Dân Việt

Cám cảnh nhìn những đồi cam tàn tạ, nhiều nhà vườn Đắk Lắk bỏ bê bởi "chăm rồi cũng lỗ"

Đinh Hằng 05/03/2023 14:54 GMT+7
Những năm gần đây, giá cam thấp, chỉ dao động từ 7.000 – 10.000 đồng/kg khiến nông dân Đắk Lắk không có lãi. Thậm chí gần đây, nhiều nông dân trồng cam đã bỏ chăm sóc hàng trăm héc-ta cam vì... “chăm rồi cũng lỗ”.

Huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) là một trong những địa phương có diện tích trồng cam lớn của tỉnh. Trước đây, toàn huyện có hơn 400 ha cam, được người dân trồng nhiều tại các xã Ea Wer, Ea Nuôl…

Tuy nhiên, theo Phòng NNPTNT huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), hiện nay trên địa bàn chỉ còn khoảng 150 ha cam. Diện tích trồng cam bị sụt giảm vì giá cam nhiều năm nay rất thấp, người dân bỏ bê chăm sóc và chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng mới.

Cám cảnh nhìn những đồi cam tàn tạ, nhiều nhà vườn Đắk Lắk bỏ bê bởi "chăm rồi cũng lỗ" - Ảnh 1.

Giá cam đang xuống thấp khiến nông dân trồng cam sành Đắk Lắk thu không đủ bù chi.

Ông Nguyễn Văn Lăng (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl) trồng hơn 5 ha cam từ năm 2015. Lúc đầu giá bán ổn định nên thu nhập từ vườn cam của gia đình ông khá tốt. Nhưng nhiều năm nay giá thu mua cam giảm xuống rất thấp, trong khi chi phí đầu tư lại cao nên ông Lăng đã bỏ hẳn, không còn đầu tư, chăm sóc vườn cam. 

Tương tự, ông Phạm Văn Ngọc (cũng ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl) quyết định chặt bỏ nhiều gốc cam để trồng nhãn, sầu riêng… Vườn của ông rộng 4 ha, được trồng xen canh nhiều loại cây khác nhau, trong đó cam chiếm diện tích lớn. 

Cam sành mất giá từ nhiều năm nay, nhưng ông vẫn cố chăm sóc với hy vọng giá bán sẽ lên. Thế nhưng giá cam ngày càng thấp buộc ông phải chặt bỏ. 

Ông Ngọc cho biết, với tình hình đầu tư và chăm sóc cây cam trên địa bàn thì nông dân phải bán với giá từ 12.000 – 15.000 đồng/kg cam mới không bị lỗ. Tuy nhiên, giá bán hiện chỉ dưới 10.000 đồng/kg, thậm chí có lúc vườn cam của ông phải bán giá 3.000 – 5.000 đồng/kg.

Cám cảnh nhìn những đồi cam tàn tạ, nhiều nhà vườn Đắk Lắk bỏ bê bởi "chăm rồi cũng lỗ" - Ảnh 3.

Nhiều vườn cam tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bị bỏ hoang, không ai chăm sóc.

Trước đây, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp – Du lịch Phú Nông Buôn Đôn có nhiều thành viên là nông dân trồng cam, nhưng giá cam thấp nên nhiều người đã chặt bỏ. Hiện nay diện tích trồng cam của các thành viên HTX chỉ còn khoảng 3,5 ha.

Ông Trần Văn Toàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Du lịch Phú Nông Buôn Đôn cho biết: “Cam được mua với giá rất thấp, trong khi chi phí đầu tư cao nên nhiều thành viên đã chuyển từ trồng cam sang các loại cây trồng khác. HTX cũng đã mua các thiết bị máy móc giúp chế biến, sấy lạnh các sản phẩm nông sản, trong đó có cam để tăng giá trị sản phẩm”.

Còn theo bà Trần Thị Thủy, Phó Phòng NNPTNT huyện Buôn Đôn, diện tích đất trên địa bàn huyện tương đối khô cằn nên việc chăm sóc, đầu tư cho cây cam sẽ có nhiều khó khăn hơn. 

Đây là một hạn chế nhưng cũng là một điểm mạnh, bởi nếu người dân trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật thì cam sẽ rất ngọt và chất lượng. Thế nhưng hiện giá cam thấp nên nông dân hầu như đã bỏ trồng cam chuyển sang loại cây trồng khác, trừ những vườn cam diện tích lớn được đầu tư công nghệ hiện đại. 

Để hạn chế tình trạng trồng ồ ạt một loại cây trồng mới, bà Thủy cho biết: “Phòng vẫn tuyên truyền, vận động bà con không nên trồng ồ ạt một loại cây theo thị trường, nhưng việc quyết định vẫn nằm ở người dân nên rất khó để có thể ổn định cây trồng trên địa bàn”.

Việc chặt bỏ cây cam vì giá quá rẻ không chỉ xảy ra trên địa bàn huyện Buôn Đôn mà còn diễn ra ở một địa phương trồng cam nổi tiếng khác là huyện Ea Kar. Theo Phòng NNPTNT huyện Ea Kar, năm 2020, diện tích trồng cam trên địa bàn huyện khoảng hơn 300 ha; năm 2022, giảm còn khoảng 167 ha.

Thiết nghĩ, điệp khúc "trồng - chặt" vẫn sẽ tiếp tục diễn ra không chỉ riêng đối với cây cam nếu cơ quan chức năng không vào cuộc tích cực, đưa ra những phương án thiết thực, phù hợp với địa phương để định hướng cây trồng ổn định hơn cho bà con nông dân. 

Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải lắng nghe những khuyến cáo của các cơ quan chức năng, hạn chế chạy theo số đông. Trước khi chuyển đổi sang một loại cây trồng mới, cần tìm hiểu rõ thị trường và kỹ thuật chăm sóc cũng như tình hình thực tế tại địa phương.