm số báo danh hoặc tên của chính mình cũng đã xảy ra.

Có một năm, khi em thí sinh cúi xuống chuẩn bị ký vào danh sách thu bài, thì chuông điện thoại trong túi áo vang lên. Bạn trai của em gọi để hỏi có làm bài tốt không. Điện thoại là vật dụng tuyệt đối không được mang vào phòng thi, giám thị đã nhắc nhở, nhưng không được phép dùng tay để kiểm tra trong người thí sinh. 

Chúng tôi buộc phải làm biên bản vì sự vi phạm qui chế thi đã quá rõ ràng. Khi tôi ra về, bạn trai của em đứng chờ bên ngoài, khóc nức nở, giải trình sự việc. Có thể em thí sinh không hề sử dụng điện thoại để gian lận, em chỉ muốn giữ liên lạc với người thân, và nghĩ là cũng sẽ không sao, nếu cuộc gọi diễn ra sau khi ra khỏi phòng thi. 

Những bài học mùa thi - Ảnh 2.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2022. Ảnh: Phạm Hưng

Nhưng cậu bạn nóng lòng quá đã gọi sớm vài giây, còn cô gái căng thẳng với kỳ thi đã quên không tắt chuông của chiếc điện thoại giấu trong túi áo. Sự dại dột của tuổi trẻ, tôi chỉ có thể chia sẻ, động viên, và không làm gì khác được.

Những sự cố kiểu như vậy, sẽ đem đến cho chúng ta điều gì?

Tôi luôn cố gắng nhất có thể, để không có những sai lầm dại dột như vậy nữa. Luôn quan sát các thí sinh để nếu may mắn, có thể ngăn ngừa một điều gì đó. Ví dụ như trước giờ mở đề thi, tôi nhắc lại, các em có quên điện thoại trong túi nữa không? Những điều đó không nằm trong qui định mà giám thị phải làm. Nhưng chúng tôi thường trao đổi với nhau những câu chuyện hi hữu đã xảy ra trong phòng thi, tích cóp những trải nghiệm, để làm công việc của mình tốt nhất có thể.   

Phản ứng của thí sinh trong thời gian làm bài cũng muôn hình vạn trạng. Em thì cố chiến đấu từng giây, nhưng cũng có nhiều em lăn ra ngủ. Phòng thi không khi nào quá đông, nên khá dễ quan sát. Giám thị không được phép giúp thí sinh làm bài, nhưng nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào, có thể nhắc: em có bị mệt không, có cần trợ giúp y tế không, em còn 15 phút làm bài… 

Một hai lời nhắc sẽ không gây ồn ào phòng thi nhưng đủ giữ cho không em nào "bất động" quá lâu. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi bất cứ giám thị nào cũng phải ứng xử giống nhau. Phong cách làm việc và quan điểm giáo dục của mỗi người cần được tôn trọng. Nếu giám thị đã làm hết phận sự của mình, thí sinh cũng cần biết tự chịu trách nhiệm về kỳ thi quan trọng của chính mình, không có ngoại lệ nào, không thể đổ lỗi "thiếu quan tâm" cho người khác.

Vào năm tôi đưa con mình đi thi, tôi có dịp trải nghiệm cảm giác làm phụ huynh. Lúc đó lại thấy bao dung hơn với những đứa trẻ, lại tưởng tượng đủ điều không may có khả năng xảy ra, cố gắng ngăn ngừa cao nhất. 

Và lúc đứng trong đám đông ở cổng trường, kính cẩn nhìn đội giám thị đeo thẻ bước vào trong, cũng thầm ước, họ quan tâm, nhắc nhở bọn trẻ, bằng kinh nghiệm và tấm lòng của nhà giáo.

Sau mỗi kỳ thi, lại có bao chuyện khóc cười. Nhưng âu cũng là những bài học cuộc sống. Có phân tích, mổ xẻ, nhưng những chỉ trích phán xét nặng nề sẽ đẩy sự việc đi quá tầm quan trọng của nó. Mọi vấp ngã sẽ để lại bài học, đó cũng là giá trị tích cực của những phút sai lầm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem