"Siêu cảng" Cái Mép-Thị Vải và sân bay Long Thành là lợi thế để Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút nhà đầu tư

Nha Mẫn Thứ sáu, ngày 25/11/2022 11:50 AM (GMT+7)
Bà Rịa-Vũng Tàu tận dụng các lợi thế có sẵn về cảng biển, hệ thống giao thông đa dạng để thu hút nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bình luận 0

Nhiều lợi thế thu hút đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu

Nhiều năm trở lại đây, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương liên tục xếp top đầu cả nước về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Địa phương liên tục đón các doanh nghiệp đến xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất. 

"Siêu cảng" Cái Mép-Thị Vải và sân bay Long Thành là lợi thế để Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút nhà đầu tư - Ảnh 1.

Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế về biển. Ảnh: Nha Mẫn

Do đó thời gian qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục cải thiện môi trường đầu tư để làm hài lòng, rộng cửa đón các nhà đầu tư tiếp tục đến địa phương.

Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có lợi thế về hạ tầng giao thông. Những năm vừa qua địa phương liên tục phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đến cảng biển, sân bay, các tỉnh, thành phố lân cận và ra quốc tế. 

Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu còn có lợi thế về cảng biển nước sâu, về phát triển công nghiệp, du lịch, có hạ tầng giao thông thuận lợi, cùng với sự phát triển năng động của các tỉnh lân cận trong khu vực Đông Nam bộ là những điều kiện quan trọng để Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

"Siêu cảng" Cái Mép-Thị Vải và sân bay Long Thành là lợi thế để Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút nhà đầu tư - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp chọn Bà Rịa-Vũng Tàu để đầu tư. Ảnh: Nha Mẫn

Nhờ vậy, tính đến nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 445 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 30.268 triệu USD; 689 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 355.855 tỷ đồng. Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục là nơi được các nhà đầu tư trong nước chọn để đầu tư, với ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ rất đa dạng như công nghiệp (sản xuất ống thép), nông nghiệp, hóa chất, phân bón, cơ khí, dịch vụ hàng hải, thiết bị dụng cụ, vật tư y tế; thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. 

Trong đó, ở các khu công nghiệp có 270 dự án với tổng vốn đầu tư 12,23 tỷ USD, ngoài khu công nghiệp là trên 170 dự án với tổng vốn đăng ký 17,67 tỷ USD, đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Địa phương cũng liên tục kêu gọi đầu tư, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn.

"Siêu cảng" Cái Mép-Thị Vải và sân bay Long Thành là lợi thế để Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút nhà đầu tư - Ảnh 3.

Sân bay Long Thành có vị trí gần Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Nha Mẫn

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian qua, tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm công nghiệp liên kết với nhau, tạo nguồn hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, thực hiện điều chỉnh ngành, nghề nhằm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Liên tục nâng chất để hút nhà đầu tư

Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết từ nay tới năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ mở rộng thêm 8 khu công nghiệp, bổ sung quỹ đất hơn 8.000 ha để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Bà Rịa-Vũng Tàu ưu tiên thu hút đầu tư cho công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp công nghệ cao với hàng loạt các tiêu chí đề ra như: Bảo đảm môi trường, sử dụng ít năng lượng, nhân công. 

"Siêu cảng" Cái Mép-Thị Vải và sân bay Long Thành là lợi thế để Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút nhà đầu tư - Ảnh 4.

Bà Rịa-Vũng Tàu đa dạng về loại hình giao thông. Ảnh: Nha Mẫn

Địa phương không khuyến khích các dự án đầu tư tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác không gắn với chế biến, sử dụng nhiều lao động phổ thông; các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và những lĩnh vực có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. 

Trên thực tế, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có nhiều thế mạnh như có hệ thống cảng biển “siêu khủng”, đường bờ biển dài,… được kết nối bởi nhiều loại hình giao thông. Do đó, thông qua những thuận lợi về giao thông, phần nào giúp cho các nhà đầu tư tích cực hơn trong tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát đầu tư dự án vào các khu công nghiệp tại địa phương.

Đánh giá về tiềm năng của Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Philippe Fouet, Trưởng ban kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nói rằng, khi đến Bà Rịa-Vũng Tàu ông thật sự ấn tượng với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Ông Philippe Fouet cũng đánh giá cao sự nhiệt tình với nhà đầu tư của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

"Siêu cảng" Cái Mép-Thị Vải và sân bay Long Thành là lợi thế để Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút nhà đầu tư - Ảnh 5.

