Điều bất thường sau những bức tranh Việt giá triệu đô
Điều bất thường sau những bức tranh Việt giá triệu đô
Nguyễn Mỹ Linh
Thứ hai, ngày 10/10/2022 15:42 PM (GMT+7)
Điều bất thường nhất nằm ở chỗ vì quá mải mê khoe rằng tranh Việt Nam bán được 1 triệu, 2 triệu, 3 triệu đô mà chúng ta đã khiến công chúng quên mất thực ra tương lai của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam là ở đâu.
Trong phiên đấu giá của Sotheby's tại Hong Kong chiều tối 7/1, bức "The et Sympathie" của Lê Phổ được bán ở mức 1,36 triệu USD (32,4 tỷ đồng).
Từ hơn một thập kỷ trở lại đây, hội hoạ Đông Dương với tên tuổi của các hoạ sĩ khoá một trường Mỹ thuật Đông Dương bỗng trở nền ồn ào hơn bao giờ hết. Với người sưu tập, việc tìm kiếm các tác phẩm quí hiếm mang dấu ấn lịch sử của nền hội hoạ Việt Nam cũng là lẽ thường.
Người rủng rỉnh túi tiền tìm đến các tác phẩm ít ỏi để mua như là một cách giữ tiền cũng không có gì lạ. Báo chi lẫn công chúng ồ lên, sung sướng hả hê vì cuối cùng thì nghệ thuật Việt nam cũng khiến thế giới biết đến – cũng là đúng với tâm trạng của bất cứ dân nước nào trên thế giới.
Các tác phẩm ấy - được thổi lên với giá ngày một cao đến bất thường, mà hầu hết người mua đều là khách Việt Nam – có vẻ cũng hợp với quy luật.
Cũng như thế, vài thập kỷ trước, người Trung Quốc cũng đi đấu giá để đem các tác phẩm lưu lạc về với cố quốc. Người Nhật hiện vẫn tìm kiếm đồ cổ để " mang về nhà ". Dường như đây là một giai đoạn của Lịch sử mà nền nghệ thuật của nước nào cũng phải trải qua. Vậy thì chẳng có gì đáng phải quá ngạc nhiên.
Tại Paris, khu kinh doanh và định giá, đấu giá đồ cổ ngày một nhiều tác phẩm của hội hoạ Việt Nam. Nếu 20 năm trước mà đến khu phố này rồi hỏi về tên của những hoạ sĩ khoá một Đông Dương, chắc sẽ gặp nhiều cái nhướng mắt ngạc nhiên, còn giờ, nhiều ông chủ có thể nói rất rành rẽ.
Thôi thế cũng là mừng.
Nhưng qua cơn mừng vui rồi, thì lại thấy có gì bất thường trong niềm vui này.
Cái bất thường thứ nhất là ở đội ngũ được gọi là chuyên gia thẩm định tranh.
Thử làm một cuộc tìm kiếm nhỏ thôi thì thấy ngay nhiều tên tuổi trong số họ chưa bao giờ công bố bất cứ một bài nghiên cứu nào về bất cứ một hoạ sĩ nào của khoá một Đông Dương, chưa nói đến hội hoạ Việt Nam. Cũng nhiều người trong số họ, khi được hỏi những câu về quy trình thẩm định tác phẩm (tôi trực tiếp phỏng vấn) thì cũng trả lời rất chung chung, thiếu cơ sở khoa học.
Điều này dẫn đến những chuyện mà nhiều người đều đã biết, nhầm tranh của tác giả này sang tác giả khác, cho đấu giá những tác phẩm mà ngay người thân trong gia đình của hoạ sĩ cũng khẳng định là không phải tác phẩm của cha họ.
Nghĩa là: thị trường, với sự hào hứng thái quá – vì nhiều lý do – đã tạo ra sự ô nhiễm này.
Gọi là ô nhiễm cũng không có gì là quá.
Ô nhiễm trong tư duy dễ dãi, vô trách nhiệm của chuyên gia thẩm định và nhà đấu giá.
Ô nhiễm trong tư duy của người sưu tập "mua được là may" rồi không cho mình quyền được phản đối sự ẩu của sàn đấu giá và chuyên gia.
Ô nhiễm thêm nữa là tạo ra những giá trị không bền cho thị trường tranh - tạm gọi là cổ của Việt nam
Nhưng có lẽ phần bất thường nhất nằm ở chỗ vì quá mải mê khoe rằng tranh Việt Nam bán được 1 triệu, 2 triệu, 3 triệu đô mà chúng ta đã khiến công chúng quên mất rằng thực ra tương lai của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam là lớp nghệ sĩ trẻ ngày hôm nay.
Có một thực tế cần khẳng định luôn rằng những tác phẩm một vài triệu đô của các hoạ sĩ Việt Nam thế hệ "hội hoạ Đông Dương" đều do các nhà sưu tập trong nước đấu giá để mang về. Chỉ cần có mặt tại sàn đấu vài ba lần là có thể biết cuộc đấu này dành cho ai và gồm những ai.
Nghĩa là các hoạ sĩ khoá một Đông Dương có thể đã rất vất vả để tạo dựng vị trí, thi thố anh tài với các hoạ sĩ Pháp cùng thời mà chưa thành thì ngày hôm nay họ đã được đền đáp xứng đáng với sự hâm mộ của người trong nước.
Khoan hãy so đo về tài – mà thực tế khó có thể so được vì thời cuộc đã khác và quan niệm về sáng tạo cũng như cái đẹp cũng khác.
So về sự nỗ lực để đi ra thế giới thì còn có cơ sở.
Có một thực tế là ngày một nhiều các hoạ sĩ đương đại của Việt Nam tìm được đường đến với các biennale hay liên hoan, triển lãm nghệ thuật trên thế giới. Không tính các phòng tranh tư nhân nhỏ lẻ do có quan hệ mà mời nhau thì việc các nghệ sĩ đi triển lãm ở bảo tàng, ở galerie có chút danh tiếng, cũng không còn là quá hiếm.
Thế nhưng, hầu như chẳng ai biết đến, hay nói đúng hơn là truyền thông đưa tin rất dè dặt.
Nhà sưu tập dành sự đầu tư cho các tác phẩm quí hiếm vì chúng không thể sinh ra nữa (trừ tranh giả) là sự thông thường, nhưng cái sự hồ hởi với tranh cổ, dè dặt với sáng tạo mới thì rõ là bất thường và lợi bất cập hại.
Đừng quên rằng những năm 90, mở cửa kinh tế và cởi mở trong tư duy sáng tác đã khiến bầu không khí sáng tạo của Mỹ thuật Việt Nam thay đổi thế nào. Nhiều tên tuổi hoạ sĩ Việt Nam đã nổi lên từ đấy và rõ ràng rằng sự nỗ lực của họ như con thuyền mà người đẩy thuyền ra khơi là công chúng – bao gồm cả nhà quản lý, truyền thông và người mua tranh.
Việc ngoái lại quá khứ không chỉ tạo ra một thị trường ảo, không thực chất, một nhóm những người Pháp Việt trục lợi mà còn không thúc đẩy sự sáng tạo mới - đồng nghĩa với tương lai của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.
Tất nhiên, các nghệ sĩ Việt Nam ngày hôm sẽ phải chịu nhiều thử thách để thuyết phục công chúng rằng họ đang đi cùng nhịp với thế giới, tuy thế - việc định vị lại thái độ đối với các thang giá trị là cần thiết rồi.
Một dân tộc hoàn toàn có thể tự hào với những thành quá sáng tạo trong quá khứ nhưng dứt khoát không thể để nền nghệ thuật ấy chết lâm sàng bằng chính lòng tự hào đã được đóng băng tại những cột mốc cũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.