Đội tuyển Nhật Bản thắng thuyết phục đội tuyển Đức ngay trận đầu tiên vòng chung kết WC 2022 tại Quatar đã gây một cơn địa chấn mạnh, sự "thần kỳ Nhật Bản" làm rung động thế giới người hâm mộ bóng đá toàn cầu
Chưa hết, họ tiếp tục viết tiếp khúc khải hoàn khi lội ngược dòng, thắng Tây Ban Nha để giành một suất vào vòng trong, tiễn đội Đức hùng mạnh về nước sớm.
Ngay sau mỗi trận đấu, một hình ảnh khác gây ấn tượng không kém sự rung động trước đó trong cộng đồng, các cổ động viên Nhật Bản ở lại nhặt rác mà các khán giả khác để lại dưới các hàng ghế, trong phòng thay đồ các cầu thủ Nhật Bản mọi thứ được thu dọn gọn gàng ngăn nắp như trước đó chưa từng có người sử dụng, một làn sóng những lời khen ngợi, cảm phục lại dậy lên, những phẩm chất dân tộc, văn hoá ứng xử và ý thức tôn trọng và bảo vệ môi trường của người Nhật đã nhận được sự cảm mến hết lời.
Một câu hỏi luôn làm động não tất cả những ai hay suy nghĩ về những "đặc tính dân tộc" và căn nguyên của nó ở mỗi quốc gia là: "Do đâu người Nhật có được như một bản năng tự nhiên cái phẩm chất văn hoá tuyệt vời ấy"?
Nước Nhật kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ II năm 1945 trong sự thất bại bi thảm, hai quả bom nguyên tử dội xuống cùng lúc gây ra một sự đổ nát, chết chóc hoang tàn khủng khiếp. Người Nhật đã đứng dậy và đi lên từ sự đổ nát hoang tàn ấy trong tình thế một đất nước luôn không còn gì và luôn hứng chịu nhiều trận thiên tai với những thảm hoạ kinh hoàng nhất, không giầu tài nguyên nhưng chỉ vài chục năm sau bỗng trở thành một cường quốc hùng cường về kinh tế, đạt trình độ cao về công nghệ và cùng sự phát triển đó là sự phát triển của văn hoá luôn đồng hành ngày càng rạng rỡ.
Và dù phát triển đến đâu, tinh thần, khí chất Nhật Bản luôn in đậm dấu ấn trong tất cả các lĩnh vực, kinh tế, văn hoá, văn học nghệ thuật, kiến trúc xây dựng, thể thao như là một đặc điểm, tố chất, bản sắc dân tộc, giống như chất ADN của dân tộc luôn được truyền đời qua nhiều thế hệ và ngày càng được hoàn chỉnh qua các thời kỳ phát triển cùng với sự phát triển chung của nhân loại.
Chất ADN đấy tạo ra bản lĩnh chí khí, sự quyết tâm, lòng quật cường và tự hào dân tộc trong sự cởi mở. Ý thức dân tộc cao, tính kỷ luật và quyết liệt nhưng không sa vào sự cực đoan của chủ nghĩa dân tộc thống trị, tất cả tạo nên một nền tảng vững chắc, bền bỉ đồng bộ về tất cả các mặt kiến tạo nên một nước Nhật thần kỳ như hiện nay, một nước Nhật rất bản chất chứ không phải là một nước Nhật chỉ là hình ảnh phô diễn. Và một điều chắc chắn nguyên nhân của sự thành công đó chính là yếu tố CON NGƯỜI!
Nói về xứ người cũng là để ngẫm chuyện xứ mình, một đất nước luôn tự hào về lịch sử bốn nghìn năm" dựng và giữ nước.
Tại sao một đất nước có bề dầy lịch sử luôn tự hào về ý chí quật cường chống ngoại xâm và nền "văn hiến ngàn năm" như vậy lại quá khó khăn để trả lời trúng và thẳng thắn rất nhiều câu hỏi với những vấn đề có vẻ như rất nhỏ ở một đất nước. Nhưng câu hỏi tưởng chừng như đơn giản như việc không xả rác nơi công cộng, bỏ rác vào thùng hay đổ đúng nơi đúng, ra đường chỗ đi đúng luật giao thông cũng không làm được?
