28 Tết rồi mà cả làng ở Quảng Nam vẫn thay nhau gõ lốc cốc, làm ra thứ bánh in đặc sản
28 Tết rồi mà cả làng ở Quảng Nam vẫn thay nhau gõ lốc cốc, làm ra thứ bánh đặc sản
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Thứ năm, ngày 19/01/2023 10:29 AM (GMT+7)
Về thăm làng bánh in An Lạc (thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) những ngày giáp Tết, chúng tôi nghe mùi thơm nức mũi của những mẻ bánh đậu xanh mới ra lò, cùng tiếng ồn của máy xay trộn bột, tiếng gõ lốc cốc của người thợ in bánh.
Bánh in là một trong bốn loại bánh truyền thống nổi tiếng của xứ Quảng: tét, tổ, nổ, in. Đây là thức bánh dân dã, mang đậm hương vị Tết cổ truyền, được con cháu dâng lên bàn thờ tổ tiên để không khí ngày xuân thêm ấm cúng, sum vầy, cầu mong một năm mới vừa vặn như in.
Làng bánh in An Lạc xưa kia có hàng chục hộ làm nghề, nhưng hiện nay chỉ còn vài hộ sản xuất thường xuyên, chủ yếu là vào dịp Tết. Đây là thời điểm người dân có nhu cầu mua bánh để thờ cúng, biếu tặng, làm quà đặc sản.
Đặc biệt, bánh in đậu xanh là loại bán chạy nhất, các cơ sở phải hoạt động hết công suất để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Đến ngay đầu làng thôn An Lạc đã nghe tiếng gõ lốc cốc vang vọng từ cơ sở bánh Hạnh Nguyên của ông Đinh Xuân Cầm (68 tuổi). Ông đã gắn bó với nghề làm bánh in truyền thống hàng chục năm nay, nhờ đó mà gia đình khấm khá hơn.
Ông Cầm phấn khởi nói: "Năm nay không còn dịch Covid nên có nhiều đơn hàng đặt bánh từ rất sớm. Cơ sở bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 11 Âm lịch với 5 nhân công, làm hết công suất được khoảng 2 tạ bánh mỗi ngày. Đến nay, tôi đã xuất bán hơn 2 tấn bánh cho các đại lý, bạn hàng trên địa bàn toàn tỉnh".
Chiếc bánh in thoạt nhìn đơn sơ, nhưng để làm ra chiếc bánh vừa ngon, vừa đẹp phải tốn nhiều công sức. Ngày xưa, người làng An Lạc làm bánh in thủ công hoàn toàn nên rất cực nhọc. Từ nguyên liệu là nếp thơm, đem vo sạch, để ráo, rang đến khi vàng đều, xay mịn và đem phơi sương.
Đậu xanh cũng được rang và xay nhuyễn. Đường bát (đường tán) được bào mịn, trộn đều với bột nếp và bột đậu xanh, nhào thật đều tay để bột chín tới và cho vào khuôn gỗ in bánh thành hình. Bánh in xong được đem phơi một nắng và nướng lại trên bếp than để bánh cứng, để được lâu.
Ông Cầm chia sẻ, hiện nay các hộ làm bánh đã áp dụng một số máy móc hiện đại vào sản xuất như: máy xay bột, trộn bột, máy in bánh, lò nướng… giúp công việc làm bánh thuận tiện hơn, sản lượng tăng cao. Cơ sở của ông chỉ hoạt động vào dịp Tết nên vẫn duy trì cách in bánh thủ công bằng khuôn gỗ, nhưng vẫn đảm bảo chiếc bánh in an toàn vệ sinh và bắt mắt, tinh xảo.
Bên cạnh đó, người làng dùng đường cát để thay thế cho đường bát, nhằm tăng phần đẹp mắt cho chiếc bánh in thành phẩm. Đường cát được nấu theo bí quyết riêng để tạo được nước đường vừa thắng tới.
Sản xuất 2 tạ bánh mỗi ngày
Công việc làm bánh phù hợp với những lao động nông nhàn tại địa phương, với thu nhập dao động từ 200.000-300.000 đồng/ngày.
Đối diện nhà ông Cầm là cơ sở bánh in Tường Vi của ông Huỳnh Quang Trung (60 tuổi). Dịp Tết năm nay, ông sản xuất 2 tạ bánh mỗi ngày với hai dòng bánh đậu xanh và bánh nếp truyền thống, có da dạng các mẫu mã, đóng gói theo yêu cầu của khách hàng.
Ông Trung hào hứng nói: "Đã lâu rồi làng bánh in An Lạc mới nhộn nhịp như trước, người xe ra vào chở bánh đi tiêu thụ khắp nơi, nghe tiếng gõ khuôn lốc cốc là thấy Tết đang đến rất gần. Ngày thường chỉ có 2 vợ chồng tôi sản xuất cầm chừng theo đơn của bạn hàng, nhưng cận Tết phải thuê thêm lao động để làm cho kịp hàng.
Nếu thương lái đặt hàng gấp thì cơ sở phải tăng cường làm cả ngày lẫn đêm, tuy mệt nhưng có thêm thu nhập trang trải dịp Tết thì ai cũng phấn khởi".
Bánh in là đặc sản mang đậm hương vị quê nhà, là vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết cổ truyền. Mỗi nhà có công thức làm bánh riêng, nhưng chiếc bánh in truyền thống ở làng An Lạc luôn có cùng hương vị ngọt thanh của đường, mềm dẻo của nếp và bùi bùi của đậu xanh.
Ông Trung đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để trang bị nhiều máy móc sản xuất bánh. Đặc biệt, máy in bánh trị giá 96 triệu đồng đã giúp ông giảm chi phí, gia tăng năng suất, đa dạng mẫu mã, hoa văn.
"Tuy có máy móc hỗ trợ, nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ và khéo léo. Người thợ làm bánh vừa phải in thật nhanh tay để tranh thủ lúc "bột đang chín" tạo hình bánh cứng, không bị mẻ, vỡ; vừa phải nén thật chặt bột vào khuôn để in rõ từng đường nét, hoa văn", ông Trung chia sẻ thêm.
Năm nay giá nguyên liệu tăng cao, nhưng những hộ làm bánh ở An Lạc vẫn duy trì mức giá cũ, dao động từ 30.000-36.000 đồng/kg (tuỳ loại). Đặc biệt, mẫu bánh in được xếp theo hình tháp, trang trí bắt mắt hiện đang bán rất chạy, được người dân ưa chuộng mua làm quà hoặc chưng trên bàn thờ ngày Tết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.