Võ Bình Định-lần theo một pho bí kíp võ công của một võ sư thượng thừa nổi tiếng
Võ Bình Định-lần theo một pho bí kíp
Thứ sáu, ngày 29/12/2023 05:24 AM (GMT+7)
Hồi tháng 8, tại Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền lần thứ 8 năm 2023 ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vắng những cây đại thụ nắm giữ nhiều bí kíp chân truyền. Với nhiều người, đây là sự tiếc nuối lớn. Sau dịp đó, tôi tìm đến những đại võ sư để hiểu thêm về các pho bí kíp võ cổ truyền dân tộc.
Võ sư Lý Xuân Hỷ năm nay 83 tuổi. Trước nhà của ông (ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, Bình Định) trồng một cây me cổ thụ có lẽ đã trải qua mấy thế hệ và che bóng cho những võ sĩ ướt đẫm mồ hôi, quần thảo, đi bài quyền Miêu tẩy diện.
Cuốn bí kíp võ thuật tại nhà thờ đại võ sư Phan Thọ. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Võ sư Lý Xuân Hỷ từng được mệnh danh là hùm xám thập niên 1960 ở khu vực Cao nguyên Trung phần. Võ thuật dường như đã “hóa thạch” thành những mảng trầm tích trong con người ở tuổi xế bóng, bước đi không còn dũng mãnh như thuở nào của lão võ sĩ.
Tôi tìm đến ông từ cơ duyên những bài thiệu của võ cổ truyền Bình Định được viết cách đây vài trăm năm, trong đó phần lớn bí kíp đều bị rách góc, mất chữ, thất truyền.
Tôi lần mở các bài thiệu được lưu trên laptop, bài Miêu tẩy diện, Hồi mã thương sát thủ, Song long xuất hải, Lý miêu hoán ấu chúa…
Có rất nhiều bài trong số đó được ông Lê Thì, Kim Dũng, Đỗ Hóa, Phạm Đình Phong dày công sưu tập từ năm 1993. Nhưng 30 năm về trước, những cán bộ ngành thể dục thể thao và võ sư tâm huyết với võ thuật Bình Định cũng không kịp cứu những pho bí kíp cổ xưa.
Một pho bí kíp võ thuật Bình Định còn được lưu giữ. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Những cuốn sách ghi chép bằng chữ Hán, Nôm trên giấy dó đã úa màu, sờn rách, thủng lỗ, có nhiều bài quyền chỉ còn đọc được một nửa. Tôi tìm tới lão võ sư Lý Xuân Hỷ vì nghe Tiến sĩ Võ học Phạm Đình Phong nói “ông Hỷ yếu rồi!”. Tôi hy vọng cuối đời lão võ sư vẫn nhớ ra được điều gì đó chăng?
Võ sư Lý Xuân Hỷ nói chuyện hơi ngắt quãng, khi nhìn thấy tấm ảnh võ sĩ Đỗ Hy Sinh trên màn hình laptop, ông nhổm người dậy và bắt đầu nhớ ra.
Ông nhắc về võ thuật thời Pháp thuộc, lúc đó ông còn nhỏ, thỉnh thoảng võ sĩ Đỗ Hy Sinh - tay đấm lừng danh ở Quảng Ngãi lại đến giao lưu võ thuật với gia tộc võ thuật họ Lý.
Ông nói rất chậm, thỉnh thoảng nhắc đến đòn chỏ tuyệt chiêu của bài Miêu tẩy diện, nhắc đến việc khổ công luyện võ thuật của ông bà thời trước. Câu chuyện của ông đã khiến tôi hiểu ra rằng, tại sao võ cổ truyền Bình Định dần dần bị mai một và những bí kíp chân truyền khó có thể phục hồi được hoàn toàn.
Những bộ quyền pháp nổi tiếng
Có những quy định rất chặt chẽ đối với người tập võ Bình Định như: Không được gần sắc dục trong thời gian luyện võ; tập võ phải sau bữa cơm ít nhất 2 tiếng đồng hồ; tập võ không được phép ngồi nghỉ dù mệt mỏi…
Lão võ sư Lý Xuân Hỷ nói: “Ngày xưa, võ sĩ muốn tập thành công môn Hổ quyền phải mất 3 năm để luyện đòn ngũ trảo đầy uy lực như cú tát của chúa sơn lâm. Muốn tập thông thạo Long quyền mất 6 năm để thân pháp uyển chuyển như rồng vờn mây, cưỡi gió nhưng đầy sức mạnh và sự huyền bí. Muốn thành công về Hầu quyền phải khổ luyện trong 9 năm. Muốn thành công về Xà quyền phải tập ròng rã trong 12 năm”.
Võ sư Lý Xuân Hỷ nói về các bậc tiền nhân trong họ Lý từng mở mang võ thuật trên đất Bình Định là Lý Thế Phúc, tiếp đến là Lý Hùng, Lý Mưu, Lý Xuân Tạo, Lý Tường…
Ông còn nhẩm 2 câu thiệu “Phượng hoàng tranh cước vĩ/ Mãnh hổ khai đại phi…”. Tôi dò tìm trong các tư liệu và nhận ra, đó là bài thiệu 9 câu “Thảo bộ phượng hoàng” từng được in trong tư liệu võ thuật Bình Định từ năm 1968. Những câu thiệu trong bài này được nối tiếp là “Song long truyền bảo đỉnh/ Đoạt chân vũ uy trì…”.
