Dân Việt

Trung Quốc mở cửa thị trường, giá tôm hùm Khánh Hòa tăng cao, giá tôm hùm bông cao nhất là bao nhiêu?

Hải Lăng 19/01/2023 05:08 GMT+7
Từ ngày 8-1, khi thị trường Trung Quốc mở cửa, hoạt động thu mua, xuất khẩu tôm hùm ở các vùng nuôi trong tỉnh Khánh Hòa diễn ra sôi động, mỗi ngày có cả trăm tấn tôm được thu mua, tiêu thụ.

Để việc tiêu thụ tôm hùm ổn định, trong thời gian tới, ngành thủy sản sẽ tập trung phát triển đối tượng nuôi này theo hướng phục vụ xuất khẩu chính ngạch.

Người nuôi phấn khởi

Những ngày giáp Tết, tin vui đã đến với người nuôi tôm hùm tại các địa phương trong tỉnh khi thương lái liên tục thu mua tôm hùm để xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. 

Ghi nhận của chúng tôi tại các vùng nuôi tôm hùm ở TP. Cam Ranh, mỗi ngày có hàng chục ghe ra các bè để bắt tôm thịt. Theo ông Nguyễn Trọng Bình - Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bình Thơm, trước ngày 8-1, khi thị trường Trung Quốc chưa mở cửa, việc tiêu thụ tôm rất chậm, giá thu mua tại bè chỉ dao động 680.000 - 700.000 đồng/kg loại 3 con/kg đối với tôm hùm xanh. 

Thị trường Trung Quốc mở cửa đã giúp việc xuất khẩu tôm hùm sống sang thị trường này diễn ra sôi động. Đặc biệt, gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, các doanh nghiệp nhận nhiều đơn đặt hàng từ Trung Quốc nên đẩy mạnh thu mua tôm hùm. 

Hiện nay, giá tôm hùm xanh khoảng 800.000 - 900.000 đồng/kg (loại 0,25kg/con trở lên); tôm hùm bông lên 1,7 triệu đồng/kg.

Trung Quốc mở cửa thị trường, giá tôm hùm Khánh Hòa tăng cao, giá tôm hùm bông cao nhất là bao nhiêu? - Ảnh 2.

Hoạt động thu mua tôm hùm tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đang diễn ra khá nhộn nhịp.

Giá tôm hùm tăng cao mang lại niềm vui cho người nuôi, nhất là sau thời gian dài việc tiêu thụ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Ông Nguyễn Hữu Hùng - người nuôi tôm ở phường Cam Linh (Cam Ranh) chia sẻ: “Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, chưa có năm nào dịp cận Tết việc tiêu thụ tôm hùm lại nhộn nhịp đến vậy. Gia đình tôi đã chốt bán 1 tấn tôm hùm xanh với giá 850.000 đồng/kg, chỉ chờ xếp lịch bắt tôm. Năm nay, việc nuôi tôm khá thuận lợi khi tỷ lệ hao hụt thấp hơn mọi năm, cuối năm, giá bán lại cao nên nhiều hộ nuôi thu lãi khá, nhờ đó có thêm điều kiện để mua sắm Tết sung túc hơn”.

Qua theo dõi của Trạm Thủy sản Cam Ranh - Khánh Sơn - Trường Sa (Chi cục Thủy sản), hiện nay, trên địa bàn Cam Ranh có khoảng 56.000 lồng nuôi tôm hùm, hầu hết là tôm hùm xanh. Từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, mỗi ngày có khoảng 55 ghe của thương lái ra các vùng nuôi để thu mua tôm, với sản lượng khoảng hơn 80 tấn. 

Tại các vùng nuôi khác trong tỉnh, như: Vạn Ninh với khoảng 28.000 lồng, Nha Trang với gần 3.000 lồng… việc mua bán tôm hùm cũng diễn ra sôi động. Ước tính, mỗi ngày, toàn tỉnh có hơn 100 tấn tôm hùm được thu mua phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa dịp Tết.

Hướng đến xuất khẩu chính ngạch

Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Tôm hùm là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh, với khoảng 87.000 lồng (80% tôm hùm xanh, 20% tôm hùm bông), sản lượng khoảng 1.400 tấn/năm. 

Lâu nay, 80% lượng tôm hùm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, 20% còn lại tiêu thụ nội địa. Qua theo dõi, những năm qua, việc tiêu thụ tôm hùm theo đường tiểu ngạch khá bấp bênh, có những thời điểm giá tôm hùm xuống đáy khiến cho người nuôi thua lỗ nặng. 

Để tiêu thụ tôm hùm thương phẩm ổn định, thời gian tới, ngành thủy sản tỉnh sẽ tập trung phát triển đối tượng nuôi này theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu theo đường chính ngạch”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh, một số vùng biển từ 3 hải lý trở vào sẽ được ưu tiên để phát triển nuôi tôm hùm lồng. 

Việc phát triển đối tượng nuôi này được định hướng ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thức ăn công nghiệp, lồng bè nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, chịu được gió bão lớn. Để xuất khẩu chính ngạch, người nuôi cần chú trọng việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. 

Do đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa lưu ý nông dân cần thận trọng, theo dõi sát diễn biến của thị trường, thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đây là cơ sở quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc, hướng đến xuất khẩu tôm theo đường chính ngạch.