"Dao mổ giá rẻ phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh". Vị giám đốc của một bệnh viện hạng đặc biệt (cả nước chỉ có 6 bệnh viện hạng đặc biệt như vậy) nói rằng đó là sự bức xúc của một bác sĩ trưởng khoa ngoại dưới quyền ông: Trước đây dùng dao mổ tốt thì không có vấn đề gì, sao nay lại mua dao rẻ?
Phát biểu này như một quả bom tấn nổ giữa bàn hội nghị, gây bất ngờ cho bất cứ ai được nghe. Con dao mổ với bác sĩ ngoại khoa cũng giống khẩu súng của người chiến sĩ. Trao cho những "chiến sĩ áo trắng" những vũ khí như vậy, thì họ chiến đấu với tử thần như thế nào, sẽ cứu chữa bệnh nhân như thế nào?
Có nhiều ý kiến trái ngược xoay quanh phát biểu này của vị giám đốc. Có người đồng tình, có người lại cho rằng ông đã nói quá lên. Có người lại bảo: Đấy chỉ là ước lệ. Y khoa là lĩnh vực chuyên sâu, khó hiểu với số đông, ông giám đốc ví von như thế để cấp trên dễ hình dung ra khó khăn của các y bác sĩ.
Trước hết, không thể phủ nhận rằng cơ chế đấu thầu mua sắm công đối với các thiết bị y tế, thuốc men của ngành y hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Lấy ví dụ: Các thiết bị y tế tham gia đấu thầu phải đáp ứng đủ các chỉ tiêu kĩ thuật theo qui định; nhưng không phải bất cứ đặc tính nào của thiết bị y tế cũng có thể được mô tả rõ ràng, hay lượng hóa theo các chỉ tiêu kĩ thuật.
Điều đó dẫn đến tình trạng: Khi chấm thầu, loại thiết bị rẻ nhất và "đạt tiêu chuẩn" sẽ được lựa chọn. Tuy nhiên, ngoài những tiêu chuẩn kĩ thuật được qui định trên giấy tờ, có rất nhiều đặc tính khác của thiết bị y tế, mà chỉ có các y bác sĩ trực tiếp sử dụng chúng mới có thể cảm nhận được.
Trên giấy tờ, một loại ống xông (sonde) hút dịch của hãng A cũng đạt chỉ tiêu kĩ thuật như loại của hãng B, mà lại rẻ hơn 1/3 giá tiền. Đương nhiên hãng A thắng thầu. Thế nhưng, chỉ có các y bác sĩ trực tiếp cắm xông để hút dịch phế quản cho bệnh nhân mới hiểu: Chiếc ống hút của hãng A cứng hơn nhiều so với hãng B. Chế tạo như vậy sẽ rẻ hơn, nhưng sẽ tăng rủi ro làm tổn thương niêm mạc hô hấp của người bệnh, gây chảy máu.
Những đau đớn kể trên của người bệnh, những rủi ro mà bệnh nhân phải gánh chịu, trước hết xuất phát từ những bất cập của cơ chế, chính sách. Những tiếng nói của các bác sĩ - với tư cách là người trực tiếp cứu chữa bệnh nhân - đã không được lắng nghe đầy đủ.
Việc tiếp tục hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế là việc bắt buộc phải làm, và phải quyết tâm thực hiện vì lương tâm với người bệnh.
Tuy nhiên, cũng không thể không nhắc lại việc này: Trước khi ngọn lửa chống tham nhũng đốt cháy các "thanh củi" mặc áo blouse trắng, trước khi các cán bộ quản lí y tế liên tiếp "vào lò" vì các tội danh liên quan đến tham nhũng và chức vụ, thì việc đấu thầu thiết bị y tế vẫn diễn ra suôn sẻ và trôi chảy. Các thiết bị y tế kém chất lượng, thuốc giả vẫn tìm ra con đường của mình để đi vào các bệnh viện.
Thật cay đắng: Tiếng nói của các y bác sĩ, nỗi đau của bệnh nhân không thể giúp thông qua các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế, nhưng đồng tiền tham nhũng thì có thể!
Theo qui định của pháp luật đấu thầu mua sắm công nói chung, đấu thầu thiết bị y tế nói riêng, dù là đấu thầu một giai đoạn hay hai giai đoạn, một túi hồ sơ hay hai túi hồ sơ, thì các chỉ tiêu kĩ thuật vẫn luôn được coi trọng. Trước hết, thiết bị y tế dự thầu phải đạt được các tiêu chuẩn kĩ thuật cần thiết, rồi mới so sánh đến yếu tố giá cả.
Sẽ rất khó để giải thích cho công chúng: Như thế nào là một con dao mổ tốt? Nhưng rõ ràng: Con dao mổ giá rẻ rạch 3 lần mới qua da người bệnh thì không thể là con dao mổ tốt, thậm chí còn là con dao mổ không đạt tiêu chuẩn.
Vậy thì cái gì đã đưa con dao mổ không đạt tiêu chuẩn vào bàn tay bác sĩ ngoại khoa, ở một trong 6 bệnh viện hạng đặc biệt hiếm hoi của cả nước? Đó là do cơ chế đấu thầu, hay trong đó có cả những nguyên nhân tiêu cực khác?
Không phủ nhận rằng cơ chế chính sách, hành lang pháp lý về đấu thầu mua sắm thiết bị y tế ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, cũng không thể quên những hiện tượng tiêu cực, những "con sâu" trong hàng ngũ các thầy thuốc.
Trong làm chính sách, hiện tượng "mặc cả chính sách" vẫn luôn xảy ra; ví dụ như các doanh nghiệp lớn luôn tìm cách để xin các ưu đãi từ chính quyền. Tầm quan trọng của các doanh nghiệp đó với bộ mặt kinh tế địa phương khiến cho nhiều cơ quan quản lí phải dành cho họ những ưu đãi đặc biệt để giữ chân nhà đầu tư.
Tính mạng, sức khỏe của con người là một vấn đề đặc biệt quan trọng. Thế nhưng, không phải vì nó quan trọng, mà các nhà quản lí y tế lại có thể dùng nó để "mặc cả chính sách". Việc bắt người bệnh làm "con tin" bằng những con dao mổ kém chất lượng, để rồi "mặc cả chính sách" với Nhà nước là điều không thể chấp nhận được trong bất cứ tình huống nào.
Một bác sĩ trực tiếp cứu chữa bệnh nhân có thể phàn nàn về chất lượng con dao mổ mà anh ta được cung cấp. Thậm chí, đôi khi anh ta còn phải vận dụng những "luật ngầm" của ngành y để có được những con dao mổ tốt hơn (gia đình thông cảm, hạng mục này bảo hiểm y tế không chi trả, nên…).
Thế nhưng, vị giám đốc của bệnh viện hạng đặc biệt duy nhất ở khu vực phía nam, một nhà quản lí cấp cao trong ngành y tế, thì không thể mang chuyện "dao mổ giá rẻ phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh" để "mặc cả chính sách" với Chính phủ và Bộ chủ quản.
Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, nhưng chắc chắn pháp luật đấu thầu đòi hỏi phải mua sắm những trang thiết bị y tế đủ tiêu chuẩn, đủ chất lượng, rồi mới bàn đến yếu tố giá cả. Nếu như trao con dao mổ kém chất lượng vào tay bác sĩ, thì trách nhiệm trước tiên thuộc về giám đốc bệnh viện.
Trong tiểu thuyết "Lời thề Hyppocrat" của bác sĩ - nhà văn Phan Cao Toại (đã được dựng thành phim năm 2001), có một trích đoạn ngắn nhưng ấn tượng: Một bệnh nhân đã chết vì bác sĩ xử trí sai. Trong buổi kiểm thảo tử vong, có ý kiến cho rằng "đằng nào bệnh nhân cũng chết", vì bệnh viện không còn máy lọc máu để cứu chữa cho anh ta. Vẫn biết là còn nước còn tát, nhưng không còn nước thì lấy gì mà tát?
Lấy lương tâm của mình ra mà tát! Nhân vật phó giáo sư Kha, người chủ trì buổi kiểm thảo đã nói một câu đáng suy ngẫm. Cứu chữa đến cùng những người bệnh mà ta biết chắc sẽ chết, chính là làm yên lòng những người bệnh khác. Dù trang thiết bị y tế còn nhiều khó khăn, nhưng hết lòng cứu chữa bệnh nhân là lời thề, là lương tâm, là đạo đức của các y bác sĩ.
Lấy lương tâm của mình ra mà tát! Khi ốm đau, người dân mong đợi ở các y bác sĩ một điều giản dị như thế.