Chỉ một vài hình ảnh rất bình thường của một "ông tây" lo nhặt rác trên đường phố, một tốp thanh niên hay nhóm phụ nữ mặc áo tắm đi nhặt rác, làm vệ sinh ngoài bãi biển cũng thành một sự kiện (mà trong đó có cả các luồng ý kiến khác nhau, người khen ngợi, kẻ dèm pha)?
Ở ngã tư lúc đèn đỏ xe vẫn vượt thậm chí cả những ông bố bà mẹ đang trở con trẻ đến trường, đi nhà trẻ, mẫu giáo?
Không gian công cộng, lối đi trong hẻm nhỏ bị xây lấn dù chỉ mười, hai mươi phân đất?
Tại sao một viên chức chính quyền khi tiếp bạn hay đón khách ở xa về chơi rất nhiệt tình tiếp đón, nồng nàn hiếu khách nhưng khi tiếp công dân ở công sở lại lạnh lùng, thờ ơ, hạch hoẹ dù người dân không có lỗi?
Tại sao các bạn trẻ nam thanh nữ tú ăn mặc đẹp, cổ quàng khăn đỏ ngồi quán nước cứ tự nhiên tay ném rác mồm chửi bậy?
Tại sao các chùa chiền, đền phủ nơi lễ bái luôn nghi ngút khói, đông đúc người mà ngoài xã hội, trong đời sống người ta tranh giành mưu tính và hãm hại nhau vì tiền vì danh?
Tại sao một xã hội nghi ngút hương khói, dầy đặc các hoạt động tâm linh mà vẫn ngày càng nhiều tệ nạn, vụ án giết nhau?
Tại sao ông giám đốc sở nọ ban ngành kia chỉ sau một vài năm ngồi vào ghế mà nhà cao cửa rộng, con cái xe hơi, đi du học dễ như đi du… lịch?
Tại sao và tại sao…..cả tràng những câu hỏi kéo dài tưởng chừng như vô tận không bao giờ dứt?
Cách đây mấy chục năm, hồi sau 1975 ở một ngôi nhà nhiều tầng trung tâm Q1 Sài Gòn được phân cho các cán bộ từ miền Bắc vào cư ngụ, dưới nhà người ta chừa ra một lối đi chung khá rộng, quang đãng được mọi người giữ gìn sạch sẽ.
Một thời gian sau khi thành phố vào buổi khó khăn, một hộ tầng trên đặt một tủ bách mỳ trước cửa bán mỗi sáng, đi ra đi vào có hơi vướng víu nhưng không ai kêu ca. phàn nàn gì mà còn chia sẻ, ủng hộ., điều mà trong hoàn cảnh như thể nếu ở Hà Nội không dễ gì yên ổn, sẽ có thêm vài hộ khác cũng bán hàng hoặc phải phân xử bằng "biện pháp xã hội".
So với thời gian ở ngoài Bắc những gia đình cán bộ ấy khi chuyển vào Nam dù cuộc sống chưa khá giả, nhà chưa quá rộng nhưng đủ chỗ cho mọi sinh hoạt riêng, đời sống được cải thiện đáng kể, mỗi gia đình đều có không gian khép kín, ai cũng thấy nhẹ nhàng hơn và kéo theo là sự cởi mở, dễ cảm thông và văn minh hơn hẳn khi ở Hà Nội trong một khu tập thể từ nhà vệ sinh đến bếp nấu cũng dùng chung, công cộng hoá mọi sinh hoạt rất cần sự riêng tư.
Và một cách rất tự nhiên con người thay đổi theo hướng tích cực.
Bây giờ đến thời các dự án nhà ở phát triển với một độ nén cao tột cùng. Ngay trong nội khu nhà ở cao cấp đường xá cũng nghẹt cứng, người giầu có nhà đẹp xe sang vẫn cau có khó chịu và giành giật nhau, từng mét đường. Một đời sống vội vã thấp thỏm đôi khi lười nhác, ngay cả một động tác để rác vào túi đến đúng chỗ bỏ vào thùng cũng không chịu được, hạ ngay cửa kính xe ném xuống đường cho cho rảnh tay.
