Tất bật những ngày cận Tết
Ngang qua khu Hoà Đông, thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) những ngày cuối năm, thấy đâu đâu cũng là những vỉ bánh tráng được phơi trắng cả một con đường, các lò bánh đỏ lửa ngày đêm, hương thơm của bánh chín lan tỏa khắp nơi.
Công việc làm bánh tráng ở các lò diễn ra quanh năm, nhưng vào những ngày giáp Tết Nguyên đán là thời điểm bánh tráng được đặt hàng và tiêu thụ nhiều nhất. Sản lượng bánh tăng lên gấp 2-3 lần để kịp phục vụ khách hàng dịp Tết.
Dù thời tiết mưa lạnh nhưng lò bánh tráng của nhà ông Cao Văn Sum (65 tuổi) vẫn đỏ lửa đều đặn. Mỗi ngày làm khoảng 40kg gạo, được bao nhiêu bánh thì bán hết bấy nhiêu. Tuy nhu cầu khách hàng tăng cao trong dịp Tết nhưng vì sức khoẻ nên vợ chồng ông không dám nhận nhiều.
Ông Sum cho biết, bánh tráng là đặc sản của người dân xứ Quảng, nên cứ Tết đến là làm không kịp bán. Mùa này thời tiết ít nắng, bánh sau khi hấp chín sẽ được trải lên vỉ và xông trên than hồng để bánh khô đều.
Nghề làm bánh tráng nhọc nhằn, thức khuya dậy sớm, nhưng vợ chồng ông đã gắn bó suốt 30 năm qua. Người vo gạo, xay bột, người tráng bánh, phơi bánh, nhiều công đoạn được chắt chiu, tỉ mỉ để đưa đến tay người tiêu dùng những chiếc bánh tráng Đại Lộc thơm ngon nhất.
Bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi) vui vẻ nói: "Tuy vào mùa bánh Tết thời tiết thường mưa lạnh kéo dài, ảnh hưởng đến sản lượng bánh tráng và chi phí sản xuất tăng lên, nhưng đổi lại đơn hàng tăng cao, bán rất chạy.
Dù ngồi còng lưng tráng bánh từ 6 giờ sáng tới 3 giờ chiều mới xong, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi nhưng tôi phấn khởi lắm. Dịp cận Tết tôi bán gần 50kg bánh mỗi ngày, nhờ đó có thêm thu nhập khá để sắm sửa".
Tết ấm no nhờ làm nghề bánh tráng
Chỉ khi trời có nắng mạnh thì người dân mới mang bánh ra phơi, không phơi khi nắng yếu vì sẽ khiến bánh bị bể, khi ăn sẽ không dậy mùi vị và hương thơm.
Ông Sum làm các loại bánh tráng cuốn, bánh tráng nướng với giá bán dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg, ngoài ra còn tráng mỳ tươi, mỳ khô. Các thương lái đến tận lò để lấy bánh và đem đi tiêu thụ ở khắp nơi, hoặc bán lẻ cho người dân địa phương chế biến món ăn ngày Tết.
Có quy mô sản xuất lớn hơn, cơ sở của ông Nguyễn Văn Khôi (62 tuổi) cũng là một trong những hộ gia đình làm bánh tráng lâu đời ở thị trấn Ái Nghĩa. Từ tháng 11 âm lịch, bạn hàng từ khắp nơi đã đặt bánh với số lượng lớn để bán Tết. Tại đây, 3 lò bánh rực lửa mỗi ngày với 6 lao động sản xuất thường xuyên.
Mỗi ngày cơ sở của ông làm được 2.000 chiếc bánh tráng nướng, dịp Tết nhu cầu tiêu thụ cao nên bánh bán hết ngay trong ngày. Lò bánh tráng làm hoàn toàn thủ công, đốt lò bằng vỏ trấu thay củi hoặc than giúp cho lửa cháy đều, bánh chín thơm hơn.
Ông Khôi bộc bạch: "Để bánh tráng nướng ngon, thơm, giòn thì phải chú trọng khâu chuẩn bị nguyên liệu, pha trộn bột vừa đủ độ sệt. Gạo được ngâm nước qua một đêm rồi mới xay thành bột, gừng và tỏi giã nhuyễn rồi thêm muối, mè, đường, tiêu… (gia vị có thể được thay đổi theo yêu cầu riêng).
Bên cạnh đó, phải khéo léo đổ bột và tráng bánh đều tay, động tác phải nhanh và chuẩn để làm ra những chiếc bánh mịn màng, đẹp mắt, tròn trịa, nhìn "trăm chiếc như một". Quá trình làm ít nhất phải có hai người, một người đổ bột và một người gỡ bánh".
Công việc sấy bánh cũng nhọc công và đòi hỏi người làm phải chú ý thay đổi thứ tự vỉ để bánh khô đều. Các nhân công tráng bánh, sấy bánh, phơi bánh được trả công 20.000 đồng/giờ, phù hợp với các chị em phụ nữ lúc nông nhàn.
Nghề làm bánh tráng truyền thống nhiều vất vả, thu nhập không quá cao, nhưng nhờ đó mà nhiều hộ gia đình thoát nghèo, kinh tế khấm khá. Một mùa xuân nữa lại về, làng bánh tráng Đại Lộc rộn ràng sản xuất, hi vọng đón một cái Tết ấm no, đủ đầy.