Ngôi làng "sư phạm" ở Khánh Hòa có con, dâu, rể hàng chục năm bám trụ với nghề

Công Tâm Thứ tư, ngày 21/09/2022 13:00 PM (GMT+7)
Nói đến chuyện hiếu học ở Khánh Hòa, nhiều người nghỉ ngay đến làng Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm. Làng này nổi tiếng được nhân dân gắn với tên gọi "làng giáo viên".
Bình luận 0

Nằm cách trung tâm huyện Cam Lâm khoảng 8km, làng văn hóa thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam được mệnh danh là thung lũng sư phạm, làng dạy học, làng giáo viên, làng đưa đò. Bởi, nơi đây hầu hết các nhà đều có người làm nghề dạy học. 

Làng "sư phạm" ở Khánh Hòa - Ảnh 1.

Làng văn hóa Quảng Đức nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Ảnh: C.T

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, làng Quảng Đức được hình thành từ năm 1973 khi nhiều người dân ở tỉnh Quảng Trị di cư vào đây sinh sống. Mặc dù thời điểm ấy cuộc sống rất khó khăn trăm bề, nhưng đa số đều truyền nghề và ươm mầm cho con, cháu... tiếp bước sự nghiệp “trồng người”.

Làng "sư phạm" ở Khánh Hòa - Ảnh 2.

Nhiều con cháu được đến trường đến lớp học hành bài bản, dù khó khăn nhưng các gia đình đều cho con em học tập. Ảnh: C.T

Quảng Đức tràn đầy yên bình, con đường trải nhựa thông thoáng và những ngôi nhà khang trang mọc lên. Vừa đến đây, hỏi làng hiếu học hầu hết ai cũng đều biết và xem đây là niềm tự hào của người dân. 

Video làng hiếu học

Bà Phạm Thị Quỳnh Như - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam cho biết, địa phương xuất phát chủ yếu từ nghề nông, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng mì, mía, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia đình cho con, cháu theo học ngành sư phạm, kể từ năm 1975 đến nay vẫn có nhiều thế hệ nối tiếp nhau theo nghề này. 

Làng "sư phạm" ở Khánh Hòa - Ảnh 3.

Gia đình tộc họ Lê Đình Duận có truyền thống các con, cháu đều theo nghề sư phạm. Ảnh: C.T

Cụ thể, gia đình thầy Đỗ Hoằng có 6 người là giáo viên, trong đó cô Đỗ Ái Hằng (con gái thầy Hoằng) giáo viên ở Trường Tiểu học Cam Hiệp Bắc với trên 20 năm tuổi nghề. Gia đình thầy Nguyễn Đức Thương cũng có 6 người làm nghề giáo, gia đình cô Trịnh Thị Kim Lâu có 5 chị em thì 3 người dạy học, gia đình thầy Nguyễn Văn Bái, Phạm Văn Mỹ, Trần Văn Đắc cũng có con cháu, dâu, rể theo nghề.

Làng "sư phạm" ở Khánh Hòa - Ảnh 4.

Bộ mặt địa phương đã có nhiều thay đổi, kinh tế dần ổn định nhưng người dân làng Quảng Đức vẫn theo nghề dạy học. Ảnh: C.T

Ngoài ra, còn có gia đình tộc họ Lê Đình Duận, gia đình thầy Trịnh Quốc Nha đều có đông đảo con, cháu theo nghề sư phạm, một số người phấn đấu trở thành thạc sĩ, tiến sĩ. 

Theo bà Như, để duy trì và phát triển truyền thống này, trong những năm qua chính quyền và đoàn thể địa phương luôn quan tâm chăm lo hỗ trợ về vật chất, tinh thần và có khoảng 50% số hộ theo nghề giáo viên.

Làng "sư phạm" ở Khánh Hòa - Ảnh 5.

Các gia đình luôn quan tâm đến việc học tập. Ảnh: C.T

 Điều đó được thể hiện qua tiếng kẻng học bài từ thế hệ 8x, 9x và câu lạc bộ ông bà cháu đã góp phần cho gia đình con cháu vâng lời, chăm ngoan học tốt. Đối với những trường hợp khó khăn địa phương thăm hỏi, động viên tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu đến trường. 

Ông Lê Đình Duận - Trưởng ban khuyến học họ Lê Đình cho biết, năm 1973, do điều kiện chiến tranh khiến nhiều người Quảng Trị di cư vào đây sinh sống. Dòng họ Lê Đình di cư vào đây 25 hộ, tất cả các gia đình đều nêu cao tinh thần và tâm huyết với sự nghiệp trồng người. 

Làng "sư phạm" ở Khánh Hòa - Ảnh 6.

Ngay từ sáng sớm mặc dù công việc bận rộn nhưng các gia đình vẫn tranh thủ đưa con cái đi học. Ảnh: C.T

Với những thành tích đạt được, dòng họ Lê Đình đã được Hội khuyến học tỉnh, UBND huyện Cam Lâm, UBND xã tặng nhiều giấy khen và công nhận dòng họ học tập xuất sắc cấp tỉnh. 

Theo các bật cao niên, cả cái xã này chỉ có Quảng Đức được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Để được danh hiệu này phải xét nhiều tiêu chí lắm, cả tỉnh rất ít làng được như Quảng Đức. Ở làng này, năm nào cũng có thủ khoa, nhiều trường hợp tốt nghiệp ra trường đứng hạng đầu. Nhiều thủ khoa đều quay lại quê hương Cam Lâm tiếp tục dạy học, truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Ngôi làng có nhiều thế hệ theo nghề "sư phạm" ở Khánh Hòa - Ảnh 8.

Những hàng cây hai bên đường vào làng đang khoe sắc. Ảnh: C.T

Hàng ngày, tiếng kẻng học bài ở làng sẽ đánh kẻng 2 lần vào 4 giờ 30 phút và 19 giờ để thúc giục các cháu học bài. Kẻng được treo ở trụ sở thôn, sau khi đánh xong, các bác, các chú đi quanh các đường thôn, ngõ xóm để kiểm tra, đôn đốc các cháu học tập. Cứ như vậy, liên tục nhiều năm liền, người dân đã rèn được cho con cháu tinh thần tự giác học tập.

Đại diện UBND xã Cam Hiệp Nam cho biết, chất lượng giáo dục luôn đạt cao cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2022; 100% Trường Mầm non, Tiểu học, hoàn thành chương trình lớp học và Trường THCS lên lớp đạt 99,8%. Ngoài ra, Hội khuyến học xã đã hỗ trợ cho các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập và có hoàn cảnh khó khăn năm học 2021 - 2022 với số tiền gần 9 triệu đồng. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem