Dân Việt

Sau thị trường Trung Quốc, cua Cà Mau có khả năng cao xuất hiện tại thị trường nước nào?

Chị Dương Thị Bích Năm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dư Thái Bình kỳ vọng: “Hiện ngoài Trung Quốc có rất nhiều thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Sigabore, Nhật, Hàn Quốc… Nếu xuất khẩu sang được các nước này sẽ là cơ hội lớn để nâng cao giá trị sản phẩm cua Cà Mau trên thị trường...".

Nhắc đến cua Cà Mau nhiều người sẽ nghĩ ngay đến loài cua ngon nhất Việt Nam bởi thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây thuận lợi để cua phát triển to khỏe, vị ngon ngọt đặc trưng không đâu sánh bằng. 

Cua Cà Mau từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng rất được ưa chuộng tại thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để đưa cua Cà Mau xuất bán ra nước ngoài đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong việc khẳng định chất lượng thương hiệu, tạo niềm tin cho đối tác. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cua Cà Mau trên thị trường.

Sau thị trường Trung Quốc, cua Cà Mau có khả năng cao xuất hiện tại thị trường nước nào? - Ảnh 1.

Cua Cà Mau từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng rất được ưa chuộng tại thị trường trong và ngoài nước.

Là một trong những người tâm huyết với con cua Cà Mau, ngay từ khi thành lập công ty vào năm 2019, chị Dương Thị Bích Năm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dư Thái Bình (ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) đã đăng ký sử dụng thương hiệu cua Năm Căn – Cà Mau và chuẩn bị đầy đủ các bước để có thể đưa cua Cà Mau tiếp cận thị trường khó tính của nước ngoài. 

Theo chị Năm, hiện nay nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng cua Cà Mau tại nước ngoài là rất lớn, tuy nhiên để tiếp cận với các thị trường này đòi hỏi rất nhiều thủ tục và các quy trình kèm theo. 

Chính vì thế, chị Năm luôn chủ động chuẩn bị đầy đủ các bước và tăng cường công tác kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiêu thụ cua ra ngoài nước.

Sau thời gian ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, công ty của chị Năm từng bước đi vào hoạt động ổn định với số lượng đơn đặt hàng tăng hơn so với trước đây. Công ty hiện kinh doanh rất nhiều sản phẩm như: Cua biển Năm Căn, tôm khô, bánh phồng tôm, khô các loại…

Trong đó, cua biển vẫn được xem là mặt hàng chủ lực. Hiện mỗi ngày công ty của chị Năm xuất bán từ 200 – 400 kg cua thương phẩm các loại, chủ yếu phân phối tại hệ thống nhà hàng, quán ăn, siêu thị tại các tỉnh miền Tây, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội… 

Mới đây nhất, công ty của chị Năm vừa xuất bán thành công 1.000 kg cua thương phẩm theo đường chính ngạch sang Trung Quốc.

Chị Dương Thị Bích Năm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dư Thái Bình kỳ vọng: “Hiện ngoài Trung Quốc có rất nhiều thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Sigabore, Nhật, Hàn Quốc… Nếu xuất khẩu sang được các nước này sẽ là cơ hội lớn để nâng cao giá trị sản phẩm cua Cà Mau trên thị trường. 

Chính vì thế, phía công ty chúng tôi rất mong muốn tỉnh tạo điều kiện tổ chức thêm nhiều hội nghị kết nối giao thương, để công ty có thể tiếp cận với các doanh nghiệp, đầu mối phân phối lớn về cua tại thị trường nước ngoài để mở rộng hợp tác, tiêu thụ, góp phần đưa thương hiệu cua Cà Mau ngày càng vươn xa hơn trong thời gian tới”.

Không riêng gì Công ty TNHH Dư Thái Bình, những năm qua, HTX Nuôi cua Tân Hiệp Phát (ấp Xẻo Sao, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn) cũng là một trong những HTX đi tiên phong trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cua Năm Căn – Cà Mau ra nước ngoài. 

Kể từ khi thành lập (năm 2017), HTX đã đăng ký sử dụng thương hiệu cua Năm Căn – Cà Mau, đồng thời chủ động khảo sát thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm cua thương phẩm của HTX.

Sau thị trường Trung Quốc, cua Cà Mau có khả năng cao xuất hiện tại thị trường nước nào? - Ảnh 4.

Cua Năm Căn – Cà Mau được đeo tem nhãn hiệu tập thể trước khi xuất ra thị trường.

HTX hiện có trên 20 thành viên nuôi cua – tôm kết hợp dưới tán rừng và và một số loài khác như sò huyết, vọp, chất lượng và độ an toàn được đảm bảo tuyệt đối. Hiện cua của HTX đã vươn ra thị trường toàn quốc với sản lượng bình quân 300 kg/ngày. 

Các sản phẩm cua của HTX đều có logo, tem in ấn và có mã vạch khi bán ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế được tình trạng làm giả, làm nhái thương hiệu cua Năm Căn – Cà Mau trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa. 

Ông Lê Văn Mạnh, thành viên HTX Nuôi cua dưới tán rừng Tân Hiệp Phát thông tin: “Tôi có 09 ha vuông nuôi tôm - cua kết hợp dưới tán rừng. Những năm qua nhờ tham gia vào HTX sản lượng cua của gia đình luôn được HTX bao tiêu với giá cả ổn định, trung bình mỗi tháng tôi có nguồn thu nhập khoảng 30 triệu tiền cua thương phẩm. 

Cua của HTX chủ yếu bán ở thị trường trong nước xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Campuchia… Nhờ có tem, nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn – Cà Mau nên việc xuất khẩu rất thuận tiện và người tiêu dùng dễ dàng phân biệt được con cua chính gốc Năm Căn so với những nơi khác”.

Những năm qua, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau luôn quan tâm trong việc bảo hộ thương hiệu cua Cà Mau, tạo điều kiện tập huấn hướng dẫn lịch thời vụ để nông dân kết hợp nuôi tôm, cua đạt năng suất cua đạt chất lượng, hiệu quả. 

Năm 2015, nhãn hiệu “Cua Năm Căn – Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, vào tháng 6/2022, sản phẩm cua “Cà Mau” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để khẳng định chất lượng, thương hiệu cua Cà Mau trên thị trường.

Thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, kết nối giao thương tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm cua Cà Mau ra thị trường trong nước, và xuất khẩu ra nước ngoài. 

Từng bước, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp buôn bán trên các website, sàn thương mại điện tử… Đồng thời, góp phần quảng bá nâng tầm và đưa thương hiệu cua Cà Mau vươn xa hơn trong thời gian tới.