Dân Việt

"Xã hội báo hiếu" không đợi Vu lan

Thu Hà 10/08/2022 10:27 GMT+7
Làn sóng báo hiếu dịp rằm tháng Bảy làm người ta ngoái lại với những tình cảm gia đình, và với người già. Nhưng bên dưới làn sóng hiếu thảo đó, những thân phận cô độc tuổi già, những nỗi niềm bất lực vì không thể báo hiếu của tuổi trẻ và cả tuổi không còn trẻ, càng ngấm ngầm càng cuộn lên không kém phần dữ dội.  

Hết giãn cách, người bạn tôi vội vã bay từ nước ngoài về sau 2 năm không thể hồi hương vì dịch bệnh với lời nhắn "tôi về 1 tháng, nhưng không có điều kiện gặp bạn bè, tôi thuê nhà ở với mẹ, bạn bè không ngại thì ghé chơi".

Hơi ngạc nhiên vì biết nhà bố mẹ bạn vốn rộng rãi ngay phố lớn, cũng chỉ có mình bạn, sao lại phải thuê nhà?

Nhưng đến thăm, nhìn vẻ lo lắng phờ phạc của bạn mới biết: Bạn xa nhà 30 năm, dù hầu như mỗi năm đều về, kinh tế ổn, nhưng bố mất, mẹ yếu dần. Ngay trước khi cao điểm dịch Covid, mẹ ngã gãy chân không đi lại được, một mình trong căn nhà 3 tầng mênh mông, họ hàng khó qua thăm thường xuyên, giúp việc sợ hãi gọi điện cho bạn tận bên kia đại dương.

Bạn cuống quýt huy động mọi lực lượng cứu trợ, sau 1 tuần thì tìm được một viện dưỡng lão "ai cũng bảo tốt lắm" ở ngoại ô để gửi mẹ, lại "điều khiển từ xa" chuyển mẹ sang đó, tiền nong không phải nghĩ nhưng cũng phải dùng đủ thứ quan hệ kèm thuyết phục năn nỉ mới có được "đặc quyền" nhìn mẹ qua camera và video call với mẹ mỗi ngày. 

Đằng đẵng nửa năm, giờ bạn về, đón mẹ từ trại dưỡng lão về căn hộ thuê để mẹ con hàn huyên, cùng lúc thì bán nhà, gửi ngân hàng, lập tài khoản tự động chuyển tiền vào nhà dưỡng lão cho mẹ.

Với tuổi 80, mẹ không thể sang với con, con cũng không thể về hẳn, 30 năm xứ người, con đã kịp có tổ ấm, có sự nghiệp. Thương mẹ lắm cũng chỉ có thể mỗi năm về một tháng

"Tôi biết mọi người ở nhà, kể cả họ hàng, bạn thân sẽ bảo tôi bất hiếu, nhưng tôi không còn cách nào khác. Cũng may là ở Việt Nam bây giờ bắt đầu có nhiều trại dưỡng lão gần giống với các trại dưỡng lão bên kia, tôi thấy mẹ tôi ở với các bạn già ở đó cũng khá vui, được chăm sóc tốt, tất nhiên do mình đóng phí cao, nhưng cơ bản là do nhân viên y tế ở đó chuyên nghiệp, và nhất là bà còn có bạn cùng tuổi để tâm sự. Người già, quan trọng nhất là được trò chuyện".

Hôm qua, đang đi mua hoa và đồ cúng rằm tháng bảy thì một người bạn khác lại gọi khẩn cấp: "Cho em ngay số điện thoại hay cách liên lạc với người giúp việc trong bệnh viện mà năm trước chị thuê cho bố mẹ. Bố em mới nhập viện, mổ khớp gối, bệnh viện chỉ cho thăm nuôi sáng trưa chiều theo giờ nghỉ mà để ông một mình không yên tâm, phải thuê người trực".

Số điện thoại của người giúp việc bệnh viện thì đã thất lạc, nhưng điện thoại của người bạn từ quen thành thân trong nhóm cùng ăn chực nằm chờ hành lang bệnh viện trông phụ huynh ốm mấy năm trước thì đã thuộc lòng, nên lập tức gọi hỏi được ngay.

"Xã hội báo hiếu" không đợi Vu lan - Ảnh 2.

Lễ Vu lan báo hiếu vừa được tổ chức tại một ngôi chùa ở Hòa Bình. Ảnh: Gia Khiêm.

Bạn cho lại số của y tá bệnh viện và dặn: "Cứ nhờ y tá trong khoa thuê giúp. Sau Covid, người chăm bệnh thuê cũng dính Covid nhiều, có người mất, có người ốm nặng rồi sợ, bỏ về quê không lên nữa. Chỉ y tá mới biết chính xác ai còn làm, ai làm tốt, hiểu ý bác sỹ y tá, chăm bố mẹ mình đúng cách". Lại cẩn thận dặn thêm:  "Bà già tôi lại mới nhập viện nửa tháng, tôi vừa thuê , giá lên rồi nhé: 600 nghìn/ ngày, không còn giá 400 như mình thuê trước dịch đâu".

Lại một "dây chuyền công nghệ" chăm sóc người già được chuyển giao, trong đó, tiền chỉ là yếu tố "cần", để "đủ", vẫn là "chọn người khoẻ mạnh, nhẹ chân nhẹ tay, biết nói chuyện với các cụ nhé. Nói bé các cụ không nghe được mà nói to lại giật mình, dỗi . Hiền quá các cụ bắt nạt, không chịu ăn uống đúng giờ, mà phải đứa hỗn nó sẵng cho, lại rơm rớm nước mắt chiều đợi con vào "tố khổ", bệnh đang nhẹ thành nặng ngay".

Nhưng nỗi khổ sở của người già và sự canh cánh khó xử của người trẻ lẫn không còn trẻ lắm không phải đợi đến khi cha mẹ ốm đau nặng, nhập viện mới diễn ra,nó bắt đầu ngay từ những sự nhầm lẫn, quên quên nhớ nhớ của tuổi cuối trung niên, và thực sự trở nên nghiêm trọng khi người ta về hưu. 

Không còn quyền lực và đột ngột sút giảm về thu nhập, người già sa vào cơn khủng hoảng thứ nhất. Chuyện cười về những ông-vốn-là sếp cứ 7 giờ sáng cắp cặp đứng cổng đợi xe đến đón là một phần nhỏ của thực tế, phần thực tế khác lớn hơn là rất rất nhiều bậc cha mẹ phải làm quen với việc ở nhà cả ngày, cố tìm việc làm cho hết ngày trong những căn nhà không lấy gì làm rộng, đợi con cái đi làm về.

Nhiều ông bà phải học cách chơi với cháu, quen với sự ầm ĩ khi chúng từ trường về, quen với "tam đại đồng đường" mà trước kia họ chỉ thực sự phải chịu đựng 2-3 tiếng buổi tối.

Mâu thuẫn thế hệ trước đây được lấp đi bằng cách cùng nhà nhưng ít gặp, hoặc xoa dịu bằng những khoản "bố mẹ giúp tiền học cho cháu, tiền mua xe cho con" nay không còn nữa . Họ khủng hoảng lần thứ hai.

Và người già bắt đầu tìm lối thoát tuổi già bằng rất nhiều hình thức mà người trẻ thấy kỳ quặc, khó hiểu, tội nghiệp.

Các lão bà tụ tập đi lễ triền miên từ Tết đến Rằm thánh giêng, từ lễ chùa Hương đến lễ bà Chúa Xứ, từ Chùa Bái Đính sang Chùa Ba Vàng, từ điện Hòn Chén đến Phủ Giầy... bế cháu thì đau chân mà leo núi thì cứ thong thả từng bước từ chân lên đỉnh bỏ qua cáp treo "vừa không thành tâm vừa tốn kém".

Các cụ ông thì sáng đến tối tụm lại trà lá bàn thế sự, toàn những chuyện vĩ mô, rồi tranh cãi đến đỏ mặt tía tai, đập bàn đập ghế, quên mất ấm nước đang sôi, nồi cá trên bếp con nhờ trông trước khi đi làm, rồi cổng quên khoá, bếp thì khói um hàng xóm tưởng cháy nhà, trộm vào sân khua sạch mấy thứ đồ trang trí bày trước cửa... 

