Dân Việt

Một làng cổ nổi tiếng đất Hà Nam, đón vua ngoài đồng, một ông nông dân được tôn là Trạng Sấm

Thu Thảo 27/03/2023 05:02 GMT+7
Có một ngôi làng cổ dưới chân núi Đọi (tỉnh Hà Nam) mà khi nghe nhắc đến người ta nhớ ngay đến nơi vua Lê Hoàn về cày Tịch điền năm xưa, nhớ đến làng nghề làm trống nghìn năm tuổi. Tự hào ngôi làng ấy còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể cấp quốc gia.

Theo lịch tích làng Đọi Tam của Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, làng Đọi Tam thời trước là làng Giáp Ba, xã Đọi Sơn, tổng Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội. 

Từ ngày 20/10/1890 thuộc tỉnh Hà Nam. Nay  là đơn vị thôn của xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Làng nằm ngay dưới chân núi Đọi (Đọi là cái bát). 

Làng cổ, đến thời Tiền Lê (Lê Đại Hành), sự kiện vua Lê Hoàn về chân núi Đọi cày ruộng Tịch điền năm 987. Khu ruộng Tịch điền ngày ấy, nay dân làng vẫn gọi là ruộng kim ngân, có cánh đồng Hồ hiến tương truyền nơi dân làng sắm sửa lễ vật để nghênh đón nhà vua. 

Lại có đường Sừng trâu bạc, tương truyền có dấu vết của đàn trâu tham gia ngày hội Tịch điền. Tương truyền, ngài Nguyễn Đức Năng, người được dân làng tiến cử tham gia cày ruộng Tịch điền, dâng trống hội, tiếng trống vang như sấm, được dân làng suy tôn là Trạng Sấm. Ông còn là tổ nghề trống Đọi Tam…

Một làng cổ nổi tiếng đất Hà Nam, đón vua ngoài đồng, một ông nông dân được tôn là Trạng Sấm - Ảnh 1.

Đình Đọi Tam được công nhận là Di tích quốc gia về kiến trúc nghệ thuật. Đình làng Đọi Tam ở làng cổ Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Làng cổ Đọi Tam cũng là nơi diễn ra lễ tịch điền, nơi vua Lê Đại Hành về cày tịch điền...

Làng Đọi Tam hôm nay, trong diện mạo khang trang, hiện đại của nông thôn mới, bên cạnh những ngôi nhà cao tầng, kiên cố, những con đường làng bê tông, rải đá phẳng phiu, vẫn còn đó những công trình kiến trúc truyền thống, những cảnh vật mang đậm dấu ấn làng quê Bắc Bộ.

Đó là đình, chùa, đền, phủ, cây đa, giếng nước, cánh đồng lúa xanh rờn…Đặc biệt, đình làng Đọi Tam (diện tích 2.185m2, khánh thành tháng 6 năm Đinh Tỵ - 1617) đã được công nhận là Di tích quốc gia về kiến trúc nghệ thuật (tháng 12/2017).

Đình làng Đọi Tam tọa lạc ở đầu thôn, mặt đình quay ra hướng Tây Bắc. Đình làm kiểu tiền nhất, hậu đinh, tả vu, hữu vu, giải vũ hai bên, mỗi bên 3 gian. Tòa đệ nhị 3 gian, 2 chái. Hậu cung 1 gian (mới tu tạo).

Đình có không gian đẹp, cạnh chùa Hạ (Linh Quy tự) và phủ Mẫu. Thiết kế chồng rường, giá chiêng, bẩy… khang trang, bề thế. Những cột lim lớn, chân cột có lỗ đục để bắc giáo phòng khi lũ lụt xảy ra. Nghệ thuật chạm khắc: nhiều mảng chạm tứ linh, nhiều đồ thờ tự còn tốt, kiệu cổ…

Đình thờ Đức Cao Sơn Đại Vương, đỗ tiến sỹ năm Vạn lịch thứ 6 (1578), làm quan Phụ chính đại thần và thờ ông tổ nghề trống Đọi Tam Nguyễn Đức Năng.

Niềm tự hào của dân làng Đọi Tam không chỉ có vậy. Cả làng Đọi Tam hiện có khoảng 750 hộ dân, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đa ngành nghề như: may mặc, các dịch vụ nông nghiệp… Và số hộ làm trống cũng không còn nhiều như thời trước, nhưng quy mô sản xuất lại lớn hơn rất nhiều, kỹ thuật hiện đại, tinh xảo hơn. 

Trước sự đổi thay tất yếu của thời cuộc, những người thợ làm trống trong làng đã khá nhanh nhạy, thành lập Hiệp hội sản xuất, kinh doanh trống mang tên Đọi Tam để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Rồi không ngừng sáng tạo, bắt kịp xu thế thị trường, thị hiếu khách hàng, đổi mới công nghệ, nghiên cứu, tìm tòi, làm ra nhiều sản phẩm mới trên cơ sở cách thức từ nghề trống. 

Đọi Tam hiện có 5 nghệ nhân và rất nhiều thợ giỏi. Làng nghề bây giờ không chỉ làm trống, khách du lịch có thể mua các loại thùng đựng rượu Đọi Tam (làm bằng gỗ sồi nhập từ Bắc Âu) và rất nhiều sản phẩm tinh xảo khác của người thợ trống tạo ra. 

Chính sự năng động, sáng tạo, khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân nơi đây mà nghề làm trống truyền thống hơn nghìn năm tuổi vẫn được gìn giữ, phát triển. Đây cũng là lý do để làng nghề trống Đọi Tam đứng vững đến hôm nay, không bị mai một giống như nhiều làng nghề truyền thống khác. 

Cho đến ngày nay, tất cả những tinh hoa, bí quyết nhà nghề từ hơn nghìn năm của tổ tiên để lại vẫn được lớp lớp con cháu làng Đọi Tam trân trọng, gìn giữ và phát triển. Trong làng cổ Đọi Sơn còn duy trì được đội trống nữ do chị em phụ nữ làng đảm nhiệm chuyên phục vụ cho các lễ hội của làng, lễ hội Tịch điền và đi biểu diễn ở khắp nơi trong vùng… 

Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để hiểu tại sao nghề làm trống truyền thống ở Đọi Tam lại được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tháng 12/2019).

Đây là một tin vui, niềm vinh dự, tự hào lớn đối với người dân làng cổ Đọi Tam và Hiệp hội trống của làng. Ông Lê Ngọc Minh, nguyên Trưởng thôn Đọi Tam, người có rất nhiều tâm huyết với công việc chung của làng, không giấu được niềm vui: Không tự hào sao được! Hiếm có làng nào lại có hai di sản quốc gia như Đọi Tam. 

Vui nhất là những giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn đời của thôn vẫn được gìn giữ, trân trọng, được phát huy. Dân làng chúng tôi mong được sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và thị xã Duy Tiên, xã Tiên Sơn để thôn Đọi Tam phát triển xứng đáng với truyền thống đã có. 

Trở lại Đọi Tam lần này, tôi rất vui khi được biết công trình Nhà truyền thống của thôn đã được thị xã Duy Tiên phê duyệt và hỗ trợ xây dựng đã cơ bản hoàn thành, ngay cạnh ngôi đình làng. 

Đây cũng là một trong những nguyện vọng của dân làng cổ Đọi Tam về một nơi để trưng bày các hiện vật cũng như tư liệu quý về quá trình hình thành, phát triển của làng, trưng bày các sản phẩm làng nghề, nơi vinh danh những người có công lao, đóng góp xây dựng làng…

Đọi Tam làng cổ hôm nay đã có bước khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên nhiều, nhưng những người dân trong thôn vẫn kỳ vọng về một sự đổi thay, phát triển hơn nữa từ chính ngôi làng giàu truyền thống văn hóa, lịch sử nơi quê hương núi Đọi này.