Ngôi miếu thờ vị tướng quân ở Khánh Hòa có "cụ" cây dầu kỳ lạ, một gốc hai thân, hơn 200 năm tuổi

Công Tâm Thứ tư, ngày 29/06/2022 13:35 PM (GMT+7)
Trong thời gian qua, du khách đến tham quan TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) rất thích dừng chân tại miếu thờ Bình Tây đại tướng Trịnh Phong để thắp nén hương và ngắm cây dầu cổ thụ hơn 200 năm tuổi rất kỳ lạ khi có 1 gốc nhưng lại 2 thân.
Bình luận 0

Từ trung tâm thành phố Nha Trang đi theo đường 23/10 về hướng ngã ba Thành (thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) mọi người rất dễ dàng nhìn thấy ngôi miếu và cây dầu đôi cổ thụ. 

Khám phá ngôi miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong ở Khánh Hòa - Ảnh 1.

Ngôi miếu được lãnh đạo địa phương và du khách thường xuyên đến thắp nén hương tưởng niệm và tham quan. Ảnh: C.T

Cây dầu đôi "khổng lồ" tạo bóng mát cho người dân Diên Khánh

Trước khi bước vào ngôi miếu, du khách được tận mắt nhìn thấy cây dầu đôi nằm sát ngôi miếu cao khoảng 30m, gốc to đến ba bốn người ôm, cành lá sum xuê tươi tốt quanh năm. Dưới gốc dầu, nhiều hàng quán ven đường cùng lữ khách đường xa đi qua được tán lá che nắng che mưa.

Khám phá ngôi miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong ở Khánh Hòa - Ảnh 2.

Cây dầu đôi to cao che nắng, che mưa cho người dân và du khách. Ảnh: C.T

Các bậc cao niên ở huyện Diên Khánh cho hay, không ai biết rõ cây dầu đôi bao nhiêu tuổi, nhưng khi xây dựng Thành Diên Khánh vào năm 1793 đã thấy cây dầu đôi cao lớn vươn mình hiên ngang ở khu vực này rồi. Cây có một gốc, hai thân to lớn và cho đến nay vẫn chưa có tài liệu xác định về tuổi đời của cây này. 

Clip: Miếu thờ Bình Tây đại tướng Trịnh Phong, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Bà Nguyễn Thị Mai (63 tuổi, người dân sống gần khu vực cây dầu đôi) cho biết: "Tôi sinh ra đã thấy cây dầu đôi, trải qua bao năm dãi dầu mưa nắng cây vẫn hiên ngang sống tươi tốt. Người dân quanh đây ai cũng yêu quý và có ý thức gìn giữ cây dầu này". 

Khám phá ngôi miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong ở Khánh Hòa - Ảnh 3.

Miếu Trịnh Phong (hay còn gọi là Miếu cây Dầu) được tạo dựng từ thập niên 90. Ảnh: C.T

Theo lời kể của các cụ cao niên trong vùng thì khoảng năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần cho cai cơ Hùng Ngọc Hầu vào khai hoang rừng, mở mang bờ cõi. Khi thấy cây dầu đôi to lớn vượt trội giữa rừng già, ngài hạ lệnh không chặt phá để tạo bóng mát. 

Trải bao thăng trầm lịch sử, cây dầu đôi không biết từ bao giờ đã nổi danh cả vùng đất này. Ngôi miếu thờ thủ lĩnh Trịnh Phong (người lãnh đạo nghĩa quân Khánh Hòa hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược do vua Hàm Nghi khởi xướng) cạnh đó cũng được người dân gọi với cái tên: Miếu cây dầu.

Miếu thờ Bình Tây đại tướng Trịnh Phong được du khách thường xuyên đến tham quan

Theo tìm hiểu của PV, miếu được xây dựng theo lối kiến trúc một gian hai chái trên diện tích khá rộng, có tường xây bao bọc chung quanh. Đầu mái uống cong, lợp ngói âm dương, miếu có giá trị tâm linh rất lớn trong đời sống của người dân nơi đây. 

Khám phá ngôi miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong ở Khánh Hòa - Ảnh 4.

Miếu có giá trị tâm linh rất lớn đối với người dân nơi này. Ảnh: C.T

Theo các bậc cao niên, Trịnh Phong sinh ra và lớn lên tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.  Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ nghệ, từng đỗ võ cử dưới triều Tự Đức nhà Nguyễn và làm quan đến chức Đề đốc. 

Đại tướng Trịnh Phong là tướng lĩnh dưới thời vua Hàm Nghi. Năm 1885, ông Trịnh Phong tham gia hưởng ứng phong trào Cần Vương chống giặc Pháp xâm lược và được nhân dân suy tôn làm Bình Tây Đại tướng quân trực tiếp chỉ huy Quân khu Nam, đóng quân tại Thành cổ Diên Khánh.


Khám phá ngôi miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong ở Khánh Hòa - Ảnh 5.

Những mái ngói âm dương được thiết kế rất đẹp thu hút người dân đến xem. Ảnh: C.T


Khám phá ngôi miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong ở Khánh Hòa - Ảnh 6.

Miếu thờ Trịnh Phong đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa. Ảnh: C.T

Với tài năng và đức độ của mình Đại tướng Trịnh Phong đã tập hợp được đông đảo binh sỹ và nhân một lòng theo ông đánh đuổi giặc Pháp lúc bấy giờ.

Thế nhưng, quân địch quá mạnh, lực lượng nghĩa quân ngày càng bị tổn thất, nhiều tướng lĩnh sa vào tay giặc và đến cuối tháng 8/1886, Đại tướng Trịnh Phong cũng bị giặt bắt. Chúng dùng đủ các chiêu mua chuộc, dọa nạt và uy hiếp nhưng Tướng Trịnh Phong vẫn nhất quyết không chịu khuất phục, cuối cùng chúng giết chết ông, nhân dân thương tiếc lập nên miếu thờ ông. 

Khám phá ngôi miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong ở Khánh Hòa - Ảnh 7.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1991. Ảnh: C.T


Ông Nguyễn Đức (bảo vệ miếu Trịnh Phong) cho biết: "Hàng năm cứ đến ngày 16/3, là chính quyền và địa phương đến dâng hương để tưởng nhớ. Ngôi miếu cũng thu hút nhiều đoàn của các tỉnh và các em học sinh đến tìm hiểu, học tập". 

Ngôi miếu hiện cũng là điểm đến của không ít du khách mỗi khi có dịp đến Nha Trang (Khánh Hòa).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem