Bộ váy áo của người Thái nguyên vẹn sau hơn 120 năm
Về bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An du khách không những được ở Homstay, thưởng thức các món ăn truyền thống. Bên cạnh đó, du khách còn được hòa mình vào các làn điệu cổ, tìm hiểu văn hóa, tập tục truyền thống của người Thái. Đồng thời, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống thường ngày qua các hoạt động như trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Hay ra đồng, lên nương, đánh cá…
Về bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An thăm bảo tàng Pỉ Noọng ngắm bộ váy áo truyền thống được lưu truyền hơn 120 năm vẫn vẹn nguyên từng nét hoa văn. Thực hiện: Thắng Tình
Đặc biệt, du khách còn có dịp được tìm hiểu về những bộ trang sức, váy áo và các đồ dùng sinh hoạt lưu truyền từ xa xưa của người Thái và các dân tộc khác. Bản Hoa Tiến có riêng một nơi gọi là "Bảo tàng Pỉ Noọng" nơi lưu giữ những bộ đồ được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Bà Sầm Thị Bích (SN 1965, trú tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến) cho biết, "Pỉ Noọng trong tiếng thái có nghĩa là anh em. Vì thế đồ dùng, các vật phẩm của tất cả các dân tộc anh em đều có thể lưu giữ tại đây", nói rồi bà Bích mở cánh cổng đưa chúng tôi vào phía trong để chiêm ngưỡng những món đồ được lưu giữ trong bảo tàng.
Các đồ vật phía trong được bà Bích cùng mọi người tìm mua ở khắp nơi. Đặc biệt có một bộ váy áo truyền thống của người Thái dù đã lưu truyền suốt hơn 120 năm. Bà Bích cho biết, bộ váy áo này trước đây là của cụ cố Viên, vợ của quan tri phủ tại địa phương để lại. Bộ váy áo được dệt từ lụa tơ tằm, có đủ những nét họa tiết, hoa văn đặc trưng trên váy áo người Thái.
Đến nay, dù đã hơn 120 năm trôi qua, nhưng các họa tiết trên váy áo vẫn còn nguyên vẹn. Đến từng chiếc khuy áo cũng vẫn còn đầy đủ. "Trước đó cụ cố Viên là con gái của một quan tri phủ ở Quế Phong. Sau đó, cụ Viên được gả về làm vợ cho quan tri phủ ở Qùy Châu. Dù là vợ của quan tri phủ nhưng cụ cố Viên vẫn tự tay dệt những bộ quần áo cho mình. Những bộ váy áo được cụ cố Viên mặc thường ngày, vì là vợ của quan tri phủ nên lúc nào cũng phải đẹp".
Ý nghĩa những họa tiết trên trang phục của người Thái ở Qùy Châu
Ngoài váy và áo, người Thái ở huyện Qùy Châu dệt nhiều đồ dùng thường ngày như: khăn Piêu, chân váy, chăn… mỗi họa tiết trên các trang phục đều có ý nghĩa riêng. Trong đó có các họa tiết nhưng những con thú dũng mạnh, có sức khỏe với ý nghĩa cầu mong dựa vào sức mạnh của những con vật này để xua đuổi bệnh tật, cầu mong sức khỏe, bình an.
Ví như họa tiết con voi, đối với người Thái voi biểu tượng cho sức mạnh. Người Thái xưa khi gặp voi thường di chuyển qua lại dưới bụng 3 lần để cầu mong cho mình được khỏe mạnh và không ốm yếu. Sức mạnh của voi cũng có thể che chở cho người được khỏe mạnh.
Ngoài những con vật trên rừng, hay những con vật gần gũi thường ngày thì người Thái cũng thêu hay dệt biểu tượng con rồng lên trang phục.
Một trong những họa tiết được dùng nhiều nhất trên trang phục của người Thái, đó là hình mặt trăng và mặt trời. Hai họa tiết này được bắt nguồn từ câu chuyện một đôi trai gái người Thái yêu nhau thắm thiết. Sau đó, hai người mới biết mình là anh em gần nên không lấy được nhau.
Không đến được với nhau, sau khi chết người con gái hóa thành mặt trăng, người con trai hóa thành mặt trời. Hàng ngày họ không thể gặp nhau, chỉ đến khi nguyệt thực hoặc nhật thực hai người mới được gặp nhau. Những họa tiết này cũng để nhắc nhở người Thái là anh em họ hàng gần thì không được lấy nhau.
Bảo tàng Pỉ Noọng thực chất là căn nhà cũ gia đình bà Bích. Từ khi làm du lịch cộng đồng gia đình bà Bích chuyển lên ở trên căn nhà sàn mới. Nơi đây được bà Bích tu sửa lại để trưng bày các món đồ mà mình sưu tầm được để phục vụ du khách tham quan. Bà Bích mong muốn, sau này sẽ sưu tầm được thật nhiều đồ dùng, vật dụng để về trưng bày, lưu giữ. Đồng thời, nâng cấp bảo tàng Pỉ Noọng rộng hơn, đủ các điều kiện để lưu giữ đồ vật được tốt hơn.