Cả miền Nam trồng đậu phộng, vì sao chỉ có đậu phộng ở Long An lọt vào bài vọng cổ nổi tiếng?
Trong vô số loại hạt ngon, bổ dưỡng ở Long An, đây là thứ hạt bình dân đi vào một bài vọng cổ nổi tiếng
Quế Lâm
Chủ nhật, ngày 05/03/2023 12:56 PM (GMT+7)
Đặc sản vùng đất Đức Hòa (tỉnh Long An) đi vào nghệ thuật một cách bình dị, nhẹ nhàng như vậy trong bài vọng cổ nổi tiếng Cô gái tưới đậu của Trần Nam Dân. Cây đậu phộng có mặt ở Đức Hòa từ khi nào không ai nhớ rõ, chỉ biết rằng đó là loại cây trồng truyền thống của vùng đất giồng pha cát.
Và chất lượng hạt đậu phộng Đức Hòa của tỉnh Long An đã vươn xa trở thành đặc sản của vùng thượng Long An.
Đặc trưng về hương vị
Khoảng tháng 9 Âm lịch hàng năm, khi những cơn mưa mùa đã ngớt, nông dân Đức Hòa lại rục rịch xới đất, gieo đậu phộng.
Hạt đậu vừa gieo gặp mưa nhỏ thấm ướt sẽ nảy mầm. Khi mưa ngưng hẳn, loại cây ưa khô thỏa sức phát triển, cho ra hàng tấn đậu chắc hạt, thơm ngon.
Đậu phộng tại Đức Hòa có thể trồng quanh năm nhưng vụ mùa thuận lợi nhất là Đông Xuân. Nhiều người dân chọn luân canh cây trồng và cứ đến vụ mùa lại gieo đậu phộng để vừa đạt năng suất cao, vừa chuẩn bị cho mùa tết.
Những hạt đậu phộng Đức Hòa (Long An). Chỉ là một loại hạt ngon, bổ dưỡng, bình dân nhưng hạt đậu phộng Đức Hòa đã đi vào một bài vọng cổ nổi tiếng.
Đậu phộng Đức Hòa hạt nhỏ, có vị béo, bùi đặc trưng, nhiều dầu và được thực khách đánh giá cao
Đậu phộng Đức Hòa hạt nhỏ, có vị béo, bùi đặc trưng, nhiều dầu và được thực khách đánh giá cao.
Về những vùng trồng đậu phộng ở Đức Hòa, hầu như nhà nào cũng trữ một ít đậu khô trong nhà như món ăn không thể nào thiếu được.
Đậu phộng thu hoạch về được phơi khô, trữ lại, có thể mang ra đãi khách ngay khi cần. Ngoài ra, đậu khô có thể rang muối, làm kẹo đậu. Món đậu kho mặn ăn với cơm cũng là món ăn “gây thương nhớ” với không ít người con Đức Hòa.
Trên tuyến Quốc lộ N2, ven đoạn đường về Đức Hòa, rất dễ thấy những sạp hàng nhỏ bày bán đặc sản đậu phộng Đức Hòa: Đậu rang tỏi ớt vừa bùi, vừa cay; kẹo đậu phộng ngọt, thơm, béo; đậu rang nguyên vỏ mộc mạc đậm chất thôn quê và giữ được hương vị gốc của hạt đậu Đức Hòa.
Mỗi lò đậu sẽ có bí quyết riêng cho sản phẩm được thơm ngon nhất nhưng bí quyết chung nhất vẫn là “phải chọn đúng đậu Đức Hòa”, không thay bằng đậu phộng vùng khác vì đậu Đức Hòa có vị ngon riêng không lẫn vào đâu được. Nhưng ngày nay, diện tích trồng đậu phộng giảm dần ở vùng đất giồng.
Người trồng đang gặp khó
Chị Dương Thị Mỹ Lệ (ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa) kể, vợ chồng chị nối nghiệp gia đình trồng đậu phộng đã hơn 20 năm. Vào khoảng tháng 9 Âm lịch, gia đình chị lại dọn đất chuẩn bị cho mùa đậu phộng duy nhất trong năm.
Dù ít dù nhiều, năm nào, gia đình chị cũng trồng đậu phộng như một điều không thể thiếu. Năm nay, gia đình chị gieo 5.000m2 đậu phộng, được hơn 1 tháng. Thời tiết không thuận lợi nên dự kiến năng suất không được cao như kỳ vọng.
Chị Lệ chia sẻ: “Đậu phộng ưa nắng nên sau khi gieo hạt, nếu gặp mưa vùi thì không lên đều và nhiều bệnh. Thời tiết năm nay không thuận lợi nên đậu phộng ở khu này không tốt như mọi năm. Nếu mức giá dưới 25.000 đồng/kg thì có khi không có lời.”
Ruộng trồng đậu phộng ở Đức Hòa, tỉnh Long An. Diện tích trồng đậu phộng tại xã Lộc Giang giảm nhiều trong những năm gần đây.
Đó là một trong những nguyên nhân khiến diện tích trồng đậu phộng tại xã Lộc Giang giảm nhiều trong những năm gần đây. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Giang - Hồ Văn Uông cho biết: Trước đây, mỗi năm, diện tích trồng đậu phộng trên địa bàn xã khoảng 70ha nhưng năm nay giảm gần một nửa.
Ông Uông nói: “Những khó khăn chính của nông dân trồng đậu phộng hiện nay có thể kể đến là: Đầu ra không ổn định, thiếu nhân công, giá vật tư tăng cao khiến chi phí tăng, giảm lợi nhuận. Đậu phộng trồng ở vùng Lộc Giang ngon nổi tiếng nhưng diện tích trồng ngày một giảm vì lợi nhuận không còn cao nữa nên nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Vùng này hiện đã có máy tỉa đậu, có người đã chế được máy lặt đậu, thêm được máy nhổ đậu nữa thì có khi diện tích lại tăng như trước”.
Còn theo thông tin từ UBND xã Tân Mỹ, mùa đậu phộng năm nay, trên địa bàn xã không còn người trồng đậu nữa. Năm nay, diện tích đậu phộng trên toàn huyện Đức Hòa gần 250ha, đạt hơn 81,1% kế hoạch và giảm so cùng kỳ.
Đậu là loại cây trồng bản địa, quen thuộc với người dân nên trước đây, nhà nhà, người người trồng đậu phộng. Tuy nhiên, đậu phộng cũng là loại cây dễ bị sâu, bệnh và tốn nhiều công chăm sóc.
Những nông dân trồng đậu phộng lâu năm cho biết, hầu hết việc chăm sóc từ gieo hạt, tỉa đậu đến thu hoạch,... đều phải làm thủ công, tốn nhiều nhân công và chi phí. Nếu có thể sử dụng máy móc để giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất thì có thể người dân sẽ quay lại với cây trồng truyền thống của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.