Con vua lại lấy hai chồng làm vua, là tình cảnh 2 hoàng hậu nào trong lịch sử phong kiến Việt Nam?
Con vua lại lấy hai chồng làm vua, là tình cảnh của 2 hoàng hậu nào trong lịch sử phong kiến Việt Nam?
Thứ hai, ngày 04/03/2024 11:18 AM (GMT+7)
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam có hai người phụ nữ nổi tiếng, đều có điểm chung là hậu phi của hai vua hai vương triều kế nối là hoàng hậu Dương Vân Nga và công chúa Lê Ngọc Bình.
Dã sử xưng gọi Dương Vân Nga là hoàng hậu của hai vị vua thời kỳ đầu lập quốc là Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.
Bà đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh (968 - 979) sang nhà Tiền Lê (980 - 1009) vì vận mệnh quốc gia. Lê Ngọc Bình là hậu cung của hai vua hai triều đại đối địch tàn khốc bậc nhất lịch sử phong kiến thời cận đại Việt Nam là nhà Tây Sơn (1778 - 1802) và nhà Nguyễn (1802 - 1945).
Sau khi vua cha Quang Trung mất năm 1792, Quang Toản lúc này 10 tuổi, vì còn quá nhỏ nên bị cậu ruột là thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền thâu tóm triều chính. Nội bộ Tây Sơn từ đó lục đục suy yếu, các tướng lĩnh tranh chấp quyền hành giết hại lẫn nhau, căn nguyên vương triều Tây Sơn sụp đổ.
Năm 1795, sau khi quyền thần Bùi Đắc Tuyên bị dẹp bỏ, thế lực ngoại thích không còn, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân có ý muốn hướng Quang Toản về Bắc Hà nên đã tiến cử em gái mình vào cung.
Công chúa Lê Ngọc Bình là con gái út vua Lê Hiển Tông trở thành hậu cung của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, năm ấy Ngọc Bình mới 12 tuổi, được phong Chính cung Hoàng hậu, ở cung 6 năm nhưng chưa sinh con.
Chân dung hoàng hậu Lê Ngọc Bình. Bà là con gái vua Lê Hiển Tông, được vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toàn nhà Tây Sơn phong hoàng hậu, nhà Tây Sơn sụp đổ, hoàng hậu Lê Ngọc Bình được vua Gia Long Nguyễn Ánh của vương triều Nguyễn phong làm Chiêu nghi. Nguồn: Tư liệu địa danh du lịch Landmarks
Nhà Tây Sơn lúc này diễn ra cảnh “nồi da nấu thịt” tự mình làm cho mình suy yếu, chúa Nguyễn ở Gia Định thừa cơ Bắc phạt, 10 năm Nguyễn Ánh khôi phục sơn hà Đàng Trong, vua Tây Sơn chạy ra Bắc.
Trong sách “Quốc sử di biên” của tác giả Phan Thúc Trực viết vào thời Tự Đức thứ năm (1852) ghi: “Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu 1802… ngày 21 Canh Thân, Thế Tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua… dâng nộp bà phi Lê Ngọc Bình vào trong cung vua…”.
Cũng trong năm 1802, Cảnh Thịnh cùng triều đình bị bắt đem về xử lăng trì tại Huế, đây là sự kiện chấm hết vương triều Tây Sơn. Riêng Lê Ngọc Bình, Gia Long quyết nạp làm phi.
Triều thần can ngăn: “Bệ hạ nay có cả thiên hạ, thiếu gì gái đẹp, việc gì phải lấy vợ của giặc làm vợ của mình!”, Gia Long trả lời: “Đến đất nước của giặc tau còn lấy, huống chi là vợ của giặc, tau lấy vợ của giặc làm vợ của tau thì có chi mô!” (theo Trần Quốc Vượng – Mấy vấn đề về vua Gia Long).
Lê Ngọc Bình được vua Gia Long phong làm Chiêu nghi, bà sinh hai hoàng tử và hai hoàng nữ: “Trưởng nam là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân, con thứ là Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự, trưởng nữ là An Nghĩa công chúa Ngọc Ngôn, thứ nữ Mỹ Khê công chúa Ngọc Khuê” (theo Nguyễn Phúc tộc Thế phả trang 222).
Lê Ngọc Bình mất ở tuổi 25 khi còn quá trẻ, được Gia Long ban thụy là Cung Thận Đức Phi, an táng tại làng Trúc Lâm, TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.
Hai chị em Lê Ngọc Hân và Lê Ngọc Bình đều là con vua Lê Hiển Tông nhà Hậu Lê, cả hai bà đều sinh ra ở ngoài Bắc, lớn lên đều lấy chồng là Hoàng đế Tây Sơn, đều là cung phi tại Phú Xuân.
Do những điểm tương đồng căn bản đó để lại truyền tụng về cuộc đời hai bà, đã gây ra sự nhầm lẫn giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình.
Có những ngờ vực cho rằng vua Gia Long lấy Lê Ngọc Hân vợ vua Quang Trung vì mục đích trả thù, nhưng thực tế Ngọc Hân đã mất từ năm 1799, đến năm 1802 vua Gia Long mới lập ra vương triều Nguyễn tại Phú Xuân – Huế.
Do mối lương duyên lạ lùng, công chúa Lê Ngọc Bình có hai đời chồng là vua Cảnh Thịnh Quang Toản nhà Tây Sơn và vua Gia Long Nguyễn Ánh. Vì vậy, dân gian còn truyền tụng hai câu ca nói về bà: “Số đâu có số lạ lùng/ Con vua lại lấy hai chồng làm vua”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.