Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Quang Tùng lý giải sức hút lớn từ các phong trào của Hội trên địa bàn
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Quang Tùng lý giải sức hút lớn từ các phong trào của Hội trên địa bàn
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Thứ năm, ngày 14/09/2023 11:01 AM (GMT+7)
Những phong trào của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An luôn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Vì thế, các phong trào có sức hút lớn, nhận được sự tham gia tích cực của đông đảo người dân, mang lại hiệu quả cao.
Mặc dù quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế nhưng với trách nhiệm, quyết tâm cao của các cấp hội, sự đồng lòng hưởng ứng của hội viên, nông dân, công tác Hội và phong trào nông dân toàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện, tạo dấu ấn nổi bật.
Tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ IX đề ra đều đạt và vượt. Vị thế, uy tín của Hội Nông dân các cấp được khẳng định. Niềm tin, sự gắn bó của nông dân đối với tổ chức hội được nâng lên.
Ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An chia sẻ, đây là một nhiệm kỳ rất thành công, tạo được những dấu ấn rất tốt trên nhiều phương diện. Từ năng lực đoàn kết, tập hợp nông dân. Vị thế, vai trò của các cấp hội cũng được nâng lên. Đóng góp, của các cấp Hội và phong trào nông dân trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận.
Các phong trào, chương trình do Hội Nông dân Hội Nông dân phát động, tổ chức có sức tập hợp, lôi cuốn nông dân rất là lớn. Đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình mẫu để phát triển nông nghiệp, sản xuất kinh doanh giỏi, đến phong trào cụ thể như xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới, hàng cây nông dân ơn Bác, sản xuất kinh doanh nông sản an toàn… đều nhận được sự hưởng ứng, tham gia rất tích cực của nông dân.
Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh việc bám sát sự Chỉ đạo từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, sự phối hợp của chính quyền các cấp. Khi triển khai, phát động bất cứ một phong trào nào điều đầu tiên là phải vì lợi ích của người dân, phát huy dân chủ, đáp ứng những nhu cầu thực tiễn của người dân. Đó là những động lực lớn nhất để thúc đẩy phong trào nông dân.
Bên cạnh đó, phong trào công tác hội phải bám sát nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương từ đó có sự phối hợp, đồng hành từ đó các phong trào được triển khai nhanh mang lại hiệu quả cao.
Sáng phát động trưa đã thấy kết quả
Ông Nguyễn Quang Tùng chia sẻ, bất kỳ một phong trào, công tác hội đều phải xuất phát tâm, thực tâm mà làm. Trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại rất lớn. Đặc biệt đối với đàn gia súc tại các huyện miền núi Nghệ An có nguy cơ chết cóng rất cao. Đàn trâu, bò là tài sản lớn nhất của bà con ở miền núi.
Mặc dù vào thứ 7, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lập tức họp, thống nhất triển khai chương trình chống rét cho trâu, bò. Phong trào nhanh chóng được triển khai đến từ cấp huyện đến xã, tới từng thôn bản. Người dân được hỗ trợ mua bạt che chắn chuồng trại giữ ấm cho gia súc. Trâu, bò "mặc áo" may bằng bạt để chống rét. Bên cạnh đó, các cấp hội hướng dẫn bà con các phương pháp giữ ấm, chống rét cho trâu bò.
Phong trào được phát động vào buổi sáng, đến gần trưa những bức ảnh đàn trâu, bò được giữ ấm liên tục gửi về Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An. Nhiều nơi các cấp Hội Nông dân đến tuyên truyền người dân chủ động thực hiện. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn 280.000 bộ áo bằng bạt giữ ấm cho trâu, bò đã được may. Nhờ vậy, mặc dù trải qua những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, có nơi băng giá xuất hiện nhưng thiệt hại của bà con nhân dân được giảm thiểu xuống mức thấp nhất.
"Ngay từ đầu, các phong trào, chương trình đề ra đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Vì thế, tất cả các phong trào, chương trình do Hội Nông dân tổ chức đều nhận được sự tham gia rất tích cực của đông đảo nhân dân. Thành công cũng đến từ những đóng góp của người dân", ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Tổ chức hội theo nghề nghiệp, bước đột phá trong đổi mới phương thức tập hợp nông dân.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động được Hội Nông dân tỉnh Nghệ An liên tục được đổi mới về hình thức, thiết thực hơn nên đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của hội viên, nông dân. Công tác xây dựng tổ chức hội được tăng cường, hình thức tập hợp nông dân được mở rộng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã kết nạp mới 55.558 hội viên, vượt chỉ tiêu đề ra.