Cảng Cái Mép - Thị Vải, lợi thế lớn cho Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Nha Mẫn

Đại diện Sở KHĐT cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu đang thực hiện định hướng đầu tư với phương châm thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; xây dựng tốt môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin, đáp ứng nhu cầu, tạo sự thuận tiện hơn nữa cho người dân và DN; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới hình thành một số DN địa phương đủ năng lực để tham gia liên kết với các tập đoàn kinh tế lớn.

Trong một hội thảo mới đây nhất về đầu tư, khi nói về lợi thế, tiềm năng của địa phương, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định Bà Rịa-Vũng Tàu đã được Chính phủ quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dầu khí, đặc biệt là ngành hóa dầu.

Ngoài ra, địa phương còn được quy hoạch trở thành một vùng du lịch đẳng cấp quốc tế với lợi thế hơn 300 km bờ biển. Trong đó có những bờ biển đặc biệt như Côn Đảo và đường bờ biển dài khoảng 100 km từ Vũng Tàu tới Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), thu hút lượng lớn khách du lịch đến vui chơi, tắm biển.

"Siêu cảng" Cái Mép-Thị Vải và sân bay Long Thành là lợi thế để Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút nhà đầu tư - Ảnh 6.

Vẻ đẹp của Côn Đảo, hút khách du lịch. Ảnh: Nha Mẫn

Nhiều dự án lớn đã và đang được đầu tư như các tuyến đường Liên cảng, cầu Phước An để vào cao tốc Bến Lức - Long Thành; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thuận lợi cho tỉnh trong giao thông, giao thương, du lịch. 

Về sự phát triển của ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã được đưa vào trong Nghị quyết số 24 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Sau khi sân bay Quốc tế Long Thành khánh thành giai đoạn 1 năm 2025 thì hệ thống giao thông kết nối đến Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hoàn thiện. Du khách đến sân bay Long Thành dễ dàng di chuyển đến các KDL của tỉnh mà chỉ mất rất ít thời gian.

"Siêu cảng" Cái Mép-Thị Vải và sân bay Long Thành là lợi thế để Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút nhà đầu tư - Ảnh 7.

Mỗi năm Bà Rịa-Vũng Tàu đón lượng khách lớn đến với Côn Đảo. Ảnh: Nha Mẫn

Đặc biệt, theo quy hoạch vùng Đông Nam bộ thì sân bay Côn Đảo được Chính phủ quy hoạch đầu tư thành sân bay cấp 4A, các tàu bay cỡ lớn sẽ đáp được xuống sân bay Côn Đảo thay vì chỉ loại máy bay nhỏ như hiện nay. 

Song song đó trong quy hoạch, vùng Đông Nam bộ là trung tâm kinh tế biển quốc gia và Bà Rịa-Vũng Tàu có 1 vị thế đặc biệt vì có cụm cảng siêu lớn Cái Mép - Thị Vải. Vì vậy Bà Rịa-Vũng Tàu luôn là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư.

Tại chuyến công tác ở Bà Rịa-Vũng Tàu vào cuối năm 2021, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá cao tốc độ phát triển kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu trong nhiều năm qua. 

Ông Phớc nhấn mạnh, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có lợi thế về cảng biển (52 cảng biển) do đó ông Phớc đánh giá đây chính là tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Ngoài ra ông Phớc còn nhận định việc địa phương có vị trí rất gần với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là bàn đạp để thu hút đầu tư trong tương lai của địa phương. 

Ông Phớc còn đề nghị Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển hướng đón làn sóng đầu tư bằng cách điều chỉnh các khu công nghiệp xung quanh sân bay Long Thành để thu hút đầu tư công nghệ cao, chất lượng cao. Đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, chú ý đến hạ tầng đô thị, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực và phát huy hơn tiềm năng trong lĩnh vực du lịch.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã xác định rõ 4 ngành kinh tế trọng điểm nhằm thu hút đầu tư là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời định hình không gian kinh tế thành các vùng rõ ràng gồm: Vùng phát triển công nghiệp-cảng biển, vùng phát triển nông nghiệp, vùng phát triển du lịch-đô thị, vùng thềm lục địa và hải đảo.

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu xác định mục tiêu phát triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem