Năm 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 42 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 725 triệu USD; cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư 56 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký tăng thêm 31,7 ngàn tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 446 dự án FDI với tổng vốn trên 30,2 tỷ USD và 689 dự án trong nước với tổng vốn hơn 358,2 ngàn tỷ đồng.
Những con số ấn tượng trên đã minh chứng rõ nét hiệu quả công tác thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua.
Để đạt được kết quả trên, Bà Rịa - Vũng Tàu đã luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong thời gian diễn ra dịch covid-19. Tỉnh cũng thực hiện đầy đủ các chính sách của Chính phủ, đồng hành cùng doanh nghiệp chăm lo cuộc sống người lao động, chú trọng giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp an tâm hoạt động bình thường, từ đó tạo ra kênh xúc tiến đầu tư tại chỗ hiệu quả...
Ông Watanabe Nobuhiro - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, từ những năm 90 các khu công nghiệp (KCN) tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã được xây dựng và thu hút nhiều doanh nghiệp. Với điều kiện cảng biển, đường giao thông thuận lợi, có nguồn khí gas tự nhiên và hóa dầu, có nguồn điện cung cấp ổn định, nguồn lao động dồi dào cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư phù hợp, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn làm các nhà đầu tư Nhật Bản hài lòng, chọn làm điểm dừng chân.
Trong tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, là trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh cũng phấn đấu sẽ trở thành tỉnh đầu tiên ở Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải carbon dioxide về trạng thái trung tính "net-zero".
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Đánh giá về tiềm năng cũng như các cơ hội đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Philippe Fouet - Trưởng ban Kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam bày tỏ, ông đã rất ấn tượng khi thăm hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải các KCN và các dự án lớn đã triển khai cũng như các dự án sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Theo ông Philippe, Bà Rịa - Vũng Tàu là một điểm đến hấp dẫn nhờ vị trí địa lý chiến lược, cho phép phát triển các cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng. Chính vì vậy, các doanh nhiệp hoạt động tại tỉnh có điều kiện để tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nằm trong nhóm các địa phương năng động nhất của Việt Nam.
"Với tỷ lệ tăng trường ấn tượng trong năm nay, tỉnh này là điểm đến tất yếu của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện với tổng vốn đầu tư đạt 33 tỷ USD, đứng thứ 5 về thu hút đầu tư nước ngoài và đứng thứ 5 về Tổng sản phẩm quốc nội GDP (PIB). Do đó, Pháp không thể vắng mặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu…", ông Philippe Fouet bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là một trong những tỉnh thuộc vùng ven biển của Đông Nam Bộ, trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển kể từ khi thành lập tỉnh đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không ngừng lớn mạnh trên mọi lĩnh vực, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế ngày càng được nâng lên rõ nét. Công nghiệp cùng với cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Với quan điểm phát triển ngành công nghiệp có chọn lọc theo hướng hiện đại hóa, chú trọng phát triển theo chiều sâu, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ tiên tiến với năng suất và giá trị gia tăng cao, hạn chế thâm dụng lao động, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, ngành công nghiệp tỉnh đang duy trì vai trò là trụ cột lớn nhất trong ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Có nhiều ngành công nghiệp đầu nguồn có sức lan tỏa lớn như: khí điện đạm, hóa dầu, sản xuất thép, vật liệu xây dựng,…
Đánh giá từ các nhà đầu tư cho thấy, thế mạnh của Bà Rịa - Vũng Tàu trong thu hút đầu tư là về tài nguyên và thiên nhiên đứng thứ 5 châu Á về khai thác dầu khí, hơn 93% lượng dầu và 16% lượng khí thiên nhiên của Việt Nam nằm ở thềm lục địa ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu. Trữ lượng dầu mỏ ước tính hơn 1,5 tỷ tấn, khí đốt khoảng 1.000 tỷ m3. Tỉnh có bờ biển dài 100km, 8 nhà máy điện với tổng công suất hơn 4.244 MW, chiếm khoảng 16,8% sản lượng điện quốc gia; 9 nhà máy nước công suất khoảng hơn 200.000 m3/ngày đêm.
Về hạ tầng giao thông, những năm vừa qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đến cảng biển, sân bay, các tỉnh thành phố lân cận và ra quốc tế. Cùng đó, với lợi thế về cảng biển nước sâu, sự phát triển năng động của các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ là những điều kiện quan trọng để Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tỉnh hiện đang thực hiện định hướng thu hút đầu tư: "Kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Xây dựng tốt môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin, đáp ứng nhu cầu, tạo sự thuận tiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới hình thành một số doanh nghiệp địa phương đủ năng lực để tham gia liên kết, liên doanh với các tập đoàn kinh tế lớn".
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để phát triển bền vững ngành công nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và các KCN trên địa bàn tỉnh nói riêng, vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ở các ngành cơ khí, công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu có khả năng cạnh tranh cao, tiến tới đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu.
Cũng theo ông Thọ, nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của tỉnh và khu vực, trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển dựa trên các lĩnh vực kinh tế trọng tâm như: công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, du lịch, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và phát triển nông nghiệp, thuỷ sản theo các mô hình sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn. Đặc biệt chú trọng phát triển của hệ thống cảng biển, khu thương mại tự do và các KCN.
"Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; dần hoàn thành quy hoạch tỉnh trong đó nêu rõ định hướng, các khu vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước", Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.