Cùng với chính sử trong dân gian cũng tồn tại một số truyền thuyết có tính huyền ảo; một số ít lại cho rằng đây là chuyện hư cấu.
Chúng tôi khẳng định đây là nhân vật có thật, xin giới thiệu đến bạn đọc bằng chứng từ một tài liệu quý dưới đây.
Cho đến nay, tài liệu còn lại về đền thờ này rất ít, may mắn chúng tôi đã sưu tầm được một văn bản chữ Hán ghi chép về đền thờ thần núi Tam Tòa (hay còn gọi là đền thờ Lý Nhật Quang) tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.
Người được thờ ở đền thờ trên núi Tam Tòa là một vị hoàng tử tên là Lý Nhật Quang (995 - 1057), con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ và mẹ là Linh Hiển Hoàng hậu. Đương thời, ông được vua Lý Thái Tông đánh giá là người tài giỏi và đáng tin cậy.
Năm Tân Tỵ (1041), nhận thấy Nghệ An - khi ấy là biên viễn phía Nam Đại Việt, là vùng đất phên dậu phức tạp, nhiều cuộc nổi dậy ở địa phương có tính chất phản loạn gây sự phiền toái cho dân, vua Lý Thái Tông đã cử hoàng tử Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An, tước hiệu Uy Minh Hầu.
Bằng sự quyết đoán và tấm lòng độ lượng của mình, Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang chẳng những đã dần cảm hóa và quy phục được người dân địa phương mà còn thu hút người dân khắp nơi trong cả nước về đây tìm cơ hội.
TP Quy Nhơn nhìn từ đỉnh núi Tam Tòa. Núi Tam Tòa còn dấu tích một ngôi đền thờ cổ xưa được cho là thờ hoàng tử Lý Nhật Quang, hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Ảnh: B. PHÙNG
Đến năm 1044 với nhiều công tích lớn, hoàng tử Lý Nhật Quang được phong tước vương, gọi là Uy Minh Vương.
Sau khi mất, người dân Nghệ An đã lập Đền Quả để thờ ông. Đây là một trong 4 ngôi đền thiêng và đẹp nhất xứ Nghệ với câu ngạn ngữ nổi tiếng Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng.
Và không chỉ nơi ông làm quan người dân mới lập đền thờ, theo thống kê, suốt một dải từ Thanh Hóa, Nghệ An vào đến Hà Tĩnh có tới hơn 50 đền thờ Lý Nhật Quang.
Cùng với đó tuy ít hơn nhưng cũng có thêm nhiều địa phương khác lập đền thờ Ngài, trong số đó có Bình Định. Và như đã nói ở trên đền thờ này tọa lạc ở núi Tam Tòa.
Sở dĩ có việc này là bởi Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang có công rất lớn trong việc giúp hoàng gia Champa dẹp yên nội loạn, mang lại hòa bình thịnh trị cho vương quốc, đặc biệt là ở vùng kinh đô - nay là khu vực tỉnh Bình Định.
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, tờ 24 ghi chép đền thờ thần núi Tam Tòa ở tỉnh Bình Định, thần được thờ được cho là hoàng tử Lý Nhật Quang. Nguồn: Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Hà Nội.
Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, tờ 24 còn ghi chép về đền thờ thần núi Tam Tòa và công lao của Ngài như sau: “Đền thần núi Tam Tòa: Ở cửa biển Thi Nại, huyện Tuy Phước, thờ thần núi Tam Tòa. Thần họ Lý, tên là Nhật Quang, là con trai thứ 8 của vua Lý Thánh Tông (có lẽ khắc nhầm, đây chính xác là Lý Thái Tông), là người văn võ song toàn, được phong Uy Minh Vương, coi phủ Nghệ An, làm chính trị giỏi, nhân dân đều rất tin yêu.
Lúc bấy giờ, có bộ lạc ở Chiêm Thành thường làm phản, chúa Chiêm Thành cầu viện với Vương. Vương đem thủy binh đến thẳng cửa biển Thi Nại, đóng quân ở dưới núi Tam Tòa, chúa Chiêm Thành đón rước. Bộ lạc nghe tin Vương đến, đều đem quân đến hàng phục, nguyện theo mệnh lệnh chúa Chiêm Thành, không dám hai lòng.
Vương bèn đem quân về. Người Chiêm Thành tưởng nhớ ơn đức vua, lập đền thờ ở dưới núi Tam Tòa thờ Vương.
Lúc vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Thi Nại, cầu đảo thường được ứng nghiệm. Sau khi hạ được thành Chà Bàn, phong cho Vương làm thần núi Tam Tòa, trải nhiều đời đều được phong tặng”.
Trải qua thăng trầm của thời cuộc, đền thờ thần núi Tam Tòa giờ đã hoang tàn, dấu tích còn lại của đền là một cổng tam quan.
Phía sau cổng tam quan là dấu vết bức tường đá ong, gạch được xây bằng vôi. Trước cổng có một bệ thờ hình con cóc rất huyền bí, đến nay vẫn còn bí ẩn, chưa có lời giải đáp.
Di tích đền thờ trên núi Tam Tòa được Bộ VH-TT công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988, tuy nhiên, đến nay đền thờ đã mất dấu tích kiến trúc, nền móng còn lại là do nhiều thế hệ trùng tu, sửa chữa; việc phục dựng một di tích lớn có nhiều ý nghĩa như vậy tưởng cũng là điều nên sớm tính đến.