Cần bạch hóa: Hối lộ hay quà tặng?

Quốc Phong Thứ sáu, ngày 29/07/2022 13:02 PM (GMT+7)
Mời nhau, tặng nhau chai rượu, điếu xì gà đắt tiền là hối lộ hay quà tặng? Ông tướng Cảnh sát biển nhận hàng tỉ đồng là hối lộ hay quà tặng?
Bình luận 0

Câu chuyện mấy tướng Cảnh sát biển bảo kê cho một đường dây buôn lậu xăng dầu ngoài biển vừa gây bức xúc vừa đáng buồn cho xã hội, khi có những đảng viên, quan chức tha hoá và nguỵ biện trước các cơ quan pháp luật đến độ cười ra nước mắt.

Theo luật, tội nhận hối lộ được cấu thành do lỗi của người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian, đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ 2.000.000 đồng.

Cụ thể: Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354, Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015, theo đó mức xử lý hình sự được áp dụng đối với trường hợp nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc nhận hối lộ là lợi ích phi vật chất. Các mức án tù tương đương cũng được quy định rất rõ tại điều 354. 

Một luật sư từng phân tích trên mạng xã hội, đối với chủ thể, hành vi nhận hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian, đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kì hình thức nào. Đối với trường hợp nhận  lợi ích phi vật chất (tạo mối quan hệ, hối lộ bằng cách tặng thưởng, bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, nâng điểm thi…), việc xác định giá trị của lợi ích không có tính bắt buộc.

Về hình thức thực hiện, BLHS năm 2015 đã mô tả hành vi nhận hối lộ là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào (…) cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ". 

Với quy định này, hành vi nhận của hội lộ cho bên thứ ba được hưởng lợi (người hoặc tổ chức khác) cũng được coi là hành vi phạm tội nhận hối lộ.

Luật pháp đã quy định rõ. Song, trong thực tế hiện nay, khi xét xử người phạm tội nhận hối lộ lại chưa minh bạch như vậy. 

Cần bạch hóa: Hối lộ hay quà tặng? - Ảnh 2.

Nhiều loại cigar đắt tiền đã xuất hiện ở Việt Nam và trở thành quà biếu tặng. Ảnh minh họa.

Thử hỏi đã có ai nhận hối lộ 2.000.000 đồng hoặc cả chục triệu đi nữa đã bị xử tù như khung của hình phạt nói trên?  Một cựu bộ trưởng thừa nhận cầm đến 3 triệu đô la lại quả mà vẫn cố cãi lấy được. Chỉ đến khi bị toà tuyên kịch khung tử hình, ông ta mới chịu nộp để khắc phục hậu quả, hầu mong được giảm án. 

Vì những chuyện như thế, nhìn từ góc độ pháp luật thì việc thực thi chưa nghiêm túc.

Luật hiện hành còn nêu rằng, nhận 1 tỷ đồng thì đã có thể tử hình hoặc chung thân. Nhưng bây giờ, nhận đến tầm 6 tỷ đồng như mấy tướng Cảnh sát biển nọ, nếu đã khắc phục hậu quả và xét thành tích công tác thì mức án tù cũng chỉ trên chục năm...

Điều này rất đáng suy nghĩ, nhất là đây lại là những ông tướng, người nhận đến 6,2 tỷ trong một thời gian dài để bảo kê cho đường dây buôn lậu mà nói dẻo quẹo rằng đó chỉ là quà biếu chứ ông ta không nhận hối lộ! 

Biết rằng đây là những cải cách tư pháp khi chúng ta cố gắng hạn chế án tử hình, nhưng với người dân, những bức xúc với nạn tham nhũng khiến họ tâm tư rằng bản án không đủ nghiêm minh. 

Trong thực tế hiện nay, các cơ quan tham mưu nếu điều chỉnh, sửa đổi Luật chống tham nhũng thì cũng nên xem xét lại để xác định rõ các khái niệm như thế nào là quà biếu và thế nào là nhận hối lộ.  Nếu không, các cơ quan pháp luật điiều tra, xét xử sẽ rất khó. 