Tôi phần nào lý giải được vì sao ông có vẻ nhớ đến những bài thiệu có chữ “song long”. Trên bức tường phía bên phải của gian nhà treo những tờ giấy khen, bằng chứng nhận được trao sau năm 1975, còn bức tường bên trái là tờ Chứng minh thư của Ủy hội Quốc gia Thể thao và Bằng danh dự của Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam trước năm 1975. Hai tấm bằng này có họa tiết hình đôi rồng vờn mây, giống như hình thế của ông khi xoay đảo với bài Miêu tẩy diện lừng lẫy một thời.
Trong Ngũ hình quyền, có nhiều động tác võ được miêu tả từ 5 con vật theo thứ tự là long - xà - hổ - báo - hạc. Võ sư Diệp Bảo Sanh nổi tiếng trong giới võ thuật Bình Định từng viết cuốn sách “Long quyền, Hổ quyền”, xuất bản trước năm 1975 chia sẻ về bài Miêu tẩy diện vốn là bài được võ sư Lý Xuân Hỷ áp dụng thành công: “Bài Miêu tẩy diện là bài thảo thuộc Long quyền. Long quyền gắn với thế võ uyển chuyển, mau lẹ và dẻo dai, Miêu quyền gắn với tấn thối nhịp nhàng, đứng ngồi nhanh nhẹn”.
Võ sư Mười Hoàng, tức Lê Công Hoàng từng được đại võ sư Phan Thọ truyền lại bí kíp trước khi qua đời. Ảnh VĂN CHƯƠNG
Ông Lê Thì (sinh năm 1933, mất 2007) - một cán bộ phụ trách ngành văn hóa - thể thao tỉnh Nghĩa Bình cũ (gồm Quảng Ngãi và Bình Định) sinh thời cũng dày công đi sưu tầm để cứu các pho bí kíp võ thuật.
Đọc những tư liệu được ông viết cách đây vài chục năm thì mới thấy được, một võ sĩ cả đời cũng không thể nào học kịp các môn võ Bình Định. Ông Lê Thì chép lại lời thiệu của 40 bài quyền, 46 bài roi, 17 bài về kiếm, 46 bài về thương, đại đao, phù, lăn, khiên.
Trong bài Đoạn khúc âm hồn kiếm (8 câu) của Nguyễn Trung Như - một tướng lĩnh nhà Tây Sơn có đoạn: “Đoạn khúc u hồn/ Hô phong hoán vũ…”, được ông Lê Thì diễn giải khá cụ thể như: “giả bại và dụ địch vào thế bày sẵn…”.
Ông Lê Thì cũng từng diễn giải khá kỹ bài Tử long môn thần kiếm của Đô đốc Bùi Thị Xuân như: “Đánh dưới ánh trăng mờ, đánh theo bóng người nếu tối mịt, đánh nơi loạn quân, đánh phá vây”...
Giải mã pho bí kíp
Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định, nhà thờ của đại võ sư Phan Thọ ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, nhà thờ họ Trương ở xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ (Bình Định)… đều đang lưu giữ những pho võ thuật được viết bằng chữ Nho, Nôm trên giấy dó và phần lớn tài liệu quý giá đó đã bị hư hỏng nặng.
Những thế đánh roi được lưu truyền lại qua hình vẽ. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Tháng 10/1998, ông Phạm Đình Phong (thời còn là cán bộ Sở VH-TT Bình Định) đã sưu tập được những bí kíp trên tại nhà thờ họ Trương, nhưng vào thời điểm đó, 17/28 trang đã bị rách nát, không thể đọc được hết các bài thiệu.
Ông Trương Quang Miễn là tộc trưởng đã chia sẻ về việc tài liệu trên để chung với gia phả, công đức của dòng tộc và đến lúc ông Phong giải mã thì mọi người mới biết về pho sách quý.
Tháng 7/1998, ông Phạm Đình Phong tiếp cận cuốn bí kíp võ thuật tại nhà thờ võ sư Phan Thọ (qua đời năm 2014, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định).
Cuốn bí kíp này có 36 trang, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, người ghi chép là ông Đào Thống. Hàng trăm năm qua, dòng tộc của đại võ sư Phan Thọ luôn đặt cuốn bí kíp đó vào chiếc hộp như một cuốn gia phả rồi đặt lên bàn thờ tổ võ.
Từ đó, bài thiệu nguyên vẹn đầu tiên được dịch là “Ngũ môn pháp”. Bài thiệu được đặt khá vần điệu và dễ nhớ: “Bái thủ Quan Âm/ Bái tầm long thế/ Hoành khai hổ khẩu, phục địa lôi/ Luân phiên thám thủy, hồi tam chiến” (nghĩa là: “Hai tay chấp úp sấp/ Vái tìm thế con rồng/ Mở ngang hình miệng cọp núp trong đất nổi sấm/ Từ thế luân phiên thăm dò nước, trở về thế tam chiến”)...
Trên youtube vẫn còn những đoạn quay đại võ sư Phan Thọ thi triển võ thuật khi ông còn sống, những bài thiệu này được ông tổng hợp thành những thế võ nhu nhuyễn, mượn lực của đối phương rồi luồn lách, áp sát, đánh róc đòn từ hạ bộ lên chấn thủy, kèm theo đòn chỏ và đối thủ không thể nào chống cự được.
Võ sư Bùi Tá Ngọc ở Quảng Ngãi, con trai cố võ sư Bùi Tá Đợi, thuộc dòng võ Bình Định. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Người võ sĩ Tây Sơn như thế nước chảy, luồn lách vào những khe hiểm để triệt hạ, giành phần thắng chớp nhoáng. Chính những đặc trưng thâm hậu đó đã tạo thành võ Tây Sơn đứng riêng thành một trường phái, tạo nên những tên tuổi lừng danh lịch sử, từ nhà Tây Sơn đến những võ sư tung hoành trên võ đài qua nhiều thời kỳ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.