Một ngày trung tuần tháng 5, chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi đền tháp Pô Rome (tiếng Chăm gọi là Bimong Po Ramé) nằm trên đỉnh đồi "Bôn A Cho" ở làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).
Đây cũng là khu đền tháp cuối cùng mà người Chăm dựng lên và còn tồn tại đến tận ngày nay.
Ông Lộ Phú Kính, người Chăm ở làng Hậu Sanh và cũng là người trông coi khu di tích tháp Pô Rome cho biết, trải qua hàng trăm năm lịch sử, hiện nay tháp Pô Rome là một trong hai tháp Chăm ở Ninh Thuận được người Chăm (theo đạo Balamon) thờ cúng và thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng hàng năm.
Theo sử sách để lại, tháp Pô Rome được người Chăm xây dựng vào thế kỷ XVII để thờ vị vua Pô Rome. Ông là vị vua cuối cùng trị vì vương quốc Chămpa (1595 – 1615) và cũng là vị vua có nhiều công lao dẫn thủy nhập điền, xây dựng và duy trì hòa bình cho vương quốc Chămpa.
Vì công lao to lớn giúp cho nền nông nghiệp phát triển, nên khi ông băng hà, người Chăm đã phong ông như một thần và xây tháp để tôn thờ...
Khu đền tháp Pô Rome xưa gồm có 3 ngôi tháp: tháp chính, tháp cổng và tháp lửa. Tuy nhiên, do sự bào mòn của thời gian nên hiện nay chỉ còn lại ngôi tháp chính. Hai tháp xung quanh đã đổ sập chỉ còn lại dấu tích.
Theo hồ sơ di tích tại bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, tháp chính Pô Rome cao 16,5 mét gồm 4 tầng. Tầng nền lớn nhất với mỗi cạnh dài 7,30 mét và nhỏ dần lên đến đỉnh tháp.
Các mặt của tháp Pô Rome đều có cửa giả bên trong đặt tượng người ở giữa. Các đỉnh cột ở mỗi tầng đều nhô ra các phiến đá hình ngọn lửa. Ngoài ra, mỗi tầng và mỗi mặt của tháp được trang trí bằng các họa tiết gốm, đá, với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần…
Tất cả các loại hình họa tiết trang trí nêu trên đều là những công trình mang ý nghĩa về nghệ thuật và tôn giáo của người Chăm.
Tháp chính Pô Rome có một lối vào duy nhất nằm ở mặt hướng Đông, muốn vào tháp phải qua 2 lớp cửa cao 1,7 mét và rộng 1,2 mét. Cửa ngoài là cửa phụ, cửa chính có khung bằng đá, cánh cửa bằng gỗ được sơn màu huyết bò.
Trước cửa tháp Po Rome là một sân nhỏ hình chữ nhật dài 5 mét, rộng 3 mét, đây là nơi thường hay tổ chức các sự kiện, nghi lễ tín ngưỡng trong dịp lễ hội. Từ sân lên đến cửa được nối với nhau bằng bậc tam cấp.
Bên phải tháp chính là công trình tháp phụ đã đổ sập, bên trái là biểu tượng Linga bằng đá cao khoảng 1,3 mét khá hoàn chỉnh, trên đỉnh đầu Linga có khắc hình hoa bốn cánh.
Đặc biệt phía sau tháp chính còn có một ngôi miếu nhỏ thờ hoàng hậu Bia Thanh Chih (vợ đầu của tiên của vua Pô Rome). Kề bên miếu là ngôi mộ Kút được đánh dấu bằng 2 phiến đá cao thấp khác nhau.
Tháp Chăm Pô Rome ở Ninh Thuận. (T/h: Đức Cường)
Được sự hướng dẫn của ông Lộ Phú Kính, người trông coi và bảo vệ di tích, chúng tôi được mục sở thị tận mắt bảo vật Quốc gia bên trong tháp Pô Rome, đó chính là phù điêu vua Pô Rome đặt ngay trung tâm của tháp chính.
Theo quan sát của chúng tôi, phù điêu vua Pô Rome có đội mũ hình trụ cao khoảng 1,2 mét được làm bằng đá dưới hình thể Mukhalinga thể hiện hình ảnh Thần – Vua rất đặc biệt trong nghệ thuật cổ Chămpa.
Trong đó, hình ảnh vua Pô Rome được thể hiện có 8 tay, 2 tay chính úp lên bụng, 6 tay còn lại đưa lên cao và gắn vào vai.
Mỗi bàn tay cầm một vật khác nhau là biểu trưng chính của thần Shiva: 3 tay bên trái cầm chiếc đinh ba, thanh kiếm, một cái chén; 3 tay bên phải cầm một dao găm, một búp sen và một vật nhìn giống một chiếc lược nhưng cũng có thể là một chiếc cung nhỏ.
Phía trên bức phù điêu vua Pô Rome còn có hai hình xoắn như ngọn lửa đỡ lấy hai cái đầu.
Ngoài ra, bên trên còn có ba đầu nữa được đặt chồng lên nhau, các đầu đều đội mũ trụ tóe ra 5 tia hình lông công, có đeo hoa tai và vòng cổ.
Toàn bộ cấu trúc phù điêu vua Pô Rome được đặt trên một Yoni lớn bằng đá sa thạch với bề dày khoảng 30cm, dài 1,70 mét, rộng 1,25 mét có rãnh chạy quanh tượng.
Ngoài ra, bên trong tháp còn có tượng thờ hoàng hậu Bia Thanh Chanh (vợ thứ 2 của vua Pô Rome) bằng đá đặt bên cạnh phù điêu vua Pô Rome và tượng bò thần Nandin tạc bằng đá xanh, uy nghi dũng mãnh canh ở cửa ra vào.
Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa của người Chămpa xưa, phù điêu vua Pô Rome bên trong tháp Chăm cùng tên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia vào ngày 31/12/2020.
Trước đó, tháp Chăm Pô Rome cũng đã được Bộ văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) xếp công nhận là di tích cấp quốc gia thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.
Sau nhiều lần trùng tu (1992, 2010), toàn bộ khu di tích tháp Pô Rome đã được khôi phục khá toàn diện.
Phía dưới chân tháp các công trình phụ trợ như: đường đi, sân vườn, nhà trưng bày, lối lên tháp… cũng được tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.
Tại đây, người Chăm (balamon) trong vùng thường tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội rất đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.
Các lễ hội truyền thống ở tháp Pô Rome hàng năm bao gồm: Lễ mở cửa tháp đầu năm diễn ra vào thượng tuần trăng tháng 1 lịch Chăm; Lễ cầu mưa diễn ra vào thượng tuần tháng 4 lịch Chăm; Lễ hội Chabul (lễ cúng Nữ thần Mẹ xứ sở) diễn ra vào tháng 9 lịch Chăm.
Đặc biệt nhất và lớn nhất là lễ hội Katê được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm.
Đến với lễ hội Katê, du khách có cơ hội tìm hiểu về các nghi lễ rước y trang, tắm tượng. Đồng thời thưởng thức các điệu múa Chăm truyền thống do những cô gái Chăm thể hiện.
Ngoài ra, tháp Pô Rome là một trong những điểm đến được ngành du lịch giới thiệu đến du khách trong hành trình trải nghiệm Ninh Thuận.
Đứng trên trung tâm đền tháp Pô Rome, chúng tôi được dịp chiêm ngắm cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và yên bình đến lạ thường.
Xa xa sau cánh đồng điện gió là làng Chăm Hậu Sanh, phóng tầm mắt thêm nữa là làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp truyền thống.
Thời điểm hoàng hôn chiều tà, từng đàn dê, cừu thong thả về chuồng tạo nên cảnh yên bình hiếm nơi nào có được.
Người Chăm ở Ninh Thuận thường truyền tai nhau câu chuyện về vị vua Pô Rome, theo đó, vị vua Pô Rome từ nhỏ là một mục đồng có tài bắn cung.
Khi trưởng thành, Pô Rome được vua Po Mưh ta-ha gã con gái Bia Thanh Chih và truyền ngôi vua cai quản nước Chămpa.
Nhưng vì Bia Thanh-Chih bị hiếm muộn nên vua Pô Rome đã cho người sang tận Lào tìm thuốc thang để có một đứa con nối ngôi nhưng vô hiệu. Do đó, Pô Rome đã cưới một người con gái gốc Ra-đê, tên là Bia Thanh-Chanh làm vợ.
Sử liệu cũng cho biết, bia ký và tục truyền của các đồng bào Chăm thì vua Pô Rome là người có công xây dựng đất nước Chămpa trong khi trị vì, đặc biệt trong lãnh vực thủy lơi như xây dựng công trình đập nước MaRên.
Ngoài ra, ông còn cho khai một con mương dài khoảng 40km chảy từ núi Là A qua các thôn Vụ Bổn, Hiếu Thiện, La Chữ, Mông Đức, Nhuận Đức, Bàu Trúc…
Do có nhiều công lao như vậy, khi ông chết người Chăm đã thờ cúng và xem ông như một vị thần.