Các hành vi nếp nghĩ kém văn minh vô văn hoá dường như đã đến gần làn ranh đỏ khiến chính quyền bắt đầu nhận thấy ngoài bệnh dịch, hiểm hoạ thiên tai thì sự suy giảm của văn hoá đang có dấu hiệu xuống cấp độ nguy hiểm không kém phần. Đến mức cộng đồng đã phải báo động khẩn, tổ chức hội nghị bàn tròn bàn vuông, trực tiếp trực tuyến bàn việc cứu vãn, chấn hưng.
Nhưng liệu cả một nền văn hoá đang có dấu hiệu xuống cấp suy sụp có thể phục hưng bằng các hội nghị, các cuộc họp hành?
Văn hoá luôn đi cùng và quan hệ biện chứng với chính trị, kinh tế, pháp luật. Một hệ thống chính trị nghiêm minh, trong sạch và dân chủ, một nền kinh tế vũng chắc, lành mạnh và chính đáng, một nền luất pháp nghiêm minh, rõ ràng cụ thể chứ không phải hệ thống chính trị gắn liền, dung túng bao che cho lợi ích nhóm thiếu minh bạch, một nền kinh tế với những hoạt động, quan hệ ngầm, nhiều người giầu nhanh, giầu xổi… mới làm nền tảng, làm cơ sở hạ tầng để xây dựng và chấn hưng văn hoá, phục hồi và bồi đắp những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc đã bị mai một.
Việc xây dựng và chấn hưng một nền văn hoá không phải là vấn để chỉ chú trọng vào riêng văn hoá đơn thuần bằng văn học nghệ thuật, mà phải từ cái gốc, là cái nền tảng cơ sở hạ tầng từ các ngành các lĩnh vực khác, kinh tế, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Kinh tế quặt quẹo lệch lạc, đói nghèo, đường xá chật chội giao thông đi lại khó khăn thì việc bắt người ta đi đúng luật rất khó, họ phải luồn lách, mãi thành thói quen ngay cả khi đường rộng cũng chạy sai luật và thấy sung sướng.
Không gian sống ngột ngạt, bẩn thỉu tăm tối sinh cáu bẳn, lười biếng, đổ một thùng rác ra nơi công cộng không thấy ngượng để chùn tay. Ai ở chỗ sáng sủa sạch sẽ nỡ thản nhiên ném rác xuống sàn dù chỉ là một cọng nhỏ?
Xây dựng một hình mẫu, một nếp sống văn hoá đẹp cho một cộng đồng lớn phải bắt đầu từ từng cộng đồng nhỏ, một khu nhà ở có không gian sống tốt cho cư dân, những tiện ích, an sinh xã hội và quan hệ cộng đồng tốt sẽ mamg lại nhiều cảm xúc tích cực khiến con người gắn bó thân thiện, gần gũi, nhường nhịn và chia sẻ.
Do vậy để có một nếp văn hoá ứng xử đẹp phải làm sao cho người ta biết đến khái niệm của từng thứ văn hoá, bắt đầu từ văn hoá ở, văn hoá đi lại và phải bắt đầu ngay từ các dự án phát triển đô thị, khu dân cư, dự án phải chuẩn từ mục đích của chủ đầu tư, nhà thiết kế và cơ quan xét duyệt dự án.
Tiêu chí "Dân có giầu (chính đáng) nước mạnh (thực chất), xã hội công bằng văn minh" luôn đúng. Có thế cuộc sống mới an bình và phát triển, phải văn minh mới có nếp văn hoá đẹp, điều đó phải trong một quá trình phá bỏ và xây dựng đồng bộ không phải chỉ bằng lời phát biểu trong các "hội nghị hội thảo" mà phải bằng giải pháp có kết quả cụ thể thực tiễn.
Không thể có một đời sống văn minh, những con người có văn hoá trong một xã hội nhiều người làm giầu quá nhanh quá dễ dàng từ tham nhũng, lừa lọc hay đầu cơ buôn đất.
Trong một môi trường xã hội như thế, mọi tác phẩm văn chương, hội hoạ, phim ảnh hay các nghị quyết sẽ chỉ là trên giấy, trong trang sách, bức tranh hay trên màn ảnh mà thôi.