Những ngày đầu tháng 11/2022, PV Dân Việt trở lại vùng đất huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nơi cách đây 5 năm người dân phải hứng chịu trận bão Damrey tấn công. Mặc dù hiện nay cuộc sống có phần nhộn nhịp, không khí buôn bán ở các chợ tấp nập hơn, tuy nhiên để bám trụ với nghề biển thì hầu hết nhiều người vẫn còn ngao ngán.
Bà Trần Thị Xuân Thảo (tổ 4, thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh) cho biết: "Cơn bão năm 2017 làm mất trắng 40 ô lồng nuôi tôm hùm trị giá 4 tỷ đồng của gia đình, toàn bộ tài sản coi như bị mất trắng. Sau trận bão, tôi còn phải nợ ngân hàng với số tiền 300 triệu đồng".
Bà động viên chồng "ngã chỗ nào đứng lên chỗ đó, còn người thì còn của". Sau cơn bão, gia đình bà cũng ven theo vịnh nhặt lại các cành củi, thu gom các vật liệu bị trôi dạt để tận dụng làm lồng mới, đồng thời mượn thêm tiền từ ngân hàng, anh em trong gia đình để làm lại. Vì không có nhiều vốn, gia đình bà hiện nay chỉ làm lại khoảng 24 lồng bè nuôi tôm trên vịnh Vân Phong.
Bà Thảo cho biết thêm, số tiền nợ gần 1,5 tỷ đồng vay vốn để làm ăn, do việc nuôi trồng những năm sau bão không có lãi nên gia đình đành phải bán mảnh đất để trả nợ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mỹ Rơi (49 tuổi) là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Damrey tại thị trấn Vạn Giã, cơn bão đã cướp đi sinh mạng của ông Võ Tấn Liêm (chồng bà) cùng hàng trăm ô lồng nuôi tôm hùm trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Bà Rơi kể: "Lập gia đình tại vùng đất này, cùng chồng làm nghề nuôi tôm hùm hơn 15 năm, nhưng chưa bao giờ nghĩ lại có một cơn bão lớn như bão Damrey. Trong một ngôi nhà gần bờ biển ở thị trấn, nét mặt bà đượm buồn khi kể về sự kiện đau thương gần 5 năm trước".
Sau cơn bão, cả gia đình bà Rơi mất trắng, cùng với số nợ ngân hàng hơn 1,8 tỷ đồng. Sự cố đó khiến bà phải bán đi mảnh đất ở TP. Nha Trang để trả nợ. Nỗi ám ảnh khiến bà Rơi không muốn quay trở lại với nghề nuôi tôm hùm.
"Sau khi lo hậu sự cho chồng, tôi bị ám ảnh một thời gian dài, bà ra nước ngoài sống với con một thời gian, mọi vốn liếng trong nhà cũng bán đi để trả nợ. Bây giờ cứ nghĩ đến việc ra biển, nuôi tôm là sợ. Nếu sau này mấy đứa trong nhà có theo nghề này tôi cương quyết không cho theo" - bà Rơi nói.
Ông Trương Triệu - Tổ trưởng tổ dân phố 4, thị trấn Vạn Giã cho hay, trước đây người dân có cuộc sống khấm khá nhờ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Kể từ sau cơn bão năm 2017 càn quét làm cho nhiều hộ trắng tay. Tình hình dịch bệnh những năm gần đây, cộng với biên giới phía bắc bị chặn, hàng không xuất đi được, giá cả vật tư tăng nên việc làm ăn của ngư dân thua lỗ. Trước tình hình trên khiến cho cuộc sống người dân ngày càng khó khăn.