Có lẽ không nên lấy mức 2 triệu đồng nhận của người khác là tội nhận hối lộ mà nên quy ra một mức nào đó tương đương mấy lần hệ số lương cơ bản tối thiểu thì sẽ dễ hơn cho cách định tính và định lượng hiện nay.  Đây là chuyện cần đưa ra bàn sớm.

Ở nước ngoài đã có các quy định rất rõ: Là công chức, là người có chức vụ không được nhận quà tặng quá một mức nào đó, có khi chỉ là 100 USD, bởi việc nhận quà tặng hơn thế đã đủ để coi là vụ lợi, là có thể tác động đến hành vi và việc ra quyết định.

Nhận quà và tặng quà trong các dịp lễ, tết, sinh nhật… vốn là thói quen bình thường trong văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, đối với người có chức vụ, quyền hạn làm việc trong cơ quan nhà nước, vấn đề này lại rất tế nhị và cũng rất dễ biến tướng thành một kênh tham nhũng. 

Do đó, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 30/10/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng đã có những điều khoản cụ thể liên quan đến vấn đề tặng quà, nhận quà đối với người có chức vụ, quyền hạn.

Song theo tôi, nó vẫn còn khó khi vận dụng để xử lý hành chính hoặc luật pháp với cá nhân, tổ chức vi phạm. 

Sẽ rất khó để quy tội nếu như trong một bữa cơm đãi đằng một quan chức, người ta chỉ gọi "mồi" không đến 2 triệu để tránh vi phạm. Thế nhưng ngay trong  chính cuộc nhậu tưởng như"rẻ hều"này, họ lại có thể đem tới nhà hàng chai rượu giá có khi vài chục triệu đồng, họ mời hút điếu cigar có giá đến dăm bảy triệu đồng. Như vậy có phạm tội" ăn hối lộ" và  tội "hối lộ dạ dày" không?

Trong thực tế , như một chủ nhà hàng hạng VIP tại Hà Nội mới đây có tiết lộ với tôi  về giá trị của những điếu cigar hiện có ở Việt Nam. Ông nói, thông thường bây giờ người ta mời các quan chức điếu thuốc đến vài triệu đồng 1 điếu chứ không chỉ có giá ngót triệu như trước. Loại giá ngót triệu đó đã trở thành bình dân lắm rồi. Hiện ngay tại Việt Nam cũng đã xuất hiện những điếu cigar giá đến 100 triệu 1 điếu! 

Trên thế giới, theo ông chủ, đã có điếu cigar trị giá đến trên 300 triệu đồng (13-14  tỷ đồng Việt Nam 1 hộp). Song chỉ rất ít người mua nổi. Nó không phải do đắt mà do người ta cố tình sản xuất cực kỳ ít để tạo nên sự sang trọng với ai được hưởng thụ. Nếu ai mua được thì xem như may mắn và người nhận cũng thấy trang trọng, hãnh diện. Sản phẩm phải được săn đón ghê gớm, được người mua đăng kí dự phiên đấu giá mới kiếm nổi.

Thế thì ngày lễ, ngày tết họ đi thăm nhau, thăm cấp trên mà phong bì chỉ gần 2 triệu kèm với chai rượu hoặc hộp cigar đắt tiền – đó là hối lộ hay quà tặng?

Tóm lại, để khép tội hoặc để kỷ luật ai đó vi phạm khuyết điểm về chuyện ăn nhậu xa hoa lãng phí đến mức không bình thường,  cho đến quy tội ăn nhậu mang tính tiêu cực, hối lộ khéo léo… tất cả rất cần được pháp luật có những chế định một cách rõ ràng, kỹ càng hơn. Nếu không, chúng ta sẽ làm khó cho các cơ quan pháp luật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem