Làng cổ làm gốm ở Hội An của Quảng Nam, dân đang cần mẫn nặn linh vật bán Tết 2023
Làng cổ làm gốm ở Hội An của Quảng Nam, dân đang cần mẫn nặn linh vật này bán dịp Tết 2023
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ ba, ngày 27/12/2022 05:07 AM (GMT+7)
Trong không khí rộn ràng, hối hả của làng nghề gốm Thanh Hà (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) những ngày giáp Tết Nguyên đán, anh Lê Văn Nhật (34 tuổi) vẫn cần mẫn và say mê với từng chi tiết nhỏ để tạo hình linh vật mèo của năm Quý Mão 2023.
Làng gốm Thanh Hà có lịch sử hình thành lâu đời với hơn 500 tuổi. Để thích ứng với đời sống hội nhập, hiện đại, người làng đã sáng tạo đa dạng mẫu mã gốm truyền thống, đưa sản phẩm gốm Hội An tiêu thụ mạnh trên thị trường.
Anh Lê Văn Nhật đang tạo linh vật con mèo năm Quý Mão. Ảnh: T.N.
Cũng vì thế vào dịp Tết hàng năm, du khách gần xa lại tìm đến làng gốm Thanh Hà để tham quan, trải nghiệm. Đặc biêt là đến chiêm ngưỡng những linh vật Tết kỳ thú và độc đáo.
Tìm về cơ sở gốm của anh Lê Văn Nhật, người duy nhất đang tạo ra những tượng linh vật mèo của năm Quý Mão tại làng gốm Thanh Hà, chúng tôi thấy chàng trai trẻ đang chăm chú tạo thân hình cho một "chú mèo khổng lồ".
Clip: Anh Lê Văn Nhật (phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) một nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà, người nặn linh vật Tết 2023. Đó là con mèo gốm.
Anh Nhật vui vẻ nói: "Vào dịp cận Tết, tạo linh vật là một thú vui đặc trưng tại làng gốm. Ban đầu, tôi chỉ làm vài tượng mèo để trau dồi kỹ năng, nâng cao tay nghề và đem làm vật trang trí tại xưởng. Sau này khách hàng thấy đẹp nên đặt hàng và tôi đầu tư thời gian tìm hiểu, luyện tập để làm ra những tượng mèo đẹp nhất".
Phải tỉ mỉ đắp tạo từng nét để mèo không bị thô cứng, không mất đi sự nhẹ nhàng, hiền lành. Ảnh: T.N.
Không cần một bản vẽ hay hình ảnh cụ thể, anh Nhật dùng bàn tay khéo léo và điêu luyện để vọc đất, đắp tạo hình mèo theo trí tưởng tượng trong đầu. Qua vài lần chế tác, anh đã tự nghiệm ra những lỗi sai, những điểm chưa phù hợp để lấy làm bài học kinh nghiệm tạo được con mèo có sắc thái, hình dáng đẹp mắt hơn.
Làm tượng mèo tuy không quá công phu, nhưng đòi hỏi người thợ phải nhẫn nại, tỉ mỉ và có khiếu nghệ thuật.
Từ nguồn đất được chính phù sa sông Thu Bồn bồi đắp, anh sẽ làm đất theo cách truyền thống của làng gốm Thanh Hà để tạo được đất sét mịn, mềm dẻo và nhuyễn. Anh nhào đất, đắp đất dựng phôi, tạo hình cho tượng mèo. Vì thời tiết cận Tết thường mưa lạnh, ít nắng, nên tượng đất ráo đến đâu thì anh sẽ đắp đến đó.
Khoảng 2 ngày tượng mèo được định hình thì anh Nhật mang đi phơi nắng. Nếu trời nắng tốt thì phơi 5 ngày tượng mới khô hoàn toàn và sẽ được mang đi nung trong 12 tiếng. Anh Nhật còn đục thêm một lỗ ở đáy tượng để đất ráo nước, khô đều, sản phẩm hoàn thành không bị nứt, hoặc bị hư hỏng trong quá trình nung ở nhiệt độ cao.
Mỗi tượng linh vật mèo có giá dao động 2 triệu đồng (tuỳ vào kích thước và kiểu dáng). Ảnh: T.N.
Anh Nhật chia sẻ, công đoạn tạo hình chiếm phần lớn thời gian làm tượng và cũng là khâu khó nhất. Bởi con mèo thường có 2 dáng ngồi thẳng và nằm, dáng thon thả, béo tròn, đáng yêu. Người thợ phải đắp tạo được dáng uyển chuyển, các chi nhỏ nhắn, thanh mảnh của mèo. Đồng thời đắp tạo dựng được phôi tượng chắc chắn, để đảm bảo an toàn trong quá trình nung, sản phẩm dùng được lâu.
"Qua nhiều lần đắp luyện thì tôi đã lưu ý được những điểm đặc trưng trong tạo dáng mèo. Điển hình với dáng mèo ngồi, lưng và đầu hướng thẳng, hai tai vểnh lên, đuôi cuộn vào thân. Phải tỉ mỉ đắp tạo từng nét để mèo không bị thô cứng, không mất đi sự nhẹ nhàng, hiền lành. Tôi đắp từng bộ phận, vừa chỉnh sửa vừa chờ cho phôi định hình, đất ráo.
Nắn tạo trong và ngoài phần thân để làm thành khối đồng nhất, kiên cố. Bên cạnh đó, mèo là con vật nhỏ bé, lông bao phủ, nên người thợ cần đánh được lớp lông mèo đẹp, tạo hiệu ứng sinh động để người xem không thấy tượng mèo bị đơ cứng", anh Nhật nói.
Bắt đầu làm từ đầu tháng 11 Âm lịch, nhưng do thời tiết không thuận lợi nên anh Nhật bị nhiều gián đoạn sản xuất. Đến nay, xưởng của anh đã chế tác được 8 tượng mèo với đa dạng kích thước, chiều cao trung bình 60cm. Ước tính sau khi nung, mỗi tượng mèo sẽ có trọng lượng 25kg.
Đặc biệt, anh Nhật không "trang điểm" cho mèo, mà giữ nguyên màu gốm đỏ truyền thống để quảng bá vẻ đẹp nguyên sơ của gốm nung Thanh Hà. Đồng thời anh gắn thêm những sợi cước ni lông để tạo râu cho mèo.
Anh Nhật tâm sự: "Làm gốm cực nhọc và thu nhập thấp, nên ba tôi muốn các con học nghề và kiếm việc khác ổn định hơn. Nhưng từ nhỏ tôi đã quen với chiếc bàn xoay, đất sét, nên máu nghề cứ ngấm sâu trong tiềm thức.
Khi ba mất, tôi lại quay về với gốm và phát triển cơ sở sản xuất với những dòng sản phẩm như chum, lọ, gốm lưu niệm…. Tuy mỗi tháng tôi chỉ thu nhập khoảng 7 triệu đồng, nhưng được thực hiện niềm đam mê với gốm, nối nghề của ba nên tôi hạnh phúc lắm".
Không phải ai cũng làm được sản phẩm gốm nghệ thuật, bởi ngoài sự hiểu biết về gốm, còn đòi hỏi người thợ hay người nghệ nhân phải có con mắt nhìn thẩm mỹ.
Theo anh Nhật, người làm gốm phải có sự thăng hoa trong cảm xúc thì mới dễ dàng "thổi hồn" vào đất, tạo được một sản phẩm có ý nghĩa riêng biệt. Vì thế, sau khi hoàn thiện phần tạo hình cho tượng mèo, anh tập trung tạo sắc thái cho mèo thông qua việc tạo mắt, mũi, râu, miệng. Khi kết hợp hài hoà giữa hình thể và biểu cảm, anh Nhật chế tác thành công tượng mèo tinh xảo nhất.
Hiện nay, anh đang chế tác 4 tượng mèo theo đơn đặt hàng của phường. Trung bình mỗi tượng linh vật mèo có giá 2 triệu đồng (tuỳ vào kích thước và kiểu dáng). Anh Nhật đang cố gắng rèn luyện nâng cao tay nghề, thử chế tác thêm những tượng mèo đa đạng sắc thái, biểu cảm… để trưng bày và phục vụ thị trường dịp Tết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.