Việc xây dựng và phát triển chi hội nông dân, tổ hội nông dân theo nghề nghiệp được tập trung chỉ đạo, đạt kết quả cao. Đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh Nghệ An thành lập được 53 chi hội, 913 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 13.333 hội viên tham gia. Phát triển mô hình tổ chức hội theo nghề nghiệp là bước đột phá trong đổi mới phương thức tập hợp nông dân.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từng bước được chuẩn hoá. Nhiệm kỳ qua, các cấp hội trong tỉnh đã mở được 412 lớp tập huấn nghiệp vụ từ cơ sở đến tỉnh. Đội ngũ cán bộ được trẻ hóa mạnh mẽ, đào tạo bài bản cả về chuyên môn và lý luận chính trị. Có 96% Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở có trình độ chuyên môn đại học, 98,7% chủ tịch Hội Nông Dân cơ sở có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Trong nhiệm kỳ, nhiều tập thể và cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban nhân dân các cấp tặng cờ, bằng khen, kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam". Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển sâu rộng mang lại hiệu quả cao.
Vai trò nòng cốt của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An trong xây dựng nông thôn mới
Vai trò của tổ chức Hội Nông dân tỉnh Nghệ An trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được khẳng định. Nhiều chương trình, kế hoạch do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An triển khai mang lại hiệu quả rõ nét, tạo dấu ấn, có đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Qua đó khẳng định vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong xây dựng nông thôn mới.
Năm năm qua, nông dân toàn tỉnh Nghệ An đã đóng góp được hơn 3.500 tỷ đồng, hiến hơn 930.000 m2 đất, tham gia 1.500.000 ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 309 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đạt kết quả tích cực, ngành nghề sản xuất ở nông thôn ngày càng đa dạng, phong phú.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An ban hành Đề án Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2022-2025. Xây dựng, đề xuất UBND tỉnh ban hành Đề án "Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp giai đoạn 2023-2025".
Các cấp Hội Nông dân hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng được được 1.495 mô hình bảo vệ môi trường, 454 mô hình thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình, 462 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, xây dựng được 2.125 vườn mẫu nông dân, 880 vườn chuẩn nông thôn mới, 1.664 hàng cây, 134 vườn cây nông dân ơn Bác.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đề xuất UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn giai đoạn 2020-2023". Quá trình thực hiện đề án, các cấp Hội Nông dân đã mở được 107 lớp tập huấn, xây dựng được trên 400 mô hình sản xuất nông sản an toàn.
Đồng thời, hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn được các cấp Hội Nông dân tập trung đẩy mạnh, thông qua việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, nâng cao chất lượng nhận ủy thác ngân hàng chính sách xã hội và tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại cho nông dân vay vốn.
Hội nông dân các cấp đã hỗ trợ xây dựng trên 1.000 mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tổ chức tập huấn kiến thức về thương mại điện tử, phương pháp xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá sản phẩm, quy trình giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đưa trên 100 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.
Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong nhiệm kỳ mới
Trong nhiệm kỳ mới, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đề ra những mục tiêu trọng tâm như, 100% cán bộ, hội viên nông dân được tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các nghị quyết, chỉ thị của Hội. Kết nạp ít nhất 50.000 hội viên. Thành lập ít nhất 50 chi hội nông dân nghề nghiệp, 300 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 100% chi hội có quỹ hoạt động Hội. Bồi dưỡng nghề cho ít nhất 30.000 hội viên, nông dân; tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho ít nhất 400.000 hội viên nông dân.
Hàng năm, có ít nhất 60% hộ hội viên đăng ký phấn đấu và có ít nhất 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Mỗi đơn vị cấp huyện tư vấn, hỗ trợ xây dựng ít nhất 2 mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao hoặc mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hỗ trợ thành lập ít nhất 20 hợp tác xã, 100 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Tăng trưởng quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 15%/năm trở lên. Hàng năm, ít nhất 70% tổ chức cơ sở hội tổ chức được hoạt động hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Có 100% cơ sở hội xây dựng được mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Đánh giá từ thực tiễn cho thấy đời sống nông thôn, cơ cấu ngành nghề đã có nhiều thay đổi. Vì thế, công tác Hội Nông dân cũng cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về nội dung và phương thức hoạt động. Từ đó, xây dựng hội vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, góp phần phát triển Nghệ An nhanh, bền vững", ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.