Nếu Sở đúng thì dân mua nhà sai?

Nguyễn An Thanh Thứ hai, ngày 04/07/2022 09:10 AM (GMT+7)
Lâu nay, cảnh ùn tắc giao thông các tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình và Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính diễn ra thường ngày, có chiều hướng ngày càng gia tăng khiến người dân phải gánh chịu. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan nào, có lợi ích nhóm nào không khi quy hoạch đô thị bị băm nát cần được làm rõ.
Bình luận 0

Kết luận số 39/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành về việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài); Nguyễn Thanh Bình và Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính đã làm nóng dư luận.

Được biết, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổ chức Thanh tra Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội về việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch khu vực nói trên.

Theo đó, đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình là một đoạn tuyến thuộc tuyến đường chính đô thị hướng tâm Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương – Tố Hữu – Nguyễn Thanh Bình đến Vành đai 4 (sau đây gọi tắt là tuyến đường), tổng chiều dài trục đường khoảng 11km có tới 60 dự án thì lần này đã tiến hành thanh tra 49 dự án. 

Trong đó, Khu đô thị Trung hòa Nhân chính do Vinaconex làm chủ đầu tư, quy mô 32,8ha, do công ty Handico 6 làm chủ đầu tư, quy mô 14ha. Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần, phát hiện 19 dự án, công trình và 1 khu nhà ở thấp tầng tồn tại vi phạm.

Trong đó, điển hình dự án tổ hợp Văn phòng, dịch vụ Thương mại và nhà ở Thành An Tower (21 Lê Văn Lương) do Tổng Công ty Thành An - Coty TNHH MTV là chủ đầu tư, theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng là điều chỉnh quy hoạch 4 lần, tăng số tầng trung bình từ 5 lên 30 tầng. Qua 4 lần điều chỉnh, đất trụ sở cơ quan đã được "phù phép"  trở thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (2012).

Rồi 1 khối văn phòng được thành tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ (2017), làm tăng tầng cao trung bình từ 6,5 lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số hơn 750 người (tạm tính 327 căn hộ), diện tích sàn xây dựng tăng khoảng 10.800 m2.

Dự án công trình trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê Sao Mai Building (số 19 Lê Văn Lương) của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai được UBND thành phố điều chỉnh 2 lần sai quy định pháp luật: Điều chỉnh từ đất ở thành trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, tăng tầng cao từ 7,5 thành 16 tầng.

Đó chỉ là điển hình, một vài dự án trong hàng loạt sai phạm mà Kết luận số 39/KL-TTr nêu ra khi tiến hành thanh tra.

Nếu Sở đúng thì dân mua nhà sai? - Ảnh 2.

Các chung cư dày đặc đang khiến đường Lê Văn Lương trở thành "con đường đau khổ". Ảnh: Nhật Minh.

Có nhiều điều người dân Hà Nội cũng như dư luận cả nước đang thắc mắc.

Những sai phạm "tày trời" trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch như trong Kết luận số 39/KL-TTr diễn ra ngay tại Thủ đô trong một thời gian dài như thế, gây bức xúc trong dư luận nhân dân nhiều năm trời, tại sao này mới được thanh tra, làm rõ?

Đa phần các dự án tại các khu vực trên được điều chỉnh chuyển chức năng từ toà nhà văn phòng, không gian công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán. Không hề có chiều ngược lại, điều chỉnh đất ở sang các các loại đất có công năng khác, lạ thật? 

Giải trình về việc tham mưu điều chỉnh quy hoạch Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã viện dẫn rất nhiều văn bản pháp lý, từ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 1997 (và năm 2008) cùng các Tiêu chuẩn thiết kế…

Khó có thể tin cùng đọc các văn bản trên nhưng cách hiểu của Thanh tra Bộ Xây dựng và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lại có sự khác biệt xa đến thế. Liệu ngoài Hà Nội ra còn có địa phương nào để xẩy ra những sai phạm như thế không?

Không kể những lần điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, chỉ những lần mà Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng đúng quy định của pháp luật thì tại sao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vẫn không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu?

Nếu việc điều chỉnh mật độ xây dựng, nâng tầng cao theo cấp số nhân, tăng số lượng căn hộ, nhồi nhét thêm dân số là đúng (??!) thì sao hoạt động xây dựng lại méo mó đến người không có chuyên môn cũng có thể nhìn ra được như vậy. Phải chăng đó là "quy hoạch đặc thù", không đủ đất trồng cây xanh, giao thông ngày thường cũng như ngày lễ, ùn tắc 365/365 ngày?

Nếu UBND Thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đúng trong khâu quy hoạch và quản lý quy hoạch thì chả nhẽ chỉ người dân, những người bỏ tiền mua những căn hộ chung cư tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài); Nguyễn Thanh Bình và Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính là sai?

Đến nay, những kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng như ghi chú tầng cao, công bố quy hoạch chậm, về số liệu hiện trạng tại quy hoạch phân khu, về thể hiện các tỷ lệ đất cây xanh tại quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng; trình tự một số nội dung báo cáo đối với việc điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc chưa đúng quy cách, quy định, chưa rõ nội dung… đều được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội xác nhận là đúng. Tinh ý sẽ thấy đây chỉ là "lỗi kỹ thuật", sai phạm sẽ chỉ bị "xử lý nhẹ nhàng".

Nhưng kết luận "Điều chỉnh Quy hoạch nhiều lần, không thuộc trường hợp được điều chỉnh; Chỉ tiêu quy hoạch đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án phê duyệt trước; Các đồ án Quy hoạch phân khu cập nhật không đúng quy hoạch chi tiết, dự án và dự án đầu tư; Điều chỉnh cục bộ quy hoạch, tổng mặt bằng không thuộc trường hợp được điều chỉnh. Vi phạm quy định Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; Điều chỉnh quy hoạch và tổng mặt bằng nhiều lần làm thay đổi định hướng quy hoạch đã xác định trước đây…" thì Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã có kiến nghị gửi Thanh tra BXD trong thời hạn 60 ngày theo đúng quy định của Luật Thanh tra. Những người am hiểu pháp luật đều hiểu rằng, nếu giải trình của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội không được chấp nhận thì những người liên quan chắc chắn sẽ bị xử lý kỷ luật. Lúc đó, trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan nào, lợi ích nhóm thuộc về những ai, phải được làm rõ. 

Theo quy định, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội được phép giải trình kết luận thanh tra, nhưng xem ra đúng như người dân sống ở quanh các trục đường này, "nếu Sở đúng, thì dân sai". Dù Sở có giải trình thế nào, thì nỗi khổ tắc đường, hạ tầng xuống cấp, ngập lụt triền miên, bộ mặt đô thị nham nhở, quy hoạch bị băm nát... vẫn là dân hàng ngày gánh chịu. 


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem