Giữ Hồ Tây cho Hà Nội: Vẫn là câu chuyện hợp lý và minh bạch
Giữ Hồ Tây cho Hà Nội: Vẫn là câu chuyện hợp lý và minh bạch
Mỹ Linh
Thứ sáu, ngày 19/08/2022 13:57 PM (GMT+7)
Mấy hôm nay trên báo chí cũng như mạng xã hội xôn xao không ngừng về công trình lớn sắp được xây dựng: Nhà hát Opera mới của Hà Nội. Điều này bình thường nhưng cũng bất thường.
Bình thường là bởi xưa nay công trình lớn nào sắp được xây dựng mà chẳng có những ý kiến tranh luận. Tính tích cực của nó là cho thấy một xã hội mà người dân mong muốn được đóng góp ý kiến một cách công khai, minh bạch vào những vấn đề xã hội, quan tâm đến những gì đang diễn ra của đất nước chứ không mũ ni che tai. Sự bất thường là lẽ ra những công trình ấy – được coi là có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước sẽ phải được người dân hồ hởi chào đón, thì lại gây nên tranh cãi gay gắt.
Bỏ qua chuyện xấu đẹp.
Tính thẩm mỹ của một công trình dựa trên nhiều yếu tố, đôi khi giá trị thẩm mỹ ấy không phải ngay lập tức thuyết phục được công chúng. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, nhiều công trình văn hoá, kiến trúc nổi tiếng thế giới khi bắt đầu manh nha xuất hiện cũng đã gây nên tranh cãi. Toà nhà của Bộ Ngoại giao Đức, Kim tự tháp bằng kính trước cửa Bảo tàng Louvre hay thậm chí cả Tháp Eiffel, không phải được người Đức hay Pháp hào hứng tức thời.
Lịch sử của nước Pháp cũng ghi lại, khi Georges-Eugène Haussmann – chính trị gia và tỉnh trường vùng Seine ( hiện tại là tỉnh Ile de France bao gồm Paris và vùng ngoại ô ) quyết định cải tạo Paris, đập đi những khu phố ổ chuột hay những con đường nhỏ hẹp của Paris cũ kỹ thiếu vệ sinh để tạo nên một Paris hoàn toàn mới mẻ với những đại lộ rộng lớn của tương lai thì cũng vấp phải nhiều ý kiến cho rằng ông đã khiến Paris mất đi dáng vẻ cổ kính.
Tuy vậy, dù người Pháp và Đức có tranh cãi về sự xấu đẹp, thì có một điều mà họ không thể tranh cãi, đó là tính hợp lý và minh bạch của những dự án ấy.
Kim tự tháp trước bảo tàng Louvre của kiến trúc sư Leoh Ming Pei ( kiến trúc sư Mỹ gốc Hoa ) với lý thuyết mạch lạc về tính đối thoại giữa lịch sử và hiện đại của kiến trúc, là công trình tưởng nhớ và ghi nhận công lao của Napoleon đối với nước Pháp.
Cũng tương tự, toà nhà của Bộ ngoại giao Đức là công trình đánh dấu cho một nước Đức thống nhất, với chất liệu gỗ lấy từ những cánh rừng Đức và là sự hợp tác giữa các kiến trúc sư Đức - Pháp – cho thấy sự mong muốn mở ra một nước Đức cầu thị và sẵn sàng thay đổi tính hợp lý khô khan bằng sự bay bổng lãng mạn hơn của người Pháp.
Những khu phố và đại lộ rộng lớn của Paris, dù có phải phá đi 18.000 ngôi nhà trong suốt gần 20 năm quy hoạch lại thành phố thì người Pháp cũng biết rằng, đổi lại họ sẽ có những ngôi nhà lộng lẫy và đồng nhất về kiến trúc, những đại lộ lớn dành cho oto trong tương lai và những tài sản ấy THUỘC VỀ QUỐC GIA.
Như vậy, dù có tranh cãi kịch liệt, thậm chí Kim tự tháp Bảo tàng Louvre còn trở thành công cụ để các đảng phái chính trị Pháp chỉ trích nhau thì người Pháp – vẫn có thể biết được, những công trình sẽ đi vào lịch sử của đất nước họ có xuất phát điểm thế nào, dựa trên lý thuyết gì và không ai khác, chính họ sẽ là chủ nhân tương lai của những công trình ấy.
Quay lại những xôn xao trong những ngày gần đây.
Tôi nghĩ nguyên nhân của sự xôn xao chẳng phải bởi công trình xấu hay đẹp mà là tính hợp lý cũng như sự minh bạch của nó.
Nếu chỉ có trí nhớ không cần quá minh triết thì cũng có thể nhớ được rằng vào năm 2010, một cuộc thi kiến trúc quốc tế đã được mở ra dành cho công trình nhà hát Thăng long. Báo chí ồ ạt đưa tin, tên tuổi của hai công ty tư vấn là Renzo Piano Building Workshop và Norman Foster & Partners được nhắc đến như những nhà tư vấn tốt nhất cho dự án và Renzo Piano là người thắng giải, một cuộc triển lãm sau đó đã được tổ chức tại bảo tàng Hồ Chí Minh để công bố dự án.
Cùng thời điểm, dự án xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia lại cũng được phê duyệt.
Như vậy là người Hà nội cầm chắc có hai công trình lớn của quốc gia sẽ được xây dựng tại khu vực tây hồ Tây.
Rồi im lặng.
Rồi chưa xây.
Rồi không có tiền xây.
Rồi đất xây nhà hát dù được thông báo là đã giải toả mặt bằng và đền bù thì chuyển đổi công năng khác.
Rồi lại một dự án mới mọc lên với nhà hát đi kèm, trên một nền đất mới với những cuộc giải toả mới.
Nghĩa là – người dân sẽ phải chịu những xáo trộn mới.
Những ký ức cộng đồng gắn liền với các di chỉ cũ vô cớ mất đi.
Người dân thì chưa thấy tính hợp lý của nó ở đâu, tính minh bạch của nó cũng vậy.
Sao phải là Đầm Trị?
Sao không phải Tây hồ Tây như trước?
Sao lại một bản thiết kế mới khác hoàn toàn với bản thiết kế đã được thông qua vào năm 2010?
Cộng đồng bản địa ở đó được hưởng lợi ích gì?
Quốc gia được lợi gì?
Lợi ích đó có mâu thuẫn với lợi ích khác của người dân không?
Việc người dân đặt ra những câu hỏi, đưa ra những ý kiến là hoàn toàn chính đáng.
Không có công dân một quốc gia nào thực sự yêu đất nước mình, quan tâm đến những vấn đề của quốc gia lại tự tước đi cái quyền được quan tâm đến những vấn đề của nơi minh sinh sống.
Chẳng có sự đối đầu nào.
Cũng chẳng có sự ngờ nghệch chống lại phát triển nào, chỉ là quyền được được thấy trước tương lai của bản thân, của cộng đồng mà mình sinh sống.
Vẫn nhắc lại câu chuyện 18 năm đập phá và quy hoạch lại toàn bộ Paris của tỉnh trường Haussman, dù mở ra những đại lộ lớn nhưng Haussman không phá bỏ những con ngõ có mái che len lỏi giữa các đại lộ hay khu phố rộng lớn bởi nó là một phần quan trọng của ký ức Paris.
Ở đó người dân đã sinh sống, buôn bán, sinh hoạt cộng đồng – tạo nên dáng vẻ và không khí cho thành phố.
Dù mở rộng Paris, sáp nhập thêm những khu đồi như Montmartre vốn là ngoại ô vào thành phố thì những vườn nho trên đỉnh đồi vẫn được giữ lại một phần để lịch sử không biến mất, để người Paris ngày hôm nay vẫn có được mối liên hệ với quá khứ - thông qua những không gian gắn liền với những ký ức của cả một cộng đồng.
Ông đã không sai – ngày hôm nay, chính những ngõ nhỏ, đồi nho đã trở thành điểm du lịch cho khách tham quan, muốn thấy một Paris đa diện, hiện đại và cổ kính. Lịch sử Paris được giới thiệu và viết ra bằng chính sự đối thoại của kiến trúc, của nhịp sống thành phố, của những ký ức cộng đồng được lưu giữ và tiếp nối. Và quan trọng nữa – là người Paris không thấy họ bị bứt ra khỏi đời sống của chính mình.
Phát triển bền vững hài hoà giữa thiên nhiên và con người, giữa cổ kính và hiện đại, giữa văn hoá bản địa và du nhập, giữa ký ức và cái mới chưa bao giờ là bài toàn giản dị cho bất cứ quốc gia nào.
Vậy chuyện người Hà Nội nghĩ về điều không giản dị ấy chẳng phải là một may mắn ư? Nếu một cộng đồng không còn chút trí nhớ nào về quá khứ, không có luyến tiếc nào cho những gì gắn với lịch sử của cộng đồng mình thì thật bất hạnh – chẳng khác nào người mang một trí nhớ suy tàn.
Còn tồi tệ hơn nữa khi một cộng đồng không bao giờ đặt bất cứ câu hỏi nào về tương lai, về môi trường sống của mình thì đó cũng là một cộng đồng phó mặc tương lai cho hiện tại.
Thế nên, nếu một cộng đồng vẫn còn nghĩ về nơi mình sống, đặt câu hỏi về nó thì đã là may mắn.
Nhưng có lẽ sẽ may mắn hơn khi những câu hỏi ấy không chỉ là độc thoại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.