Chưa hết, các cụ còn không ai bảo ai, mua vô số thứ vô dụng giá cắt cổ trên mạng, thuốc tốt con mua cho thì vứt lăn vứt lóc còn mấy viên giả dược bọn lừa đảo dỗ ngon dỗ ngọt thế nào mà dốc sạch lương hưu, rồi nâng niu uống như được ngự y ban cho.

Rồi "rủ nhau" ăn rồi bảo chưa, cơm nhà đủ dinh dưỡng thịt cá canh rau nhất định không vừa miệng, cứ phải nhai lương khô, cá khô, mì hai tôm sống rồi cùng "hội đồng" tố con cái bất hiếu... 

Hàng ngàn hàng vạn những câu chuyện "cười ra nước mắt" về đấng sinh thành được bọn hậu sinh chia sẻ với nhau khiến xã hội chợt giật mình nhận ra : người già của chúng ta hình như đang không Sống, mà chỉ đang Tồn Tại nốt phần đời còn lại. 

Thời gian của họ trôi qua trong cảm giác mình là người thừa của gia đình và xã hội. Và càng tụ tập lại với nhau, sự cô đơn của người già càng quện lại thành một khối lớn hơn.

Theo thống kê dân số mới nhất thì tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đang là 75 tuổi, và tỉ lệ người già (trên 65 tuổi) là 5,5%. 5,5% với hơn 99 triệu dân là một con số không nhỏ và nó sẽ còn tăng liên tục vì tuổi thọ tiếp tục được nâng cao và tỉ suất sinh đang giảm nhanh chóng do nhận thức và quan điểm sống của bộ phận dân cư trẻ. 

Như vậy, người già và cuộc sống, tâm sinh lý, mức hưởng thụ an sinh của người già sẽ là một vấn đề rất lớn của tương lai. Mức sống của xã hội Việt nam hiện tại chưa thể cho phép có những chăm sóc đặc biệt cho người già như các nước phát triển. Nhưng những thay đổi về nhận thức cũng như phương thức tích luỹ cho cuộc sống của người già cần phải được bắt đầu ngay từ bây giờ. 

Tham khảo giá dịch vụ chăm sóc người già, chúng tôi thực sự chóng mặt khi biết nó có thể dao động từ 9 triệu (giá trước dịch Covid) đến ...vô cùng. Trong khi, lương một ông Thứ trưởng (cao nhất trong ngạch công chức - Bộ trưởng là chính khách, tạm không tính) về hưu là 12 triệu. Vậy cách nào để tuổi già an vui? 

Mùa Vu lan, bao nhiêu món quà đang được dâng lên cha mẹ tổ tiên trên ban thờ, bao nhiêu nhớ thương đang bay lên theo hương khói, bao nhiêu món quà báo hiếu đang được hối hả gửi đến các bậc sinh thành qua đường máy bay, xe máy và cả ... hình ảnh trên mạng xã hội. 

Làn sóng báo hiếu dịp rằm tháng Bảy hình như cũng làm con người ta bớt hối hả, xã hội như chậm lại một nhịp so với những xô bồ thường nhật, ngoái lại với những tình cảm gia đình, và với người già.    Nhưng bên dưới làn sóng hiếu thảo đó, những thân phận cô độc tuổi già, những nỗi niềm bất lực vì không thể báo hiếu của tuổi trẻ và cả tuổi không còn trẻ, càng ngấm ngầm càng cuộn lên không kém phần dữ dội.  

Nhưng cũng hình như, mọi thứ chỉ dừng lại ở tính mùa vụ, phong trào, quà cáp và những lời biết ơn có phần thậm xưng và hoa mỹ. 

Bởi, hiếu thảo với cha mẹ vốn là phần tất yếu của đạo làm người, là lẽ đương nhiên của một xã hội văn minh biết tôn trọng bộ phận người cao tuổi đã đóng góp nhiều nhất cho xã hội. Người già cần nhất là an vui , nên "báo hiếu" nên và cần là tinh thần của xã hội, chứ không phải chỉ rộ lên vào mùa Vu Lan.