Bình Phước: Một chị tỷ phú nông dân bỏ vườn tiêu "liều" trồng mai vàng, bất ngờ thu hơn 1 tỷ

Thứ ba, ngày 31/01/2023 05:02 AM (GMT+7)
Với khu vườn trồng hơn 1.000 cây mai vàng giảo Thủ Đức, tết Nguyên đán năm 2022, gia đình chị Phạm Thị Linh (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) thu hơn 1 tỷ đồng
Bình luận 0

Từ lâu, mai vàng đã trở thành biểu tượng của mùa xuân phương Nam. Cây mai vàng ngày tết được người dân Nam Bộ quan niệm tượng trưng cho sự may mắn, giàu sang và thịnh vượng. Vì vậy, loài hoa này được rất nhiều người ưa chuộng và trang trí cho ngôi nhà của mình trong những ngày xuân. 

Trên mảnh đất vùng biên giới xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (Bình Phước), với niềm đam mê mai vàng, những năm qua, chị Phạm Thị Linh đã góp phần mang sắc xuân đến mọi nhà với hàng ngàn cây mai vàng rực rỡ.

Thu tiền tỷ từ trồng cây mai vàng

Chúng tôi gặp chị Phạm Thị Linh tại vườn mai của gia đình. Hàng trăm cây mai vàng với nhiều dáng thế đẹp thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhiệt tình đón tiếp, mời chúng tôi vào tham quan vườn hoa mai, chị Linh chia sẻ, chị đến với nghề trồng mai vàng như một nhân duyên.

Bình Phước: Một chị tỷ phú nông dân bỏ vườn tiêu "liều" trồng mai vàng, bất ngờ thu hơn 1 tỷ - Ảnh 1.

Với hơn 1.000 gốc mai vàng giảo Thủ Đức, tết Nguyên đán năm 2022 gia đình chị Phạm Thị Linh thu hơn 1 tỷ đồng

Cách đây 4 năm, khi giá tiêu giảm mạnh khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, chị Linh đã quyết định chuyển đổi cây trồng.

Qua tìm hiểu một số mô hình, cùng với sở thích và niềm đam mê mai vàng, chị Linh đã chọn trồng mai để phát triển kinh tế. Năm đầu tiên, chị đầu tư trồng vài trăm cây mai vàng.

Cần cù, sáng tạo, không ngại khó lại nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu nên dù mới kinh doanh loại cây này, nhưng khách hàng khi đến vườn nhà chị đều đánh giá cây chất lượng, hoa nhiều, màu sắc tươi tắn. Vì vậy năm đầu trồng, vườn mai được tiêu thụ hết và mang lại thu nhập khá cho gia đình. Từ đó, mỗi năm số lượng và chất lượng cây mai vàng trong vườn không ngừng tăng lên.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa Đậu Xuân Ngọc cho hay: Khi hồ tiêu rớt giá, ở địa phương rất nhiều nông hộ chuyển đổi trồng cây khác, có người chọn cây ăn trái, hoa màu… Trong đó, mô hình trồng cây mai vàng của gia đình chị Linh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu nên tết năm 2021, mặc dù còn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hơn 1.000 cây mai vàng của gia đình chị Linh vẫn được tiêu thụ hết, mang lại nguồn thu hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Tết năm nay, chị dự kiến đưa ra thị trường khoảng 1.200 chậu mai vàng.

Để đáp ứng nhu cầu mai vàng chưng tết, phù hợp túi tiền của nhiều gia đình, các cây mai trong vườn nhà chị giá dao động từ 1,5 triệu đến vài chục triệu đồng/cây. Hằng năm, nhiều thương lái đến vườn mai vàng thăm và đặt hàng, trong đó có cả thương lái từ Campuchia sang.

Bình Phước: Một chị tỷ phú nông dân bỏ vườn tiêu "liều" trồng mai vàng, bất ngờ thu hơn 1 tỷ - Ảnh 3.

Ngoài các cây mai vàng được chăm sóc từ lúc còn nhỏ, đầu năm nay chị Linh còn đầu tư thêm 1.000 cây mai ghép cho giá trị cao hơn.

Chị Linh cho hay: “Hai năm qua, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng mai vàng bán vẫn rất chạy. Quan điểm kinh doanh của tôi là chất lượng, uy tín, hướng đến mọi đối tượng đều có thể mua mai chưng tết, cho sắc xuân thêm thắm, tết cổ truyền ý nghĩa hơn nên vườn mai có nhiều loại với giá bán phù hợp. Hằng năm, cứ cách tết Nguyên đán khoảng 1,5-2 tháng, rất nhiều thương lái đến vườn thăm và đặt hàng”.

Hiện nay, ngoài giống mai giảo Thủ Đức được mua về chăm sóc từ nhỏ, chị Linh đầu tư thêm khoảng 1.000 gốc mai ghép với chi phí hàng tỷ đồng. Số mai ghép này đang trong quá trình chăm sóc ban đầu, tết sang năm có thể bán ra thị trường với giá hơn 10 triệu đồng/cây. 

Bên cạnh đó, chị cũng nhận chăm sóc mai của những gia đình sau khi chưng tết xong; tùy theo giá trị của từng gốc mà giá nhận chăm sóc cũng khác nhau, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/năm. Hiện vườn mai của gia đình chị đang tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 4 lao động, với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Vườn mai vàng cho sắc xuân thêm thắm

Châm chén trà mời khách, chị Linh chia sẻ, bản thân đam mê mai vàng từ nhỏ. Mỗi lần thấy mai vàng nở rộ, lòng chị lại xốn xang, như tết đã đến rất gần... 

Vì vậy, khi lập gia đình, dù điều kiện khó khăn nhưng hằng năm vào dịp tết chị vẫn cố gắng mua bằng được cây mai về chưng trong nhà. Những lúc rảnh rỗi, chị cũng thường tìm đến các vườn thăm ngắm, học hỏi cách chăm sóc mai. 

Rồi khi giá hồ tiêu “lao dốc”, nhiều đêm trăn trở nghĩ cách chuyển đổi cây trồng, chị đã nghĩ đến cây mai. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu vùng biên thích hợp phát triển mai vàng, chị đã mạnh dạn đầu tư.

Bình Phước: Một chị tỷ phú nông dân bỏ vườn tiêu "liều" trồng mai vàng, bất ngờ thu hơn 1 tỷ - Ảnh 5.

Người làm công đang phun thuốc ép cây mai vàng rụng lá để kịp nở đúng vào dịp tết cổ truyền năm nay

Chị Linh trải lòng: Tôi thích và đam mê mai vàng từ nhỏ, nhưng trồng mai đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn trong khi điều kiện gia đình không cho phép. 

Thế rồi, khi giá tiêu xuống thấp, với đam mê sẵn có, tôi đã chuyển đổi hơn 1 ha hồ tiêu sang trồng mai. Lúc đó, tôi vay 150 triệu đồng đầu tư trồng 300 gốc mai. Khó khăn những ngày đầu là không thể tránh khỏi, nhưng với tình yêu mai vàng, mỗi khi thấy những nụ hoa bung nở, lòng lại tràn đầy hạnh phúc, thì tôi không cho phép bản thân ngừng lại mà nhất định phải thành công.

Với chị Linh và những người làm nghề trồng mai vàng, họ không chỉ nghĩ đến giá trị kinh tế mà còn gửi gắm vào đó tình yêu, niềm đam mê với mai vàng. 

Không chỉ là tỷ phú nông dân về kinh tế mà còn là tỷ phú của tình yêu với hoa mai, mỗi ngày chị không ngừng sáng tạo, cung cấp ra thị trường những “tác phẩm” mai vàng đẹp, độc và chất lượng, với mong muốn cho mùa xuân thêm xuân.

"Sắc vàng tươi tắn của hoa mai như nét điểm tô để ngày tết cổ truyền dân tộc thêm vui tươi, ý nghĩa. Đối với người dân Nam Bộ, ngày tết trong nhà thường chưng mai vàng có trang trí những tấm thiệp chúc xuân, bao lì xì... với niềm tin, hy vọng về một năm mới sung túc, đủ đầy, an vui. Mỗi năm chỉ có một cái tết cổ truyền của dân tộc. Vì vậy, những người trồng mai như tôi phải cẩn thận chăm sóc để có những chậu mai thật đẹp phục vụ nhu cầu khách hàng. Đó cũng là niềm đam mê của mình để sắc mai tỏa đến muôn nơi...", Chị Phạm Thị Linh, nông dân tỷ phú trồng mai vàng xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Văn Đoàn (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem