Bà Rịa - Vũng Tàu: Tận dụng tài nguyên biển, “siêu cảng” để sớm thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Nha Mẫn Thứ bảy, ngày 26/11/2022 06:39 AM (GMT+7)
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có lợi thế về cảng nước sâu với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam bộ. Với tiềm năng đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển.
Bình luận 0

Phát triển mạnh kinh tế biển

Trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ nhiều mục tiêu quan trọng dành cho các tỉnh thành vùng này. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tận dụng tài nguyên biển, “siêu cảng” để sớm thành trung tâm kinh tế biển quốc gia - Ảnh 1.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là lợi thế lớn cho địa phương. Ảnh: Nha Mẫn

Trong đó, đặc biệt ưu tiên đẩy mạnh cơ cấu kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. 

Chuyển hướng sang phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tận dụng tài nguyên biển, “siêu cảng” để sớm thành trung tâm kinh tế biển quốc gia - Ảnh 2.

Đường bờ biển dài là lợi thế phát triển kinh tế biển. Ảnh: Nha Mẫn

Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế. Phát triển dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; công nghệ thông tin - viễn thông; khoa học - công nghệ; du lịch; logistics... 

Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tỉnh Tây Ninh. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tận dụng tài nguyên biển, “siêu cảng” để sớm thành trung tâm kinh tế biển quốc gia - Ảnh 3.

Biển Vũng Tàu đẹp, lợi thế phát triển du lịch. Ảnh: Nha Mẫn

Tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. 

Đưa Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển

Đặc biệt đưa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao.

Để đạt được những mục tiêu quan trọng, tận dụng được ưu thế về biển, thời gian qua Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiếp tục nâng chất, có nhiều kế hoạch để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tận dụng tài nguyên biển, “siêu cảng” để sớm thành trung tâm kinh tế biển quốc gia - Ảnh 4.

Siêu cảng tương lai sẽ càng lớn mạnh. Ảnh: Nha Mẫn

Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 300 km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000 km2 có nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước. Trong đó có 5/8 huyện, thành phố của Bà Rịa - Vũng Tàu giáp biển; đồng thời là địa phương có lợi thế về cảng nước sâu với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam bộ. 

Với tiềm năng đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển với các hoạt động như: khai thác dầu khí, du lịch và cảng biển (Du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Xuyên Mộc; cảng Cái Mép - Thị Vải,…).

Nhiều năm qua Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tinh thần xuyên suốt là “phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh”.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tận dụng tài nguyên biển, “siêu cảng” để sớm thành trung tâm kinh tế biển quốc gia - Ảnh 5.

Nét đẹp vùng biển Côn Đảo. Ảnh: Nha Mẫn

Để khai thác hiệu quả tiềm tài nguyên biển để phát triển nền kinh tế biển mạnh và bền vững, Bà Rịa- Vũng Tàu đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng có hiệu quả những thế mạnh vượt trội của địa phương; đồng thời tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng biển với các quốc lộ…

Địa phương có cảng Cái Mép - Thị Vải đã có 22 dự án đi vào hoạt động và là một trong 20 cảng lớn trên thế giới. 

Cảng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cửa ngõ hướng ra biển Đông của vùng và cả khu vực phía Nam. Cùng với cảng biển, dịch vụ logistics cũng từng bước phát triển mạnh, ngoài hệ thống cảng bến thủy nội địa, đến nay đã có hàng chục dự án kho bãi logistics đi vào hoạt động. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tận dụng tài nguyên biển, “siêu cảng” để sớm thành trung tâm kinh tế biển quốc gia - Ảnh 6.

Liên tục đầu tư các dự án ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Nha Mẫn

Sự phát triển cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và Cái Mép - Thị Vải nói riêng đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước; đồng thời bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo, nâng cao năng lực, vị thế quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế. 

Bên cạnh đó, những năm các ngành khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá đã góp phần đáng kể vào chuyển đổi mạnh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Du lịch biển hiện đang được coi là một trong những thế mạnh của tỉnh, mỗi năm đã thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tận dụng tài nguyên biển, “siêu cảng” để sớm thành trung tâm kinh tế biển quốc gia - Ảnh 7.

Vẻ đẹp biển của Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Nha Mẫn

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của tỉnh và khu vực, trong thời gian tới, định hướng tỉnh sẽ phát triển dựa trên các lĩnh vực kinh tế trọng tâm như: công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, du lịch, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và phát triển nông nghiệp, thủy sản theo các mô hình sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn. 

Đặc biệt chú trọng phát triển của hệ thống cảng biển, khu thương mại tự do và các KCN.

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, với quan điểm phát triển đồng bộ, nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn tiếp cận theo hướng tối ưu hóa nguồn lực và các cơ hội phát triển. Trước đây, sự phát triển của vùng Đông Nam bộ xoay quanh hai “tâm” chính là sân bay Tân Sơn Nhất và hệ thống cảng Sài Gòn. 

Nhiều năm qua, “tâm” của hàng hóa xuất nhập khẩu qua ngõ cảng biển đã dịch chuyển về cảng Cái Mép – Thị Vải của Bà Rịa – Vũng Tàu. Còn “tâm” của ngành hàng không trong vài năm tới cũng sẽ chuyển từ Tân Sơn Nhất về Long Thành khi sân bay này hoàn thành. Do đó Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem