Quảng Nam: Làng rau 500 tuổi chuyên trồng rau sạch nổi tiếng nhất miền Trung rộn ràng vào vụ Tết

Tuyết Nhung - Trần Hậu Chủ nhật, ngày 08/01/2023 09:49 AM (GMT+7)
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, nông dân tại làng rau Trà Quế (thuộc thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang tất bật làm đất, xuống giống, tưới nước… để chuẩn bị cung ứng rau sạch cho thị trường dịp Tết.
Bình luận 0

Làng rau Trà Quế được biết đến là vùng trồng rau truyền thống có tuổi đời khoảng 500 năm, cung cấp rau sạch cho người dân thành phố Hội An và các địa phương lân cận. Đồng thời, đây cũng là làng rau nổi tiếng nhất miền Trung, là địa điểm du lịch không thể bỏ lỡ khi đến với đô thị cổ Hội An, thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Làng rau 500 tuổi nổi tiếng nhất miền Trung rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 1.

Từ giữa tháng 11 Âm lịch, nông dân làng rau Trà Quế bắt đầu xuống giống vụ rau Tết. Ảnh: T.N.

Hiện nay, làng rau Trà Quế có hơn 200 hộ trồng rau trên tổng diện tích khoảng 18ha. Chuyên trồng các loại rau ngắn ngày như: rau cải, xà lách, rau muống, rau húng quế… cung cấp cho các chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt, đây là những loại rau ăn kèm không thể thiếu trong các món ăn đặc sản Quảng Nam như mì Quảng, cao lầu, bánh xèo, nem lụi.

Làng rau 500 tuổi nổi tiếng nhất miền Trung rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 2.

Làng rau Trà Quế có hơn 200 hộ trồng rau trên tổng diện tích khoảng 18ha. Ảnh: T.N.

Đang cấy luống rau cải, bà Thu (59 tuổi) bộc bạch: "Tôi trồng 2 sào rau các loại từ giữa tháng 11 Âm lịch để kịp thu hoạch bán dịp Tết, nhưng những đợt mưa lạnh kéo dài khiến cho hạt giống không nảy mầm, rau chậm lớn, sản lượng giảm. Mấy nay tranh thủ trời có chút nắng ấm, rau "tươi tỉnh" trở lại, tôi nhổ cấy thành từng hàng để cây sinh trưởng tốt hơn.

Dịp Tết mọi năm, nhờ hái rau bán mà tôi có nguồn thu nhập khá khoảng 5-7 triệu đồng. Hi vọng thời tiết những ngày tới sẽ thuận lợi hơn để tôi gỡ gạc lại chút ít, rau được giá thì nông dân mới có tiền mua sắm và lo Tết đủ đầy".

Làng rau 500 tuổi nổi tiếng nhất miền Trung rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 3.

Bà Thu trồng 2 sào rau ăn lá các loại để phục vụ thị trường dịp Tết. Ảnh: T.N.

Nông dân Trà Quế trồng rau quanh năm và sản xuất gối vụ nhằm đảm bảo cung ứng hàng hoá liên tục cho các đầu mối. Nhưng vụ rau Tết luôn được bà con mong đợi nhất, vì lúc này nhu cầu tiêu dùng tăng cao, rau được giá nên nông dân có thu nhập khá.

Đặc biệt, nông dân làng rau Trà Quế xưa nay canh tác hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn rau sạch VietGAP nên đảm bảo chất lượng an toàn. Dù sản phẩm có giá thành cao hơn so với những nơi khác, nhưng vẫn được khách hàng rất ưa chuộng.

Bà Nguyễn Thị Tào cho hay, năm nay chi phí sản xuất tăng cao, có thứ tăng gấp 2-3 lần, thời tiết lại không thuận lợi nên nông dân thất thu nhiều. Vì vậy bà rất mong đợi vào vụ rau Tết này, nếu trời nắng ấm thì những luống rau cải và xà lách sẽ kịp bán Tết.

Làng rau 500 tuổi nổi tiếng nhất miền Trung rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 4.

Rau Trà Quế được canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, nên chất lượng an toàn, thơm ngon đặc trưng. Ảnh: T.N.

Người dân thường vớt rong ở sông Đế Võng để làm phân bón tự nhiên giúp rau vừa chất lượng, vừa có mùi thơm đặc trưng. Khi nguồn rong không đủ thì bà con dùng phân hữu cơ được ủ từ xác trà, bã cà phê, bã đậu nành, bánh dầu, phân bò, phân trâu.

Đồng thời, nông dân cam kết không sử dụng thuốc hóa học trong sản xuất, vì thế rau Trà Quế luôn tươi xanh, ngon ngọt và có mùi thơm đặc trưng, để nhiều ngày không sợ rau hỏng.

Làng rau 500 tuổi nổi tiếng nhất miền Trung rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 5.

Nông dân Trà Quế mong đợi một vụ rau Tết ấm no, được mùa được giá. Ảnh: T.N.

Hiện nay, giá rau các loại được thu mua với giá khá cao, nhưng nông dân Trà Quế không có đủ rau để đáp ứng. Rau xanh trung bình 40.000 đồng/kg, rau gia vị (húng, quế) 60.000-70.000 đồng/kg.

Làng rau Trà Quế còn là điểm đến tham quan, du lịch lý tưởng cho những ai ưa thích khám phá thiên nhiên. Đặc biệt, khách quốc tế rất thích thú khi tham gia trải nghiệm công việc trồng rau, làm nông dân tại làng nghề.

Làng rau 500 tuổi nổi tiếng nhất miền Trung rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 6.

Bên cạnh những loại rau chủ lực, một số hộ dân còn trồng thêm các loại hoa lay ơn, cúc đất để tăng thu nhập và phục vụ cho dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: T.N.

Ông Nguyễn Lên (64 tuổi) chia sẻ: "Thời tiết mưa phùn, sương muối và lạnh kéo dài nên giống không lên, rau không lớn, sâu bệnh nhiều, sản lượng hao hụt. Tết tôi chủ yếu trồng cải và xà lách, thêm một số loại như hành lá, ngò, cải mầm…. Nếu thời tiết nắng đều thì những luống rau này sẽ kịp bán Tết.

Bên cạnh trồng rau, tôi còn hướng dẫn các du khách nước ngoài xới đất, bón phân, trồng rau. Công việc này khiến tôi vừa cảm thấy phấn khởi, vừa có thêm thu nhập để trang trải".

Làng rau 500 tuổi nổi tiếng nhất miền Trung rộn ràng vào vụ Tết - Ảnh 7.

Nông dân có thêm thu nhập nhờ hướng dẫn du khách trải nghiệm trồng rau. Ảnh: T.N.

Bên cạnh những loại rau chủ lực, một số hộ dân còn trồng thêm các loại hoa ngắn ngày như lay ơn, cúc đất… để tăng thu nhập và phục vụ cho dịp Tết đến Xuân về.

Bà Thu hào hứng nói: "Hoa lay ơn dễ trồng, ít bị sâu bệnh hại nên tôi trồng 2 luống hoa xen canh với rau. Vào dịp Tết, mỗi bó hoa lay ơn có giá từ 100.000-150.000 đồng (10 cành). Nếu thời tiết ấm hơn thì hoa chắc chắn sẽ nở kịp Tết, tôi có thể thu lãi thêm khoảng 1.000.000 đồng".

Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề, nông dân làng rau Trà Quế đang tất bật sản xuất, chăm sóc những luống rau tươi tốt để cung ứng cho thị trường. Bà con cầu mong thời tiết thuận lợi, rau màu sinh trưởng tốt, mùa màng bội vụ, đón Tết ấm no.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem