Như thường lệ, sáng sớm ngày 27/1 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023), hàng nghìn người ở các nơi nô nức kéo nhau về xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) để họp phiên chợ Chuộng.
Bình thường người dân đi chợ để "mua may, bán rủi" nhưng phiên chợ Chuộng rất kỳ lạ và độc đáo khi người dân quan niệm năm nào ở chợ "choảng nhau" càng to thì năm đó làm ăn được nhiều may mắn hơn.
Chợ Chuộng họp trên bãi đất rộng khoảng hơn 1.000 m2, ven sông Thiều thuộc địa phận làng Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ sáng sớm tinh mơ người dân sống xung quanh của 3 huyện: Đông Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Hóa lại chen chúc rủ nhau đến chợ Chuộng mua cho mình một món quà đầu năm. Nhiều tốp thanh niên, trai, gái thường tìm mua cho mình những túi cà chua chín làm “vũ khí" để "choảng nhau" cầu may.
Theo những bậc cao niên, không ai biết chợ Chuộng có từ bao giờ. Tục truyền rằng, vào thời nhà Lê, có một vị vua khi ngang qua vùng này đúng mùng 6 Tết Nguyên đán thì bị địch phát hiện và vây bắt. Vị vua này bèn huy động người dân trong vùng tổ chức họp chợ nhằm che mắt giặc.
Người dân đã cất giấu vũ khí trong hàng hóa ở chợ. Quân giặc nghĩ đây là một phiên chợ bình thường nên mất cảnh giác, khi vị vua phát lệnh, người dân đã dùng vũ khí giấu sẵn vùng lên khiến giặc không kịp trở tay.
Từ đó để tưởng nhớ công lao của vị vua này, hàng năm cứ đến mùng 6 Tết là người dân trong vùng lại về đây họp chợ. Dù mưa, hay nắng thì người đến chợ đều rất đông, chủ yếu vẫn là nam thanh, nữ tú đến đây để "choảng nhau" bằng cà chua chín đỏ.
Chợ họp từ rất sớm đến khi hết người mới kết thúc, có năm đến tối mịt mới hết chợ. Chính vì thế dân gian có câu: "Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng" để nói về một nét đặc sắc của phiên chợ có một không hai ở xứ Thanh.
Nhiều mặt hàng được bày bán tại phiên chợ
Cà chua được bán chạy nhất trong số các mặt hàng bày bán tại chợ
Nhóm thanh niên mua cà chua làm "vũ khí" để "choảng nhau" cầu may
Đã có không ít người bị "dính đạn cà chua".